Tràn sang Hong Kong chờ "vỡ chum"

15/08/2011 12:02 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Với hy vọng con cái mình sẽ mang tấm hộ chiếu Hong Kong và được hưởng các chế độ phúc lợi tốt hơn, hàng chục ngàn bà mẹ tại đại lục Trung Quốc đã đua nhau "du lịch" tới đặc khu hành chính này khi họ chuẩn bị "vỡ chum", bất chấp sự khuyên can của các bác sĩ rằng làm như thế rất nguy hiểm, cũng như sự tức giận của cư dân Hong Kong khi không gian khám chữa bệnh của họ bị xâm chiếm.

Tại khu vực biên giới ngăn giữa Trung Quốc đại lục và Hong Kong, một đội 12 bác sĩ thường xuyên túc trực, mắt họ chăm chú nhìn vào mỗi người phụ nữ đi qua, nhất là khu vực vùng bụng. Họ tìm kiếm những bà bầu đang mang thai những tháng cuối cùng và tìm tới đặc khu hành chính chỉ để sinh con.

Địa chỉ sinh nở lý tưởng

Mỗi ngày có rất nhiều bà bầu như thế tìm đến Hong Kong, với hy vọng con cái họ sẽ có tấm giấy chứng nhận được định cư lâu dài ở đặc khu hành chính. Hiện tượng này bắt đầu diễn ra hồi năm 2001, sau khi tòa án cho phép các bậc phụ huynh ở đại lục sinh con tại đặc khu sẽ có quyền lưu trú lại đây.

Việc sinh con ở Hong Kong được đánh giá là mang tới nhiều lợi ích. Trước tiên, đặc khu này không áp dụng chính sách một con nên việc sinh con thứ 2 ở đây sẽ không bị phạt tiền và các biện pháp trừng phạt nặng nề khác như ở đại lục.

Ngoài ra, chế độ chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh tốt hơn nhiều ở đại lục. Ít nhất người ta không nghe thấy các câu chuyện buồn về việc sản phụ bị "bỏ rơi", thiếu sự chăm sóc từ nhân viên y tế do không có tiền lót tay.

Cuối cùng, hệ thống phúc lợi ở Hong Kong tốt hơn nhiều ở đại lục. Một đứa trẻ sinh ra ở đây sẽ được giáo dục miễn phí suốt 12 năm học phổ thông, kèm với đó là việc chăm sóc y tế miễn phí. Dù phần lớn các bệnh viện ở đây thu khoản phí khoảng 5.000 USD/ca sinh nở của phụ nữ đại lục, mức đầu tư này được cho là xứng đáng để hưởng những lợi ích kể trên.

Ngày càng có nhiều các bà bầu Trung Quốc tìm tới sinh con ở Hong Kong
và việc ngăn chặn tình trạng này được dự báo là rất khó khăn.


Làn sóng “xâm lấn” của các bà bầu đại lục

Những lợi ích trên đã khiến cho hàng loạt các gia đình giàu có ở đại lục tìm tới Hong Kong sinh con. Theo thống kê, trong số 88.000 đứa trẻ sinh ra tại Hong Kong hồi năm ngoái, khoảng 45% là con của các bậc phụ huynh sống ở đại lục. Gangsheng yidai, từ chỉ "thế hệ sinh ra ở Hong Kong", giờ đã trở nên quen thuộc ở Trung Quốc.

Nhiều công ty đã xuất hiện và cung cấp các dịch vụ trọn gói từ A-Z cho những gia đình Trung Quốc muốn sinh nở ở Hong Kong. Đơn cử như một doanh nhân giấu tên tại công ty Hong Kong Baby nói rằng anh này có thể dàn xếp một chiếc xe hơi tới đại lục đón sản phụ qua Hong Kong và sẽ có nhân viên lo cho việc đi qua các cửa kiểm soát ở biên giới.

Ngoài ra công ty còn chỉ định các bác sĩ giỏi ở Hong Kong đỡ đẻ và thậm chí còn lấy giấy chứng nhận là cư dân Hong Kong cho các bậc phụ huynh. Nhưng để được hưởng các dịch vụ dễ chịu này, người ta phải bỏ ra số tiền từ 88.000 NDT (12.300 USD) trở lên, tùy thuộc vào những dịch vụ nào sẽ được sử dụng.

Tuy nhiên làn sóng "xâm lấn" của các bà mẹ đại lục đã khiến dân bản địa Hong Kong tức giận. Họ than phiền rằng giờ gần như không thể tìm được dịch vụ chăm sóc thai nghén ở các bệnh viện công của đặc khu và các bệnh viện tư thì hét giá chóng mặt.

"Tôi sẽ sinh đứa con thứ 2 của mình trong tháng 10 tới" - Karin Lau, 34 tuổi, một quản trị viên cao cấp ở một công ty đầu tư bất động sản thổ lộ - "Khi biết mình có bầu, tôi đã cố đặt chỗ trước ở một bệnh viện tốt. 2 năm trước, khi tôi mang thai đứa con đầu lòng, chuyện thật dễ dàng. Nhưng giờ tôi phải gia nhập một danh sách chờ dài dằng dặc. Một số người bạn Pháp của tôi dự kiến sinh con vào cùng thời gian trên, hiện đều rất vất vả để có thể đặt chỗ trước. Ngay cả những bệnh viện không nổi tiếng lắm cũng đông nghẹt người. Nhu cầu đã trở nên quá lớn".

Lau cũng cho biết thêm rằng phí đỡ đẻ đã tăng thêm 25% lên mức 100.000 HKD (tương đương 12.000 USD). "Là một người mẹ, tôi hiểu rằng ai cũng muốn điều tốt nhất cho con mình. Nhưng tôi nghĩ chính quyền nên ưu tiên cư dân Hong Kong trước" - cô bực dọc nói.

Khó có thể ngăn chặn

Nhằm kiểm soát tình hình, Hong Kong hiện đã triển khai "hạn ngạch" chỉ cho phép các bệnh viện công ở đặc khu này nhận 3.400 bà bầu tới từ đại lục và ở nhóm bệnh viện tư nhân, con số đó là 31.000 ca. Mức hạn ngạch này đã thấp hơn 7% dự báo số lượng các bà bầu đại lục sẽ tới đẻ ở Hong Kong trong năm nay.

Ngoài ra việc triển khai các đội bác sĩ ở biên giới đã ngăn cản được khoảng 1.200 phụ nữ bụng bầu tới đặc khu hành chính. Hong Kong quy định rằng bất kỳ phụ nữ nào đã mang bầu hơn 7 tháng và không có hồ sơ y tế tại đây sẽ bị từ chối nhập cảnh. Các bác sĩ hoạt động liên tục từ 7h sáng tới 10 h đêm, 7 ngày mỗi tuần. Trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp, những người phụ nữ này sẽ được chuyển tới bệnh viện gần biên giới.

"Tôi cho rằng các biện pháp mới đã tỏ ra hiệu quả. Tuy nhiên điều quan ngại là tình hình tại các bệnh viện tư đã trở nên mất kiểm soát" - bác sĩ Cheung Tak Hon, lãnh đạo khoa sản ở bệnh viện Thái thử xứ Wales nằm ở Shatin đánh giá - "Đã có một sự tăng lên khá mạnh trong mức phí đỡ đẻ tại các bệnh viện tư".

Cheung cũng cho rằng khả năng ngăn chặn phụ nữ đại lục tới Hong Kong là gần như không thể. Ông dự đoán sẽ vẫn có từ 60-70 phụ nữ vượt qua được bộ phận kiểm soát biên giới vào Hong Kong trong tình trạng sắp lâm bồn, buộc các bệnh viện phải ra tay cứu giúp.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm