Thế giới trong tuần: Quá nhiều, quá mập

07/07/2012 07:01 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH Cuối tuần) - Những nhà khoa học ở châu Âu vừa công bố một nghiên cứu cảnh báo loài người đã quá đông, và quan trọng hơn, quá béo phì. Theo đó, quá nhiều người bị thừa cân đến mức họ tương đương với thêm 300 triệu miệng ăn nữa trên hành tinh Trái đất.

Ví dụ điển hình là khu vực Bắc Mỹ. Dân số người trưởng thành ở đây là 260 triệu người, nhưng tính theo cân nặng thì con số đó phải cao hơn 30%, tương đương 340 triệu người. Nếu mọi quốc gia trên thế giới đều béo như người Mỹ, thì Trái đất sẽ phải cõng thêm khoảng một tỷ người nữa, tương đương với dân số Ấn Độ, nhiều hơn dân số Brazil và bằng ba phần tư dân số Trung Quốc.

Danh sách 10 nước mập nhất và 10 nước ốm nhất thế giới

Trong hàng trăm năm qua, nhiều học giả hàng đầu đã lo lắng về sự tăng dân số trên Trái đất. Năm 1798, nhà kinh tế học nổi tiếng người Anh Thomas Malthus đã cảnh báo dân số tăng quá nhanh sẽ khiến cầu lương thực vượt qua cung và gây ra những nạn đói khủng khiếp. Năm 1968, trong cuốn sách bán chạy The Population Bomb (Quả bom dân số), giáo sư sinh học người Mỹ Paul R.Ehrlich đã lên tiếng ủng hộ việc kiểm soát sinh sản nếu cần thiết. Gần đây hơn, một trong những kinh tế gia nổi tiếng nhất thế giới, Jeffrey Sachs kêu gọi: “Hành tinh của chúng ta đang đông đúc chưa từng thấy. Mọi thứ đang đi quá giới hạn xét trên khía cạnh con người, kinh tế và sinh thái”.

Nhưng một nghiên cứu cân nặng của các quốc gia (Weight of Nations: An Estimation of Human Biomass) vừa được công bố trên tạp chí y khoa BMC Public Health (London) cho thấy chúng ta nên lo ngại về việc trẻ em được sinh ra ở đâu, hơn là có bao nhiêu trẻ ra đời. Vì nếu đứa bé được sinh ra ở Mỹ, rốt cuộc chúng sẽ, tính trung bình, nặng gần gấp đôi so với một bé ở Bangladesh hay Việt Nam, khiến cho nhu cầu lương thực thực phẩm của chúng cũng hơn hẳn.

Ian Roberts, giáo sư dịch tễ học và y tế công cộng tại Đại học Y khoa và các bệnh nhiệt đới London, cho biết: “Trong nhiều năm, cuộc thảo luận của chúng ta tập trung vào việc châu Phi có dân số quá nhiều và tăng quá nhanh. Nhưng mọi chuyện phức tạp hơn thế vì những người béo phì chắc chắn mới để lại nhiều dấu vết sinh thái hơn, xét theo tỷ lệ”.

Một người Mỹ nặng bằng gần hai lần một người Việt Nam

Nếu chúng ta mập hơn, như người Mỹ chẳng hạn, chúng ta sẽ cần nhiều năng lượng hơn để di chuyển. Nên một người mập mạp sẽ cần ăn nhiều hơn một người gầy để thực hiện cùng một mức độ hoạt động thể chất. Thật ra, những người béo phì tiêu tốn nhiều năng lượng hơn những người gầy ngay cả nếu họ chỉ ngồi một chỗ. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc và Tổ chức y tế Thế giới (WHO), 4,6 tỷ người trưởng thành trên Trái đất có cân nặng 290 triệu tấn. Với số người béo phì như hiện tại, Trái đất coi như phải nuôi thêm 300 triệu người có chiều cao và cân nặng trung bình nữa. Những người mập, với chỉ số BMI lớn hơn 25, làm tăng trọng lượng của hành tinh thêm 15 triệu tấn. Những người béo phì, với chỉ số BMI lớn hơn 30, làm tăng trọng lượng của hành tinh thêm 3,4 triệu tấn. Nếu tất cả những người đó đều có trọng lượng chuẩn trung bình, Trái đất sẽ bớt đi được 298 triệu miệng ăn, tương đương 6,2% dân số toàn cầu, gần tương đương với dân số Mỹ.

Châu Á là nơi con người có cân nặng thấp nhất. Không tới 1/4 dân số ở đây quá cân. Một người châu Á trung bình (cả nam lẫn nữ) cân nặng 57,7kg. Nếu mọi người trên thế giới đều nặng như một người Nhật trung bình, dân số thế giới sẽ nhẹ hơn 5%, tương đương 235 triệu người. Có lẽ bạn nên đi ăn sushi ngay sau khi đọc bài báo này! Ngược lại, một người Bắc Mỹ trung bình nặng 80,7kg và gần 3/4 dân số bị thừa cân. Khoảng 1/3 những người béo phì trên toàn Trái đất sống ở Bắc Mỹ.

Nghiên cứu nói trên cũng đánh giá chiều ngược lại. Với một tấn cân nặng, chỉ có thể tạo ra 12,2 người ở Mỹ, nhưng tới 20 người ở Việt Nam, tức là một người Mỹ trung bình gần bằng hai người Việt Nam, khiến chúng ta là một trong những nước thấp bé nhẹ cân nhất thế giới. Với cân nặng trung bình 51kg, Việt Nam xếp thứ tư từ dưới lên trong danh sách cân nặng toàn cầu, ít hơn mức trung bình gần 7kg và chỉ hơn 3 nước Nam Á là: Sri Lanka, Nepal và Bangladesh.

Giáo sư Roberts hy vọng nghiên cứu mới này sẽ “đặt việc nghiên cứu béo phì dưới góc nhìn sinh thái” kết nối cuộc chiến chống béo phì ở các nước phát triển với sự khích lệ phát triển bền vững trên toàn cầu. “Có một cơ thể to lớn giống như việc bạn sở hữu một chiếc xe đua tốn nhiều xăng. Nếu cơ thể bạn là một chiếc mini, nó sẽ tiêu tốn ít năng lượng hơn một chiếc Range Rover”.

Không phải lỗi của Coca-Cola

Tại Mỹ đang nổ ra cuộc tranh luận dữ dội về việc ai là thủ phạm gây ra béo phì sau khi Thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg mới đây đã có quyết định hạn chế việc tiêu thụ đồ uống có nhiều đường cỡ lớn. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành công ty Coca-Cola, Muhtar Kent, khẳng định công ty của ông không thể chịu trách nhiệm cho sự gia tăng của tình trạng béo phì tại Mỹ.

“Đây là một vấn đề xã hội quan trọng và phức tạp mà tất cả chúng ta phải cùng nhau đưa ra một giải pháp”, ông Kent nói với báo Wall Street Journal. “Đó là lý do tại sao chúng tôi sẵn sàng hợp tác với chính quyền, các ngành kinh doanh và xã hội dân sự để thực hiện các chương trình lối sống năng động ở mọi quốc gia mà chúng tôi hoạt động kể từ năm 2015”.

Những nhận xét của ông Kent được đưa ra vài tuần sau khi ông Bloomberg đề xuất lệnh cấm với đồ uống có ga cỡ lớn ở mức 437ml, vẫn lớn hơn kích cỡ thông thường, nhưng nhỏ hơn cỡ “xô” vẫn được sử dụng ở các rạp phim, những địa điểm công cộng và sân thể thao. Ông Kent cũng nói Coca-Cola đã thay đổi nhiều so với ngày xưa và không chỉ có loại đồ uống có ga gây béo phì, mà bao gồm cả nhiều thương hiệu trà thảo dược có lợi cho sức khỏe, nước trái cây, đồ uống thể thao và các sản phẩm khác.

Ông Bloomberg cho rằng lệnh cấm mới là cần thiết để đối phó với tình trạng béo phì đang lan tràn ở Mỹ làm gia tăng chi phí y tế từ ngân sách. Nhưng những người chỉ trích nói lệnh cấm là sự can thiệp quá đáng vào quyền dân sự.

Hải Minh (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm