“Thần Vishnu” bỗng trở thành thường dân

03/06/2008 21:26 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH Online) - Ngày 29/5, khi người dân Nepal đổ ra đường ăn mừng việc đất nước trở thành quốc gia dân chủ trẻ nhất thế giới, cùng với sự sụp đổ của vương triều cuối cùng tại Nepal, có một người nén tiếng thở dài trong hậu cung. Đó chính là Gyanendra Bir Bikram Shah, người từ một ông vua bỗng trở thành “thường dân Shar”.

Quyền lợi tiêu tan

Ngay sau khi lên nắm quyền, chính phủ dân chủ của Nepal tuyên bố xóa bỏ mọi đặc quyền đặc lợi của vua. Điều đó có nghĩa là cựu vương Gyanendra, một nhân vật siêu giàu ở quốc gia của những người dân nghèo, sẽ không còn những ngày tháng vung tiền qua cửa sổ như trước. Sẽ không còn cảnh cựu vương huy động cả đội máy bay dân sự của Nepal hộ tống mỗi khi đi công cán nước ngoài và cũng không còn chuyện xe limousine của vua gây tắc đường hàng giờ như trước

Gyanendra Bir Bikram Shah


Nhà vua Nepal

Chưa hết, những gì liên quan tới hoàng gia và vua Nepal từ nay sẽ trở thành lịch sử. Quốc ca Nepal, vốn bắt đầu bằng câu “Hãy để vinh quang ngự trị cùng người, quốc vương dũng cảm”, sẽ phải thay đổi. Quân đội Hoàng gia Nepal, phương tiện cách đây 15 tháng đã được nhà vua sử dụng để chống lại hiến pháp, bắt giữ Thủ tướng và các lãnh đạo chính trị khác, sẽ bị giải tán. Lực lượng này giờ đây được gọi đơn giản là “Quân đội Nepal” và nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ. Mọi mối liên hệ của nó với hoàng gia đã bị cắt đứt hoàn toàn.

Nhiều tổ chức bảo vệ hoàng gia với quyền lực lớn như Hội đồng cơ mật - cơ quan cố vấn đã đề nghị vua trực tiếp nắm quyền điều hành đất nước hồi năm ngoái - cũng bị giải tán.

Điền sản thành bảo tàng

Cùng với việc xóa bỏ quyền lợi của Gyanendra, chính phủ Nepal cũng ra tối hậu thư trong vòng 15 ngày buộc ông phải rời khỏi cung điện Narayahiti và yêu cầu kiểm kê mọi tài sản trong cung điện để quốc hữu hóa. Cung điện này sẽ trở thành một viện bảo tàng. Hôm 2/6, trong cuộc gặp gỡ cựu vương lần đầu tiên kể từ khi chế độ quân chủ bị bãi bỏ, Bộ trưởng Nhà ở Krishna Prasad Sitaula cho biết ông Gyanendra không hề van nài chính phủ cho thêm thời gian để chuyển khỏi Narayahiti.

Thay vì thế, ông bày tỏ sự sẵn sàng rời khỏi cung điện trước thời hạn. Song Narayahiti không phải là cung điện duy nhất bị quốc hữu hóa. Trước đó nhà lãnh đạo Prachanda cũng đã tuyên bố sẽ biến cung điện của gia đình hoàng gia ở thị trấn Gorkha, phía Tây thủ đô Kathmandu, thành một bảo tàng.

Cựu vương chấp nhận mọi quyết định và chỉ xin được cung cấp một nơi ở tạm, bởi căn nhà riêng của ông hiện đang để cho người con trai cùng gia đình anh ta cư ngụ. Về việc này, Bộ trưởng Hòa bình và hòa giải dân tộc Ramchandra Paudel nói với báo giới: “Tôi đã đề nghị Thủ tướng cung cấp nơi ở tạm cho cựu vương. Ông ấy sẽ sống tạm ở một trong những cung điện đã được quốc hữu hóa”.

Muốn làm vua, mời ra nước ngoài

Kể từ khi vương triều Shah lên nắm quyền, các vị vua ở Nepal được coi là sự tái sinh của thần Vishnu (thần Bảo vệ), một trong ba vị thần linh thiêng nhất của đạo Hindu. Nhưng nhiều yếu tố sau này như cuộc thảm sát hoàng gia hồi năm 2001 đã khiến lòng tin giảm sút. Giờ đây khi quốc hội xóa bỏ chế độ quân chủ, dĩ nhiên Gyanendra cũng không còn được coi là thần Vishnu ở trong nước nữa.


Cung điện này từ nay sẽ không còn vương chiều Gyanendra

Tuy nhiên các quan chức ở đền Jagannath thuộc miền Đông Ấn Độ - một trong những khu vực thiêng liêng nhất của Hindu giáo - đã tuyên bố rằng những sự kiện chính trị tại Nepal chẳng ảnh hưởng gì tới việc Gyanendra vẫn được coi là vua ở đây. Dù là dân thường, khi tới đền Jagannath, Gyanendra vẫn sẽ được đón tiếp bằng nghi lễ dành cho một vị vua và một vị thần, được tiến hành các nghi thức tôn giáo thiêng liêng với sự hỗ trợ của những tu sĩ cao cấp nhất, bởi ông vẫn mang trong mình dòng máu hoàng tộc. “Đền Jagannath vẫn công nhận Gyanendra là vua Nepal và ông sẽ được phép thực hiện mọi nghi lễ tôn giáo, dù vương triều đã bị xóa bỏ tại Nepal” - phát ngôn viên của ngôi đền, Laxmi Dhar Pujapanda, nói với hãng tin AP. Có nghĩa là muốn kéo dài cảm giác làm vua như ngày xưa, Gyanendra hiện chỉ còn cách sang Ấn Độ sống.

Doanh nhân - cánh cửa hẹp

Bất chấp việc bị quốc hữu hóa nhiều điền sản, Gyanendra vẫn là một người giàu có. Tài sản của ông hiện gồm một khách sạn ở thủ đô Kathmandu, một trang trại trà ở phía Đông Nepal và một nhà máy thuốc lá . Bên cạnh đó, cựu vương còn là nhân vật đóng vai trò chủ chốt tại quỹ bảo tồn thiên nhiên King Mahendra Trust For Nature Conservation và đã làm việc lâu nay cùng với Quỹ động vật hoang dã thế giới.

Không ít người đã tin rằng Gyanendra sẽ ở lại Nepal làm kinh doanh khi các cánh cửa khác đã đóng lại với ông. Dù sao đây cũng không phải là một công việc dễ dàng bởi khi đã trở thành “thường dân Shar”, công việc kinh doanh của ông sẽ không còn thuận lợi như trước. Thu nhập của cựu vương sẽ phải trích ra một khoản để đóng thuế và nếu phạm luật, ông cũng phải hầu tòa như mọi người dân bình thường khác.

Gia Bảo

 

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm