Sự thật về thành phố vàng El Dorado

16/01/2013 10:11 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Giấc mơ về El Dorado, một thành phố bị lãng quên với đầy vàng đã khiến rất nhiều người mơ mộng cũng như những kẻ tham lam dấn thân vào các cánh rừng nhiệt đới và các ngọn núi ở Nam Mỹ để tìm kiếm, để rồi phải ra về tay trắng.

Thực tế thì theo một số kết quả nghiên cứu khảo cổ gần đây, dù có tìm kiếm nữa người ta cũng sẽ không thu được gì, bởi từ "vàng" được nói tới trong truyền thuyết El Dorado liên quan tới một con người nhiều hơn là một địa điểm.

Một thành phố hay một con người?

Việc Columbus tìm thấy châu Mỹ trong năm 1492 sau Công nguyên là chương đầu tiên trong cuộc đụng độ của các nền văn hóa đã thay đổi thế giới. Đó là một cuộc đụng độ tàn khốc của hai phong cách sống và hệ thống niềm tin khác nhau.

Truyện thần thoại của châu Âu về El Dorado, một thành phố vàng bị lãng quên, đã cho thấy cơn khát vàng không dứt của người châu Âu. Với họ, nỗ lực khai phá các miền đất mới chỉ là vì giá trị tiền bạc mà những nơi này mang lại.

Truyền thuyết El Dorado liên quan tới một vị thủ lĩnh của người Muisca nhiều hơn là về một thành phố vàng

Nhưng câu chuyện của chính người Nam Mỹ về El Dorado, lại cho thấy bản chất tự nhiên của vùng đất và con người từng sống ở nơi đây. Với họ, El Dorado chưa bao giờ là một nơi chốn cụ thể mà liên quan tới một nhà lãnh đạo rất giàu có, quyền lực và được yêu mến.

Câu chuyện thực đằng sau thần thoại El Dorado đã dần được làm rõ trong mấy năm gần đây, khi người ta sử dụng kỹ thuật nghiên cứu các văn tự lịch sử cổ và các kết quả nghiên cứu khảo cổ.

Ở tâm điểm của thần thoại này là câu chuyện về một nghi lễ đăng quang do người Muisca sống tại khu vực trung tâm Colombia ngày nay, tổ chức trong năm 800 sau Công nguyên. Các sử gia Tây Ban Nha khác nhau đã tới lục địa này từ đầu thế kỷ 16 và bắt đầu ghi chép lại nghi lễ El Dorado.

Một trong những câu chuyện chi tiết, đặc sắc nhất do Juan Rodriguez Freyle ghi lại. Trong cuốn sách của Freyles mang tựa đề The Conquest and Discovery of the New Kingdom of Granada (Cuộc chinh phạt và phát hiện Tân vương quốc Granada) xuất bản năm 1936, ông kể lại câu chuyện khi một thủ lĩnh trong xã hội Muisca qua đời, tiến trình đăng quang của người kế nhiệm sẽ diễn ra.

Khi vàng được ném xuống hồ trong lễ tế

Tân thủ lĩnh, thường là cháu của thủ lĩnh quá cố, sẽ phải đi qua một tiến trình đăng quang kéo dài, với đỉnh điểm là việc chèo một chiếc bè ra giữa hồ thiêng Guatavita ở khu vực trung tâm Colombia. Được vây quanh bởi 4 thầy tu có phẩm cấp cao nhất trong xã hội Muisca, tân lãnh đạo, trên người đội vương miện vàng, các đồ trang sức vàng, thân thể phủ đầy bụi vàng, sẽ làm lễ hiến tế vàng cho các vị thần bằng cách ném vàng, đồ trang sức và đá quý xuống hồ trước khi nhảy xuống hồ để gột sạch bụi vàng.

Khu vực vòng quanh hồ có đầy những người chứng kiến nghi lễ hiến tế vàng. Họ sẽ chơi nhạc và đốt lửa nhiều tới mức khói tỏa lên khỏa lấp ánh mặt trời. Bản thân chiếc bè cũng có 4 đống lửa, tỏa những đám khói dày lên trời. Khi chiếc bè tới tâm hồ, các thầy thu sẽ giơ cao một lá cờ hiệu để mọi người trên bờ im lặng. Khoảnh khắc này, đám đông sẽ thể hiện sự trung thành với tân lãnh đạo mới bằng cách hô vang sự đồng thuận từ các vùng đất vòng quanh hồ. Sau đó, các vòng tay bằng vàng, đá quý và nhiều đồ hiến tế giá trị khác cũng được những người sùng bái ném xuống nước.

Điều thú vị là rất nhiều chi tiết trong sách của Freyles đã được chứng minh là có thật, thông qua các nghiên cứu khảo cổ tỉ mỉ - các cuộc khảo cổ cũng đã giúp làm rõ kỹ năng vượt trội và quy mô sản xuất vàng vô cùng lớn tại Colombia vào thời điểm những người châu Âu tới đây trong năm 1537.

Trong xã hội Muisca, vàng - cụ thể hơn là hợp chất vàng, bạc và đồng với tên gọi tumbaga - là thứ có giá trị cao, không phải về mặt kinh tế mà vì sức mạnh tâm linh chứa trong nó. Người Muisca tin rằng vàng là sợi dây kết nối với thánh thần và có thể mang tới sự cân bằng, hài hòa trong xã hội. Như một hậu duệ của người Muisca là Enrique Gonzalez giải thích, vàng không biểu tượng cho sự phồn thịnh của người Muisca.

Tunjos tức đồ hiến tế cho các vị thần thường được đặt tại những nơi thiêng như các con hồ, hang đá. "Với người Muisca hiện đại cũng như tiền nhân của chúng tôi, vàng chẳng có giá trị gì hơn vật hiến tế... Vàng không đại diện cho sự giàu có" - Gonzalez nói.

Các hiện vật vàng dùng để hiến tế với thánh thần thường được người Muisca chế tác tinh xảo như thế này

Những vết tích khảo cổ

Các nghiên cứu gần đây do nhà khoa học Maria Alicia Uribe Villegas từ Bảo tàng Vàng ở Bogota và Marcos Martinon-Torres từ Viện Khảo cổ UCL đã thấy rằng trong xã hội Muisca, những món đồ vàng được làm chỉ để sử dụng cho lễ hiến tế, nhằm cân bằng vũ trụ và đảm bảo một mối quan hệ ổn định với môi trường.

Còn theo nhà khảo cổ Roberto Lleras Perez, một chuyên gia về chế tác vàng và niềm tin Muisca, việc tạo và sử dụng vàng trong cộng đồng này là chi tiết vô cùng độc đáo ở Nam Mỹ. "Như tôi được biết, không một xã hội nào lại dành hơn 50% lượng vàng họ sản xuất được cho các nghi lễ cảm ơn các vị thần. Tôi nghĩ rằng đây là chi tiết mang tính độc nhất vô nhị" - ông nói.

Các món đồ hiến tế vàng như bộ sưu tập tunjo đang được trưng bày ở Bảo tàng Anh, đã được làm từ một quy trình đúc sử dụng sáp và đất sét nay đã thất truyền.

Do tất cả các hiện vật vàng trong mỗi lần hiến tế đều có các đặc điểm hóa chất giống nhau và các chi tiết về quy trình sản xuất độc đáo, có thể thấy rằng chúng chỉ được làm ra để hiến tế và chỉ tồn tại trong có vài giờ hoặc vài ngày trước khi bị ném xuống những nơi như hồ thiêng.

Điều tuyệt vời là vào năm 1969, câu chuyện về chiếc bè chở vàng như của Juan Rodriguez Freyle mô tả, đã được tìm thấy trong các hình vẽ ở một hang động nhỏ nằm ở phía Nam Bogota. Trong các hình vẽ, có một người đàn ông thân mình phủ đầy vàng đang đi thẳng xuống hồ thiêng như hồ Guatavita. Và đây mới là câu chuyện thực của El Dorado.

Bằng chứng về sự tham lam

Vì lẽ này, câu chuyện thần thoại trong đó El Dorado bị biến thành một thành phố chứa đầy vàng, cho thấy kim loại này đã luôn được những kẻ chinh phạt tới từ châu Âu xem như một món của cải vật chất thuần túy. Họ ít hiểu về giá trị thực của vàng trong lòng xã hội Muisca. Các bộ não tới từ châu Âu đơn giản là choáng ngợp trước việc có quá nhiều vàng đã được ném xuống vùng nước hồ, hoặc chôn tại các khu vực linh thiêng nằm quanh Colombia.

Năm 1532, Francisco Pizarro đã tới Peru, bắt đầu nỗ lực đầu tiên trong việc chinh phạt người Inca và đô hộ Nam Mỹ. Ông này đã thu được một lượng vàng khổng lồ. Năm 1537, Jimenez de Quesada là người đầu tiên khám phá vùng đất của dân Muisca và ông này tới đây vì truyền thuyết El Dorado.

Cùng 800 quân dưới quyền, Jimenez de Quesada đã dần xa rời nhiệm vụ chính của mình là tìm đường trên bộ tới Peru. Thay vì thế, ông đã đi sâu vào một vùng đất xa lạ, khắc nghiệt, nơi nhiều người lính bỏ mạng. Nhưng những gì Quesada và quân lính của ông tìm thấy khiến họ choáng ngợp, bởi các sản phẩm vàng Muisca mà họ tìm thấy không giống bất kỳ thứ gì trước đó. Các hiện vật vàng được chế tác tỉ mỉ đã sử dụng các kỹ thuật mà người châu Âu chưa từng biết tới.

Điều nghiệt ngã là cuộc săn lùng vàng của El Dorado đã âm ỉ cháy từ đó tới nay. Các nhà khảo cổ như tại Bảo tàng Vàng ở Bogota, đang nỗ lực chống lại làn sóng hôi của tăng lên. Giống như những gã thực dân châu Âu trong thế kỷ 16, những kẻ săn tìm kho báu hiện đại đang tàn phá quá khứ của Nam Mỹ và cướp đi những câu chuyện kỳ thú đứng đằng sau các hiện vật vàng.

Số lượng vàng mà những kẻ hôi của này tìm thấy thật đáng kinh ngạc. Trong những năm 1970, khi người ta có tin một di chỉ khảo cổ mới chứa đầy vàng được những kẻ hôi của tìm thấy ở phía Bắc Colombia, thị trường vàng thế giới đã suy sụp.

Sự kiện trên cũng đồng nghĩa với việc rất nhiều hiện vật vàng thời tiền Colombia đã bị đun chảy để đem bán và mất đi cùng với chúng là các dấu vết về một nền văn hóa cổ đại vô cùng đậm đà bản sắc. Thật may mắn, các hiện vật còn lưu giữ lại được tới nay tại Bảo tàng Vàng ở Bogota và Bảo tàng Anh tại London vẫn có thể cung cấp cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về những sự khác biệt kể trên trong quan niệm về giá trị của vàng.

Quan trọng nhất, chúng đã kể được câu chuyện thật đứng sau bí ẩn El Dorado đã khiến những kẻ tham lam mờ mắt bấy lâu nay.

Tường Linh (BBC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm