Tra tấn kiểu hiện đại

17/09/2014 11:31 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - “Không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp“ là câu an ủi hay động lực phấn đấu của phái yếu? Sẽ không có câu trả lời tối hậu, chỉ biết là phụ nữ sẵn sàng chịu bỏ nhiều thời gian, tiền của, công sức và hơn thế nữa cho các sản phẩm (đôi khi) đáng ngờ như xà phòng tiêu mỡ, kem trắng da, đồ lót độn mút... Đó là đất sống cho những chuyên gia như Max Factor.

Sắc đẹp do ta tạo ra (!?)

Người phụ nữ trong ảnh mang ánh mắt lo âu, và rõ ràng cô có lý do: ai đó chụp lên đầu cô ta một cái mũ đính đầy dải kim loại và đinh ốc. Hàng chục kim nhọn có vẻ như bất kỳ lúc nào cũng có thể đâm thấu da đầu. Nhất là ở khu vực quanh mắt có thể thấy một loạt mũi dùi sắt, chỉ nhìn đã thấy đau. Khung cảnh từa tựa như trong một hầm tra tấn thời Trung cổ.

Nhưng người đàn ông đeo kính bên cạnh cô ta lại có vẻ mặt phúc hậu, và trông ông nhẹ nhàng chỉnh những mũi kim thì biết ông chẳng có ý đồ gì ác độc. Chiếc mũ “tra tấn“ chỉ là một trong nhiều phát minh nặng ký nhất của ông, những phát minh khiến phụ nữ phát cuồng vì sung sướng. Tên ông là Max Factor, chuyên gia trang điểm hay nói một cách thời thượng là visagis.


Đừng lo mũi sư tử, nếu liên tục dùng các loại kẹp qua đêm để “chỉnh hình”

Max Factor ra đời ở Ba Lan thuộc Nga với tên Maksymilian Faktorowicz và mới 9 tuổi đã theo học nghề làm tóc giả ở thành phố Lodz quê nhà. Ở Hoa Kỳ ông trở thành tâm điểm của các diva Hollywood. Son phấn do ông tự trộn khiến làn da họ sáng lên, môi họ đầy đặn hơn và mắt họ to tròn gợi cảm. Năm 1932 ông phát minh ra máy Beauty Micrometer (đo sắc đẹp) và triết lý khá bất lương của ông là: “Không ai sinh ra đã đẹp“, nói cách khác là sắc đẹp do ta tạo ra! Và đã là một đại lượng nhân tạo thì người ta có thể đo đếm được - như công suất của ô tô, lượng đường trong tấm chocolate... Theo công thức của Max Factor thì một khuôn mặt được coi là hoàn hảo khi chiều dài mũi bằng chiều cao trán, khoảng cách giữa hai mắt bằng chiều rộng mắt, đại khái thế. Các danh họa Hà Lan và Ý sống lại thì sẽ cho Max Factor biết là từ thế kỷ 17 các trường nghệ thuật đã dạy học sinh như thế rồi.  

Quảng cáo là nửa thành công

Trong đời mình, Max Factor đã có nhiều phát minh phục vụ sắc đẹp, song chủ yếu ông chỉ dùng phấn son để làn da của các diva mất vẻ nhợt nhạt sau một đêm rượu chè, hoặc đánh lạc hướng tầm mắt khỏi mũi sư tử, che bớt hình dạng sụp mi mệt mỏi. Các đồng nghiệp của ông không hiền lành như thế. Như Jeanne Walter.

Vào năm 1904 người phụ nữ New York này nộp đơn cấp bằng sáng chế cho một loại cooc-xê cao su, có tác dụng - như quảng cáo của nhà sáng chế - ép các vùng mỡ thừa ở cằm xệ, mông chảy hay bụng béo cho đến khi cơ thể có được hình dạng mong muốn. “Hãy co bớt thịt!“ là khẩu hiệu của Walter, nghe đồn là được tôn sùng tại các triều đình châu Âu và đẳng cấp thừa tiền. Không thấy trường hợp duy nhất nào được truyền lại là có kết quả mong muốn. Tương tự như mặt nạ chống nếp nhăn, một phát minh hồi 1933 ở Mỹ. Theo quảng cáo trong tạp chí Modern Mechanix người ta phải đeo mặt nạ đó qua đêm là mọi nếp nhăn hay rạn chân chim biến mất như có phép màu. Thậm chí người đọc còn được khuyên “sáng dậy nhớ tháo mặt nạ ra“!

Cho đến tận hôm nay, các quảng cáo sản phẩm sức khỏe hay đèo thêm câu “được các bác sĩ khuyến cáo sử dụng“. Trong trường hợp “Wonder Sauna-Hot-Pant“ thậm chí lôi cả tên Hiệp hội Điền kinh nghiệp dư Mỹ “Amateur Athletic Union“ vào quảng cáo quần cao su bí hơi. Mặc nó vào rồi bơm căng lên là vã mồ hôi như trong buồng tắm hơi, khiến mỡ tan hết!


Nịt vú bơm hơi này hứa hẹn vòng 1 như mong muốn

Người ngựa cùng giảm cân

Thực ra thì người mặc Sauna-Hot-Pant chỉ bị khó chịu ở chân, chứ Poly Cap chắc chắn là sự hành hạ thể xác ở cấp độ tra tấn. Cả người lẫn ngựa bị quấn chặt trong nylon, sau đó phải đợi ít nhất 5 tiếng. Tạp chí Popular Mechanics hứa hẹn giảm tới 2,5 cân sau mỗi chuyến cưỡi ngựa! Và dĩ nhiên đó chỉ là mồ hôi tháo ra, sau đó uống vào thì mọi đau đớn chỉ là công cốc.

Thậm chí những trò lừa đảo thô sơ nhất như xà phòng tan mỡ, kem tăng vòng ngực... cũng tìm được vài bác sĩ vô lương tâm hỗ trợ. Một người đầu óc bình thường sẽ hiểu ngay cú lừa đó về nguyên lý, song cả trăm năm nay liên tục có nạn nhân mới. Thị trường mỹ phẩm luôn hứa hẹn vẻ đẹp trong nháy mắt, không cần ăn kiêng hay thể thao. Giá mà được thế...

Nhiều khi cũng không nên trách người tiêu dùng thiếu đầu óc phê phán, vì họ chỉ là nạn nhân của những gì được coi là thời thượng. Đã có thời phụ nữ chen nhau mua loạt mỹ phẩm “Tho-Radia“. Đó là thập niên 1930, khi niềm tin vào khoa học kỹ thuật còn chưa bị gợn đục bởi những thảm họa chết người do chính tay con người gây ra. Các loại sữa tẩy trang, kem dưỡng da, son, phấn, thuốc đánh răng của “Tho-Radia“ có một gốc chung là dùng hạt cực nhỏ có nguồn phóng xạ Thorium (IV) Chloride và Radium Bromide. Chúng được coi là có công dụng làm tăng độ lấp lánh của màu và kích thích thông máu dưới da. Theo Roopif thì những “phát minh“ vĩ đại ấy cũng lần lượt bị ném vào thùng rác của lịch sử công nghệ đánh lừa thị giác.


Phát minh của Max Factor

Liệu người ta có học được gì?

Mỗi ngày, không tính được có bao nhiêu tấn hóa chất trong dầu gội đầu, xà phòng tắm, mỹ phẩm... được sử dụng. Đa số các sản phẩm ấy được “giữ tươi“ hàng tháng trời hay thậm chí từ mùa này qua mùa sau bằng chất bảo quản, hương liệu và màu, vốn đều bị nghi là nguyên nhân gây dị ứng hay ung thư. Đột nhiên châu Âu và Mỹ quay sang dùng những cục xà phòng đen thui nấu từ dầu dừa và mỡ bò, như dân ta chỉ dùng thời chiến tranh xa xưa.

Tình cờ đọc một bản thẩm định của nhà nghiên cứu Axel Schnuch, Giám đốc Hiệp hội Thông tin của các bệnh viện da liễu (Informationsverbunds Dermatologischer Kliniken). Cứ cho là ông này nói đúng: “Mỗi năm, có khoảng 0,1% người dùng mỹ phẩm các loại bị mắc chứng dị ứng bởi thành phần hóa chất trong đó“ - thì riêng ở Hoa Kỳ đã là 3 triệu người. Mỗi năm. Thêm vào số người đã nhiễm sẵn.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm