Top 10 sự kiện tiêu biểu của mạng xã hội năm 2012

01/01/2013 05:43 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Mạng xã hội đã trải qua 1 năm cực kỳ đáng nhớ khi Facebook cán mốc 1 tỷ người dùng, Instagram nhanh chóng tạo được dấu ấn mạnh, Twitrer tham gia vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Pinterest mang đến những điều mới mẻ.

Bên cạnh đó cũng có những tin không vui như cổ phiếu sụt giá, kiện tụng tạo nên một năm đầy thăng trầm của mạng xã hội. Dưới đây là 10 sự kiện đáng chú ý nhất được trang Venturebeat.com điểm lại.

1. Facebook lên sàn chứng khoán


Ngày 17/5, Facebook đã bán được 421,2 triệu cổ phiếu với mức giá 38 USD, thu về hơn 16 tỷ USD, nâng giá trị vốn hóa thị trường lên 104 tỷ USD, lập kỷ lục trong lịch sử các công ty thuộc lĩnh vực Internet lên sàn nói riêng và là vụ IPO hoành tráng thứ hai trên thị trường chứng khoán Mỹ nói chung. Tuy nhiên, một ngày sau, khi Facebook chính thức được giao dịch trên sàn Nasdaq bằng màn rung chuông của nhà sáng lập Mark Zuckerberg, lỗi hệ thống đã khiến các giao dịch cổ phiếu của Facebook trở nên hỗn loạn. Tăng vọt vào lúc mở cửa rồi chìm dần về gần với ngưỡng giá chào bán. Cho đến đầu tháng 9 năm nay, giá trị cổ phiếu của Facebook chỉ giảm xuống còn hơn một nửa so với giá IPO.

Không chỉ có vậy, Facebook còn phải đối mặt với vụ kiện cáo buộc trang này vi phạm quyền riêng tư của người sử dụng. Theo Reuters, để dàn xếp vụ kiện này, Facebook đã phải chi ra đến 10 triệu USD. Vượt qua những khó khăn, trục trặc, cổ phiếu của Facebook đã cho thấy dấu hiệu phục hồi trở lại trong 3 tháng cuối năm 2012. Công ty này xuất hiện mạnh mẽ hơn trên điện thoại di động và tích cực thúc đẩy với các sáng kiến như Gifts để tăng doanh thu. Tuy nhiên, giá trị cổ phiếu của Facebook hiện tại vẫn chỉ bằng khoảng 30% so với giá IPO của nó.

2. Facebook mua Instagram


Ngày 9/4, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg thông báo hãng này đang tiến hành mua lại Instagram - mạng xã hội chia sẻ hình ảnh cho di động lớn nhất hiện nay - với giá gần 1 tỉ USD bao gồm cả tiền mặt và cổ phần tại Facebook. Quyết định bất ngờ này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Instagram tung ra ứng dụng đầu tiên cho Android. Tuy nhiên, điều hay ho lại nằm ở những bí mật đằng sau thỏa thuận đàm phán của những nhà đồng sáng lập Instagram.

Tờ New York Times đã phát hiện ra rằng vài tuần trước khi chấp nhận một lời đề nghị mua lại trị giá 1 tỷ USD từ Facebook, CEO của Instagram, Kevin Systrom đã đồng ý bằng miệng rằng sẽ bán ứng dụng chia sẻ ảnh của mình cho Twitter chỉ với giá 525 triệu USD trong tháng 3. Nhưng Systrom sau đó nói với các nhà quản lý bang California rằng Instagram đã không nhận được bất kỳ đề nghị chính thức nào hay giấy hẹn từ những người mua tiềm năng khác ngoài Facebook. Ba tuần sau đó, thương vụ mua lại Instagram của Facebook được công bố khiến cho Twitter không còn có cơ hội trả thêm một mức giá cao hơn.

Đến tháng 10, thỏa thuận giữa Facebook và Instagram chính thực được hoàn thành. Vào thời điểm đó, giá cổ phiếu của Facebook đã giảm xuống khiến giá trị của Instagram giảm xuống còn 715 triệu USD.

3. Pinterest


Giải thưởng cho trang mạng xã hội đáng ngạc nhiên nhất trong năm 2012 xứng đáng được trao cho Pinterest. Pinterest thú vị ở chỗ bạn có thể sưu tập và chia sẻ hình ảnh về những thứ gợi lên cảm hứng cho bạn bằng cách gắn (Pin) chúng lên bảng Pinboard ảo trong trang cá nhân của mỗi người, hay khám phá nhiều điều mới mẻ khi được những người khác chia sẻ cảm nhận và ý tưởng của họ về những thứ bạn yêu thích. Chính nhờ tính năng này mà Pinterest xuất hiện ở mọi nơi, trở thành chủ đề được bàn tán nhiều nhất và là trang mạng xã hội có lượng người truy cập tăng chóng mặt.

Pinterest thực tế ra mắt từ năm 2010 nhưng phải đến tháng 8 năm nay, công ty có trụ sở ở San Francisco mới phát hành các ứng dụng cho Android và iPad. Tuy nhiên, chẳng hề có vấn đề bởi trước đó Pinterest đã trở thành “nỗi ám ảnh” đối với những người nội trợ, ngôi sao nổi tiếng, các thương hiệu...

Theo công ty phân tích Nielsen, Pinterest đã tăng lượng người dùng từ 2,5 triệu người lên tới 25 triệu chỉ trong quãng thời gian từ tháng 7/2011- 2/2012. Dự đoán cho tới cuối năm nay, Nielsen xếp Pinterest đứng thứ 6 trong số những trang mạng xã hội phổ biến nhất.

Tuy nhiên trong niềm vui cũng phảng phất nỗi buồn. Hồi tháng 4 năm nay, đồng sáng lập của Pinterest Paul Sciarra đã chính thức rời khỏi công ty. Paul Sciarra và Ben Silbermann biết nhau từ hồi cả 2 đều học chung Yale. Năm 2008, Paul và Ben thành lập Cold Brew Labs, một công ty tư vấn phát triển sản phẩm. Một trong số những sản phẩm đó là Pinterest.

4. Twitter tự tách mình


Năm 2012, Twitter đã thiết lập hạn chế API mới, để ngăn không có các ứng dụng bên thứ 3 có thể đồng bộ dữ liệu Twitter. Quyết định này đã tạo ra căng thẳng giữa Twitter và các nhà phát triển từng góp công không nhỏ đưa trang mạng xã hội này đi đến thành công. Các quy tắc API chặt chẽ hơn sẽ gây khó khăn hơn cho bên thứ ba trong việc phát triển cơ sở người dùng ứng dụng của họ.

PeopleBrowsr là công ty bày tỏ sự bất mãn dữ dội nhất đối với Twitter bởi những thay đổi mà mạng xã hội này đưa ra khiến cho hệ thống của họ bị tê liệt. Công ty phân tích xã hội này hoạt động dựa trên dữ liệu tweet của Twitter.

5. Mạng xã hội và đời sống


Thế vận hội Olympic, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, siêu bão Sandy... đã chứng tỏ một điều rằng các trang mạng xã hội hiện đang đóng vai trò quan trọng trong việc phản ánh phản ứng của người dân trước những sự kiện và cách mà họ trải nghiệm chúng.

Trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội mùa Hè tại London, VĐV cà người hâm mộ trên toàn thế giới xích lại gần nhau hơn thông qua những địa điểm mà họ có thể đến một cách dễ dàng: Twitter, Facebook và Instagram. Theo thống kế, đã có 150 triệu tweet chỉ trong vòng 16 ngày giúp cho người dân trên toàn thế giới hình dung rõ những diễn biến tại Thế vận hội. Nó cũng gây ra căng thẳng ở Mỹ khi thông tin được đăng tải rất lâu trên Twitter trước khi phóng viên của các kênh truyền hình “làm việc”.

Tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cả hai ứng viên tham gia tranh cử đều sử dụng mạng xã hội như là kênh để giao lưu, tương tác về mặt thông tin với các cử tri của mình. Họ tham khảo phản ứng của cử tri trên Twitter sau mỗi lần tranh luận và Tổng thống mới được tái đắc cử Barack Obama cảm ơn cử tri trên Twitter trước khi thực hiện bài phát biểu chính thức sau bầu cử của mình.

Hình ảnh về siêu bão Sandy đã tàn phá nước Mỹ cũng xuất hiện trên Instagram với tuần suất 10 ảnh/giây và mới đây nhất là vụ thảm sát tại trường học Sandy Hook cùng vô số những thông tin, sự kiện khác cũng được chia sẻ tới người dùng mạng xã hội trên toàn thế giới.

6. “Bong bóng” ứng dụng video 


Năm 2012 được chờ đợi là năm nổ ra cạnh tranh gay gắt giữa các ứng dụng video trên mạng xã hội nhưng điều đó cuối cùng đã không xảy ra. Socialcam cùng với đối thủ Viddy đều theo đuổi mục tiêu trở thành “Instagram cho video”. Ngay lập tức những ứng dụng này đã cho thấy sự bùng nổ chóng mặt chưa từng thấy.

Trong mỗi tuần, Viddy tăng thêm hàng triệu người dùng và tốc độ tăng vọt như thể không có gì cản nổi khi Viddy thông báo họ đã đạt 30 triệu người dùng/năm và thu về hơn 30 triệu USD doanh thu. Thế nhưng bong bóng của Viddy cũng vỡ nhanh như khi nó phồng lên. Con số mà Viddy đưa ra vẫn khẳng định họ có 40 triệu người đăng ký nhưng con số được tính toán dựa trên hoạt động của người dùng hàng tháng thực chất chỉ gần 600.000 người.

Nguyên nhân dẫn đến sự tăng lên phi mã và tụt xuống nhanh chóng thực ra rất dễ hiểu. Một trong những lý do chính giúp Socialcam và Viddy có thể tăng trưởng ấn tượng như vậy chính là việc tích hợp sâu với Open Graph của Facebook, khiến các video được biết đến một cách hết sức nhanh chóng và rộng rãi. Khi Facebook điều chỉnh các thuật toán của nó, Socialcam và Viddy sẽ lãnh hậu quả chỉ trong thời gian ngắn.

7. LinkedInv bay cao


Trong một năm mà tiêu dùng trên internet được xác định là thua lỗ thì Linkedln lại bay cao. Vào đầu năm nay, giá cổ phiếu của Linkedln có giá trị vào khoảng 60 USD và cho đến nay, giá cổ phiếu đã tăng lên đến gần 120 USD, đồng nghĩa với việc giá trị tăng gần gấp đôi chỉ trong năm 2012. Nếu so sánh với thảm họa thị trường của Facebook, Zynga, Groupon thì LinkedIn có vẻ là một trong những trang mạng dịch vụ xã hội có năm kinh doanh khả quan nhất. LinkedIn chốt quý thứ 3 với 187 triệu thành viên và 252 triệu USD doanh thu.

8. Sự sụp đổ của Color Labs


Nếu tất cả đi theo kế hoạch, năm 2012 sẽ là năm cuối cùng chúng ta nhìn thấy vẻ đẹp của Color, ứng dụng chia sẻ ảnh và video theo địa điểm, trên Facebook.

Chưa đầy hai năm sau màn ra mắt hoành tráng với doanh thu 41 triệu USD, sự hào nhoáng của Color đã chuyển sang đen tối. Ứng dụng này sẽ chính thức đóng cửa vào ngày 31 tháng 12 tới do số người dùng sụt giảm và không có được doanh thu.

Nguyên nhân của sự sụp đổ xuất phát từ những mâu thuẫn nội bộ tại Color Labs. Nhà đồng sáng lập mạng xã hội này là Adam Witherspoon cáo buộc doanh nhân gốc Việt và cũng là ông chủ Color Bill Nguyen có những hành vi lạm dụng chức vụ và sử dụng bạo lực đe dọa những nhân viên đã hợp tác trong cuộc điều tra về tài chính và các hành vi sai trái khác của người này.

Niềm hy vọng còn lại trong câu chuyện buồn này là một thỏa thuận nhỏ với Apple, mua một số tài sản của công ty và thuê các kỹ sư còn lại.

9. MySpace giới thiệu bộ mặt mới


Tất cả bắt đầu từ dòng thông báo “Đây là trang MySpace mới của tôi” từ ca sĩ Justin Timberlake vào tháng 10 năm nay. Đây là kết quả cho thấy sự nỗ lực của MySpace kể từ khi bị Facebook đánh bại vào năm 2008. Giao diện mới của MySpace được thiết kế để phục vụ cho người dùng của thế hệ trẻ với những tương tác phù hợp hơn với thời đại của màn hình cảm ứng. Giao diện MySpace cũng trở nên trực quan hơn. Thêm vào đó, hình ảnh và video sẽ được hiển thị trên toàn trang.

10. Yahoo kiện Facebook vi phạm bằng sáng chế


Hồi tháng 3, Yahoo đang thuộc sự điều hành của Scott Thompson, đã đệ đơn kiện chống lại Facebook Facebook liên quan đến bản quyền và bằng sáng chế. Yahoo tố cáo Facebook vi phạm 10 đến 20 bằng sáng chế của hãng, và yêu cầu mạng xã hội lớn nhất thế giới phải ký một thỏa thuận trả tiền bản quyền nếu như không muốn ra tòa. Vụ lùm xùm này kéo dài cho đến khi Ross Levinsohn lên đảm nhiệm vị trí thay Thompson.

Vụ việc này khiến Yahoo bị mất điểm bởi đa số cho rằng công ty này khởi kiện chỉ là “thủ đoạn” nhằm thoát khỏi tình hình kinh doanh ảm đạm. Vụ kiện của Yahoo chống lại Facebook diễn ra vào thời điểm tế nhị khi hãng dịch vụ mạng xã hội qua Internet lớn nhất thế giới Facebook đang chuẩn bị lần đầu tiên đưa cổ phiếu công khai ra thị trường với giá trị được định lên tới 100 tỷ USD. Trong khi đó, hãng Yahoo hiện có giá trị thị trường là 18,3 tỷ đô và đang phải vật lộn để cạnh tranh với Google và Facebook.

Khánh Đan

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm