Tổng Giám đốc BBC từ chức - Thêm một tấn kịch truyền thông

12/11/2012 09:07 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Tổng giám đốc Công ty phát thanh truyền hình Anh quốc (BBC) George Entwistle đã từ chức chỉ sau có 2 tháng làm việc, xuất phát từ sự cố đài này cáo buộc sai một cựu chính trị gia cao cấp phạm tội lạm dụng tình dục trẻ em.

Vụ việc diễn ra trong bối cảnh chính người của BBC cũng dính líu vào một cáo buộc lạm dụng trẻ em nghiêm trọng, khiến niềm tin vào đài bị sứt mẻ.

Vụ bê bối đã bắt đầu khi BBC phát sóng một phóng sự điều tra trong chương trình Newsnight, nói về tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em tại các cơ sở nuôi trẻ ở miền Bắc Xứ Wales. Phóng sự cáo buộc một quan chức cao cấp của đảng Bảo thủ Anh lạm dụng tình dục một bé gái vị thành niên nhiều lần tại nhà nạn nhân trong những năm 1970.

Từ chức vì đài đưa tin sai

Mặc dù BBC không nêu danh tính của nhân vật này, cái tên của cựu quan chức phụ trách tài chính đảng Bảo thủ là Alistair McAlpine đã liên tục xuất hiện trong các tin đồn trên mạng. Ông McAlpine sau đó phản ứng rằng các cáo buộc này "hoàn toàn sai lầm và gây mất danh dự của ông một cách nghiêm trọng".

Một trong các nạn nhân bị xâm hại tình dục là Steve Messham cũng đã xin lỗi McAlpine và xác nhận ông không phải là kẻ xâm hại mình.

Tối 9/11, BBC đã phải lên tiếng xin lỗi khán giả. Đầu ngày 10/11, Entwistle đã thừa nhận trước câu hỏi do chính phóng viên BBC đưa ra, rằng ông không biết trước về cuộc điều tra của Newsnight. Tới tối ngày 10/11 (11/11 giờ VN), Entwistle đã phải lên tiếng thông báo từ chức, với lý do các tiêu chuẩn khó chấp nhận được từ phim tài liệu điều tra của chương trình Newsnight đã làm giảm sút nghiêm trọng niềm tin của khán giả vào đài phát thanh truyền hình đã 90 năm tuổi này.

Lãnh đạo BBC Entwistle trong vòng vây của báo giới

"Với tư cách Tổng giám đốc BBC, tôi là người chịu trách nhiệm cao nhất của mọi nội dung, trong vai trò như một Tổng biên tập. Và vì thế tôi quyết định rằng từ chức là hành động danh dự mà tôi nên thực hiện" - ông nói.

Sự xuống dốc nhanh của Entwistle là một kết cục đầy bất ngờ. Ông mới lên nắm quyền thay cho người tiền nhiệm Mark Thompson - nhân vật lãnh đạo công ty báo chí New York Times với vai trò giám đốc điều hành, trong tháng 9 vừa qua. Ngay lập tức Entwistle đã vấp phải một trong những cuộc khủng hoảng niềm tin lớn nhất trong lịch sử BBC.

Đó là khi đài truyền hình đối địch với BBC là ITV phát ra phóng sự hồi trước, cáo buộc cựu sao truyền hình Jimmy Savile, một trong những gương mặt nổi tiếng nhất thuộc làng truyền hình Anh trong thập kỷ 60, 70 và 80, đã lạm dụng tình dục nhiều bé gái. Tệ hơn thế, một số vụ này đã diễn ra ngay trong khuôn viên BBC.

Không nắm vai trò kiểm soát

Đã có những nghi ngờ về sự tồn tại của một đường dây lạm dụng tình dục trẻ em tồn tại bên trong BBC và cao hơn thế là bàn tay che dấu tội ác từ những nhân vật lãnh đạo đài. Cảnh sát đã mở cuộc điều tra nhằm vào BBC và hôm 11/11, cảnh sát đã bắt giữ nghi phạm thứ ba liên quan tới vụ này, một người đàn ông khoảng 70 tuổi sống ở vùng Cambridgeshire, miền Trung nước Anh. Trước đó, cựu ngôi sao nhạc rock Gary Glitter cùng cây hài Freddie Starr đã bị thẩm vấn và cả hai đã được tạm trả tự do sau khi đóng tiền thế chân.

Entwistle đã bị chỉ trích vì việc BBC chậm phản ứng với sự phẫn nộ của công chúng liên quan tới vụ Savile. Ông càng bị công kích mạnh hơn khi người ta phát hiện việc chương trình Newsnight của đài đã ngừng việc phát sóng vạch trần tội trạng của Savile, không lâu sau khi sao truyền hình này qua đời. Thay vì thế, BBC đã có chương trình ca ngợi công lao của Savile.

Entwistle khốn khổ còn có màn điều trần bị giễu cợt tại Quốc hội. Một nghị sĩ tham dự buổi điều trần đã kết luận rằng Entwistle thể hiện việc "thiếu hiểu biết tới mức thảm họa" về những gì đang diễn ra bên trong đài phát thanh truyền hình mà ông quản lý.

Các nhà phân tích nói rằng sự nghiệp của Entwistle ở BBC coi như đã kết thúc khi ông thừa nhận rằng mình đã không hề biết gì về phóng sự của Newsnight cho tới khi thấy cái tên của McAlpine bị các mạng xã hội xướng lên.

"Ông ấy không tỏ dấu hiệu nào cho thấy mình đang là người nắm vai trò kiểm soát khi bê bối Savile lần đầu xuất hiện và tôi nghĩ rằng bài phỏng vấn của ông ấy vào sáng nay đã là đòn chí tử, bởi ông ấy tiếp tục để chuyện đó (tình trạng thiếu kiểm soát BBC) xảy ra lần nữa" - Steve Hewlett, một chuyên gia tư vấn truyền thông kiêm cựu biên tập viên của BBC đánh giá - "Người ta có thể tha thứ cho ông ấy trong vụ Savile. Ông ấy có thể vượt qua bê bối này nếu thể hiện mình là người lãnh đạo tình hình. Nhưng ông ấy đã không làm được điều đó."

Ảnh hưởng tới niềm tin và danh tiếng

Các chính trị gia thì cho rằng quyết định của Entwistle là đúng đắn, bởi dưới sự kiểm soát của ông, đài BBC có vẻ như không thể xử lý các sự cố của mình. Điều này gây ảnh hưởng tới danh tiếng của BBC, vốn được nể trọng tại nhiều nơi trên thế giới.

"Điều cốt tử là uy tín và sự tin tưởng của công chúng vào cơ quan quốc gia này phải được khôi phục" - Bộ trưởng Văn hóa Maria Miller nói trong một thông báo - "Quan trọng nhất hiện nay là BBC phải triển khai các hệ thống để đảm bảo đài có thể tạo ra các bản tin và chương trình thời sự hạng nhất".

John Whittingdale, Chủ tịch Ủy ban truyền thông của Quốc hội Anh đánh giá bê bối liên quan tới đài đã làm hỏng niềm tin của dư luận và sự ra đi của Entwistle sẽ không giải quyết triệt để vấn đề. "Vẫn còn có quá nhiều câu hỏi cần đáp án. Như việc ai đã ra quyết định thông qua chương trình (Newsnight) vừa rồi bởi thẳng thắn mà nói nó là một quyết định hỏng bét" - ông nói.

Còn theo Trưởng ban biên tập tin trong nước của BBC Mark Easton, BBC hiện đang ở "ngã ba đường vì toàn bộ tương lai của hãng phụ thuộc vào việc có thuyết phục được người dân Anh quốc rằng đây chính là tổ chức mà họ tin tưởng được hay không, và rằng liệu họ còn tin vào uy tín của các tin tức mà BBC đưa hay không". Theo ông, BBC hiện đang ở trong tình thế hết sức nguy hiểm.

Cuộc khủng hoảng ở BBC là tấn kịch mới nhất gây ảnh hưởng tới ngành công nghiệp truyền thông Anh, chỉ 2 năm sau khi xảy ra vụ nghe lén điện thoại ở vương quốc báo chí của trùm truyền thông Rupert Murdoch, khiến người ta phải đặt dấu hỏi về đạo đức báo chí. Bất kỳ cáo buộc nào về việc thiếu tính liêm trực sẽ là một đòn đánh nghiêm trọng nhằm vào cơ quan truyền thông vốn được nể trọng và hoạt động bằng tiền thuế của dân như BBC.

Tường Linh (theo Reuters)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm