Tối hậu thư của Obama và chiến dịch “săn đầu người” lớn nhất

04/05/2011 13:28 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Việc Mỹ tiêu diệt thành công trùm khủng bố Osama Bin Laden đã khiến dư luận thế giới không khỏi bất ngờ và thán phục. Người ta cũng tò mò muốn biết vì sao người Mỹ lại tìm ra được nơi ẩn náu của Bin Laden, sau gần một thập kỷ mất dấu nhân vật này.

>> Chuyên đề: Osama Bin Laden đã chết

Ngày 2/6/2009, ngay khi nhậm chức Tổng thống được một thời gian ngắn, Barack Obama đã gửi một bản ghi nhớ cho Giám đốc CIA Leon Panetta, nói rằng “Tôi yêu cầu ông trong vòng 30 ngày phải cung cấp cho tôi một kế hoạch chi tiết trong việc tìm kiếm trùm khủng bố Osama Bin Laden và đưa nhân vật này ra trước công lý”.

Guồng máy săn lùng sau tối hậu thư của Tổng thống

Trước khi nhận “tối hậu thư” và từ trước cả vụ khủng bố 11/9/2001 giúp biến Bin Laden thành “biểu tượng” của chủ nghĩa khủng bố hiện đại, CIA đã bắt đầu thu thập thông tin về các nhân vật chủ chốt trong mạng lưới Al-Qaeda.

Năm 2002, CIA bắt đầu cất lưới và tóm được hàng loạt thành viên cao cấp của Al-Qaeda. Thông qua việc giam giữ những nhân vật này trong các nhà tù mật và sử dụng nhiều biện pháp tra tấn tàn bạo, CIA đã có thêm thông tin giải đáp về việc ai đóng vai người chuyên thực hiện nhiệm vụ do lãnh đạo giao, ai là người đưa tin, ai quản lý tài chính trong mạng lưới của Bin Laden. Quá trình điều tra, CIA nghe các tù nhân Al-Qeada nói về một người đưa tin rất được ông trùm khủng bố tin cẩn.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và đội chuyên gia an ninh của ông
theo dõi trực tiếp cuộc tấn công trong Phòng Tình huống

Nhưng khi chất vấn hai nhân vật hàng đầu của Al-Qaeda, gồm Khalid Sheikh Mohammed, kẻ lên kế hoạch thực hiện vụ khủng bố 11/9 và lãnh đạo hoạt động Al- Qaeda Abu Faraj al-Libi, người Mỹ ngạc nhiên khi thấy chúng đều bác bỏ, không biết gì về nhân vật được tin tưởng này. Việc hai tên cùng chối bay chối biến khiến CIA nghi ngờ rằng chúng đang nói dối và kẻ đưa tin có thể đã đóng vai trò rất quan trọng.

CIA bèn cử thêm vào cuộc chơi nhiều nhân vật giỏi về nghiệp vụ tra tấn và điều tra. Nhờ đó, họ có được bí danh của người đưa tin bí ẩn kia, cùng thông tin về gia đình y đang ở một nước thuộc vùng Vịnh.

Có được cái tên trong tay, CIA nhờ Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) ngăn chặn các cuộc điện thoại và thư điện tử giữa gia đình người đưa tin này và bất kỳ ai ở bên trong Pakistan. Sau thời gian dài ròng rã theo dõi, người ta đã có được tên tuổi đầy đủ của nhân vật này.

Tháng 7 năm ngoái, bước ngoặt xuất hiện khi các nhân viên Pakistan làm việc cho CIA phát hiện y đang lái một chiếc xe Suzuki màu trắng len lỏi giữa các con phố đông người ở Peshawar, Pakistan. Các điệp viên của CIA đã lần theo y tới khắp nơi, cuối cùng dừng chân ở Abbottabad, một ngôi làng giàu có nằm cách thủ đô Pakistan chỉ chừng 50km.

Người đưa tin đi vào một tổ hợp công trình nhà ở kích thước lớn, nằm cuối một con đường lấm bụi và nhanh chóng biến mất sau cánh cửa chính.

Báo chí thế giới nói rằng khu vực này rộng hơn 8 lần các nhà trong vùng, kín đáo, có ít cửa sổ và được bảo vệ bởi tường cao tới 3m, trên đỉnh có rào thép gai. Ngoài ra, còn có các bức tường phụ được xây để chắn không cho những người đi đường nhìn thấy tầng 2 và tầng 3 của căn nhà. Công trình này được xây dựng vào năm 2005 với camera an ninh giám sát bố trí khắp nơi. Ngôi nhà không có điện thoại, internet và rất ít người ra vào. Thậm chí rác rưởi cũng được đốt ở bên trong nhà. Điều đó làm người Mỹ nghi ngờ ngôi nhà đang chứa nhân vật họ tìm kiếm bấy lâu nay: Osama Bin Laden.

Suýt nữa đã “huỷ diệt” cả toà nhà


Bin Laden – kẻ thù số 1 của Mỹ đã bị giết

Kể từ tháng 8/2009, Obama đã có ít nhất 9 cuộc gặp với các cố vấn an ninh cấp cao để quyết định phải làm gì với thông tin tình báo thu được. Họ biết rằng có thể có tới 20 người sống trong nhà, gồm phụ nữ và trẻ em. Những người trong cuộc nói rằng mấy tháng qua là khoảng thời gian vô cùng căng thẳng.

Giới chức lãnh đạo cao nhất chia rẽ, không biết liệu có nên tổ chức chiến dịch tấn công vào khu nhà hay chờ thêm và tiếp tục giám sát cho tới khi tất cả chắc chắn rằng Osama Bin Laden sống ở trong đó. Người ta cũng lo ngại một cuộc đột kích vào tổ hợp này có thể lặp lại thảm họa tấn công vào Somalia hồi năm 1993, trong đó 2 máy bay trực thăng chở lính đặc nhiệm Mỹ bị bắn rơi và một số thành viên của đội bị giết. Ngoài ra, còn phải kể tới việc lính Mỹ đã không thành công trong việc giải cứu con tin ở Iran hồi năm 1979.

Hồi tháng 3 năm nay, vài người đã đề nghị ném bom khu nhà để giảm thiểu rủi ro. Theo ABC News, Obama đã suýt nữa chọn phương án này nhưng ông đã suy nghĩ lại, sau khi biết rằng những quả bom nặng 2.000 cân Anh có thể phá nát mọi thứ, khiến việc thu hồi thi thể Bin Laden không thể thực hiện. Obama muốn bằng chứng rằng Bin Laden đã chết và ông không muốn gây quá nhiều cái chết cho dân thường.

Vậy là quyết định sử dụng con người tấn công được phê chuẩn. Tờ Politico nói rằng lực lượng đặc nhiệm SEAL đã xây dựng mô hình tương đương với khu nhà ở Pakistan và liên tục tập luyện tấn công nó trong khoảng thời gian từ ngày 7 - 13/4, dưới sự chứng kiến của các quan chức cao cấp.

8 giờ sáng ngày 29/4, Obama gặp gỡ một lần nữa với các cố vấn, trong đó bật đèn xanh cho việc dùng trực thăng đột kích rồi bay đi Alabama để khảo sát thảm họa do vòi rồng gây ra. Theo kế hoạch, cuộc tấn công lẽ ra đã được tổ chức trong đêm ngày 30/4. Nhưng do thời tiết không thuận lợi nên người ta dời nó lại vào ngày 1/5. 2 giờ chiều ngày 1/5, Obama họp với đội an ninh của ông để xem xét các chuẩn bị cuối cùng. Tiếp đó ông theo dõi trực tiếp diễn biến trong Phòng Tình huống của Nhà Trắng.

Mật mã “Geronimo”

Cùng lúc đó ở chiến trường, 79 lính đặc nhiệm Mỹ đã lên 4 chiếc trực thăng Blackhawk và bay từ căn cứ Jalalabad đóng ở Afghanistan vào đất Pakistan. Những chiếc trực thăng bay rất thấp để tránh rađa. Mục tiêu của nhóm là vào tấn công và rút ra trước khi phía Pakistan phát hiện chủ quyền của họ bị xâm phạm bởi một lực lượng chưa xác định và đáp trả bằng vũ lực chết người.

Khu nhà ở của trùm khủng bố Bin Laden ở Pakistan

Ngay khi hạ cánh, nhóm đặc nhiệm, gồm nhiều thành viên lực lượng SEAL của Hải quân, đã tấn công vào tổ hợp. Tiếng bom phá cửa, tiếng cánh quạt máy bay đánh thức những người bên trong. Một người đàn ông vừa giữ một người phụ nữ không xác định danh tính làm lá chắn sống, vừa nổ súng về lính Mỹ. Toán đột kính bắn trả, giết chết cả hai. Thêm 3 người đàn ông nữa trong nhà bị bắn chết và hai phụ nữ bị thương. 3 nhân vật thiệt mạng sau đó được xác định là con trai Bin Laden, người đưa tin và anh trai của nhân vật này. Bin Laden ở trên tầng 3 của ngôi nhà, trên người đang quấn áo choàng shalwar kamiz. Y chống cự lại lực lượng tấn công trước khi bị bắn vào khu vực trên mắt trái và thiệt mạng.

Một trợ lý kể lại rằng Obama ngồi yên lặng trong Phòng Tình huống, gương mặt đanh lại như hóa đá, chăm chú theo dõi diễn biến của cuộc tấn công dưới lời tường thuật của ông Panetta. “Mỗi phút trôi qua dài như cả ngày trời” - John Brennan, lãnh đạo lực lượng chống khủng bố Nhà Trắng kể.

Mật mã của Bin Laden là “Geronimo”. “Chúng tôi đã có hình ảnh của Geronimo” - Panetta thông báo không lâu sau khi nhóm đặc nhiệm đáp xuống đất, trước khi nói tiếp - “Geronimo EKIA (Enemy Killed In Action - kẻ địch đã bị tiêu diệt). Có một khoảng lặng trong Phòng Tình huống. Rồi Obama lên tiếng ngắn gọn: “Chúng ta đã hạ được hắn”.

Và như thế, cuộc săn người rộng lớn nhất, đắt đỏ nhất trong lịch sử đã chấm dứt. Thi hài của Osama Bin Laden, kẻ thù số 1 của nước Mỹ, sau khi được nhận diện bởi mã di truyền ADN, đã được “hải táng”, để không ai có thể tìm thấy hoặc sợ hãi ông ta thêm một lần nữa.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm