TOÀN CẢNH: Những thảm họa hàng không năm 2014

25/07/2014 22:27 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2014, thế giới phải chứng kiến những vụ tai nạn máy bay liên tiếp xảy ra. Tính từ đầu năm đến nay, đã có hơn 10 vụ rơi máy bay, làm gần 1.000 người chết và mất tích.

Ngày 11/2: Một máy bay vận tải quân sự C130 của Không quân Algeria bị rơi tại tỉnh miền núi Oum El Bouaghi, Đông Bắc Algeria làm 77 người chết.

Ngày 16/2: Máy bay Twin Otter số hiệu 183 của Nepal rơi ở vùng núi Arghakhanchi, cách thủ đô Kathmandu 200 km, làm 18 người chết.

Ngày 21/2: Máy bay vận tải quân sự AN-26 của Libya rơi tại Tunisia làm toàn bộ 11 người trên máy bay thiệt mạng.

Ngày 8/3: Máy bay Boeing 777-200ER của Malaysia Airlines mang số hiệu MH-370 mất tích trên đường từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh (Trung Quốc) cùng 239 hành khách và phi hành đoàn.

Ngày 19/4: Máy bay phản lực Hawker 800 của Mexico rơi xuống thành phố Ramos Arizpe miền Bắc Mexico, 8 người trên máy bay thiệt mạng.

Ngày 17/5: Máy bay quân sự AN-74 của Lào rơi gần tỉnh Xiangkhouang, cách Viêng Chăn 470 km về phía Đông Nam làm 17 quan chức Chính phủ và quân đội thiệt mạng.

Ngày 6/6: Một chiếc máy bay do thám An-30 của Ukraine đã bị bắn hạ gần Slovyansk, miền Đông nước này. 3 người được cho là đã chết trong vụ đó.

Ngày 14/6: Máy bay vận tải  Il-76 của Ukraine bị bắn hạ khi đang đáp xuống sân bay miền Đông Lugansk, 49 người thiệt mạng.

Ngày 5/7: Máy bay chở 11 vận động viên nhảy dù bị rơi ở Czestochowa, Ba Lan làm 11 người chết, 1 người sống sót.

Ngày 7/7: Trực thăng Mi-171 của Không quân Nhân dân Việt Nam đã rơi trong khi bay huấn luyện tại Hà Nội, 19 chiến sĩ đã hy sinh, 2 chiến sĩ bị thương nặng.

Ngày 14/7: Một trực thăng quân sự Campuchia rơi cách thủ đô Phnom Penh 10 km về phía Nam làm 5 người trên máy bay thiệt mạng, 1 người bị thương nặng.

Ngày 17/7: Máy bay cứu hộ rơi xuống gần khu dân cư thành phố miền Nam Gwangju, Hàn Quốc, khiến toàn bộ 5 người trên máy bay thiệt mạng.

Ngày 17/7: Máy bay Boeing 777 trên chuyến bay mang số hiệu bay MH-17 của Malaysia từ Amsterdam (Hà Lan) về Kuala Lumpur (Malaysia) đã bị rơi ở gần Torez, Donetsk, miền Đông Ukraine làm 298 người thiệt mạng.

Ngày 22/7: Một máy bay tư nhân hạng nhẹ rơi xuống biển tại Mỹ, khiến phi công trẻ Haris Suleman tử nạn. Cha Haris, ông Babar Suleman vẫn mất tích.

Ngày 23/7: Máy bay ATR 72 của TransAsia Airways (Đài Loan, Trung Quốc) bị rơi trên đảo Bành Hồ làm 48 người chết.

Máy bay ATR 72 của TransAsia Airways

Ngày 23/7: Hai chiếc Su-25 của Không quân Ukraine bị lực lượng ủng hộ liên bang hóa bắn hạ tại làng Dmytrivka sát biên giới Nga cách không xa nơi chiếc máy bay MH17 rơi trước đó. Các phi công trên 2 máy bay được cho là đã nhảy dù và khả năng rơi vào vùng đất do lực lượng ủng hộ liên bang hóa kiểm soát.

Ngày 24/7: Máy bay MD-83 của Air Algerie bị rơi ở Mali làm 116 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Ngày hôm nay 25/7: Trực thăng ALH của quân đội Ấn Độ rơi làm 7 quân nhân thiệt mạng.

Đâu mới là năm thảm họa khủng khiếp nhất lịch sử hàng không?

Theo International Business Times của Anh, lịch sử ngành hàng không từng chứng kiến những năm còn tồi tệ hơn năm 2014 rất nhiều. Năm 1972 là năm có số lượng người chết liên quan đến máy bay cao nhất: 3.329 người. Năm 1943, cả thế giới có 2.266 người thiệt mạng liên quan đến máy bay. Tuy nhiên, có thể thấy đó là những năm kỹ thuật ngành hàng không chưa phát triển hiện đại và nhiều nước có chiến tranh, xung đột hơn hiện nay.

Cho đến nay, tai nạn được cho là thảm khốc nhất trong lịch sử hàng không dân dụng là vụ rơi máy bay Boeing 747-200 của Hãng hàng không Japan Airlines, xảy ra ngày 12/8/1985 khiến 520 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Việc những vụ tai nạn hàng không dồn dập xảy ra trong thời gian qua khiến cả thế giới bàng hoàng và cũng có thể gọi 2014 là năm thảm họa của hàng không thế giới. Hy vọng danh sách kinh hoàng này sẽ không tiếp tục nối dài.

Thảo Vy (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm