Trào lưu văn học mạng ở Trung Quốc

23/02/2009 16:03 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ở Trung Quốc, Internet ngày càng được giới trẻ dùng như một phương tiện để tạo ra một tác phẩm văn học gây chú ý trong công luận mà không nhất thiết phải nhờ đến nhà xuất bản. Điển hình của hiện tượng này là Mộ Dung Tuyết Thôn. Nhờ Internet, Mộ Dung từ một anh quản lý bán hàng vô danh ở Thành Đô bỗng trở thành một trong những tác giả đương đại nổi tiếng nhất ở Trung Quốc, sau khi anh đưa tiểu thuyết đầu tay Để tôi lại một mình, hỡi Thành Đô lên mạng hồi năm 2001.

Xu hướng tất yếu

Vẽ lên một bức tranh khá ảm đạm nhưng trung thực về cuộc sống đô thị hiện đại ở thành phố, trong đó có chuyện tình yêu, tình dục và cả chuyện cờ bạc, ma túy, tiểu thuyết đầu tay của Mộ Dung Sống nhanh chóng xuất hiện trên nhiều diễn đàn online, được hàng triệu cư dân mạng đọc. Giờ đây nó đã được dựng thành phim nhựa, phim truyền hình, được dịch sang tiếng Đức, Pháp và Anh. Bản in cuốn tiểu thuyết được đưa vào danh sách để cử trao giải Man Asia Literary Prize 2008. Cũng nhờ nó mà Mộ Dung hiện được coi là một trong những nhà tiên phong của thời đại “văn học online” ở Trung Quốc.
Văn học online ngày càng trở lên phổ biến

Mộ Dung là dẫn chứng cho thấy Internet, với hàng loạt trang web văn học xuất hiện ở Trung Quốc trong thập kỷ qua, đã tạo ra một sự kích thích sáng tác hết sức mạnh mẽ cho hàng ngàn nhà văn giàu khát vọng. Khả năng sáng tạo của các nhà văn trẻ được khích lệ khi các tác phẩm của họ được hàng triệu cư dân mạng tìm đọc.

“Đây là một xu hướng tất yếu của trong một thời đại Internet phát triển nhanh chòng và có sự thay đổi trong quan niệm của người dân”, ông Hou Xiaoqiang, trưởng ban văn học của công ty giải trí Thịnh Đại ở Thượng Hải, nói.

Thịnh Đạt hiện điều hành 3 địa chỉ văn học online lớn nhất Trung Quốc, trong đó có Qidian – một trong những trang web phổ cập nhất. Trung bình mỗi ngày các website của Thịnh Đạt có khoảng 200 triệu pageview. Thịnh Đạt hiện sở hữu khoảng 200.000 tác phẩm văn học và đã bán bản quyền cho nhiều công ty giải trí khác, trong đó cuốn tiểu thuyết Tomb Raider nổi tiếng đang được đạo diễn Hong Kong Tô Kỳ Phong chuyển thể thành phim nhựa.

Giới xuất bản không thể làm ngơ

Thấy tiểu thuyết online hút được lượng lớn cư dân mạng đến vậy nên các nhà xuất bản Trung Quốc không thể làm ngơ. Các cửa hàng sách đã có giá sách dành cho các tiểu thuyết online được xuất bản bằng bìa mềm. Các NXB thường đọc lướt các website để tìm kiếm những câu chuyện mà họ thấy có thể lôi cuốn được giới những độc giả không lướt web.

“Giờ đây các website văn học đã trở thành một phần tự nhiên của nền công nghiệp xuất bản ở Trung Quốc. Nó thực sự là một sự hội tụ của văn học in và online”, Ji Lusby, giám đốc điều hành của Penguin Trung Quốc nói.

Song không phải bất cứ tác phẩm văn học online nào hút khách cũng có thể dễ dàng xuất hiện trên thị trường sách. “Việc xuất bản các tiểu thuyết online vẫn được kiểm soát nghiêm ngặt và không dễ dàng thay đổi. Bất cứ cuốn tiểu thuyết mạng nào cũng được biên tập phần lớn khi in thành sách”, Yang Hengjun, tác giả có những tiểu thuyết online ở Trung Quốc, cho biết.

Theo số liệu thống kê của Trung Quốc, năm 2008 số người lướt mạng ở nước này đã tăng thành 298 triệu người. Qua đó Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nước có nhiều người sử dụng Internert nhất thế giới. Sự phát triển đột biến này đạt được là những năm qua chính phủ Trung Quốc theo đuổi một kế hoạch đầy tham vọng là đến năm 2010, bất cứ làng nào ở Trung Quốc cũng được kết nối với mạng điện thoại và băng thông rộng.

Cùng với sự phát triển này, dĩ nhiên Trung Quốc cũng tăng cường kiểm soát các hoạt động trên mạng thông qua các biện pháp hành chính và kỹ thuật để hạn chế việc truy cập vào các trang web có nội dung xấu.
 
Lương Tuấn Vĩ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm