Sự sùng bái các tướng quân của người Mỹ

15/11/2012 09:45 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Việc tướng David Petraeus, một trong những lãnh đạo quân sự sáng giá nhất của Mỹ thời hậu khủng bố 11/9 rơi khỏi vinh quang đã khiến cả nước Mỹ bị sốc. Nhưng với giới quan sát, câu hỏi lớn hơn là vì sao người Mỹ lại sùng bái các tướng lĩnh quân sự của họ tới vậy?

Tổng thống thứ 12 của nước Mỹ là một nhân vật phi chính trị tới mức trước khi chạy đua vào Nhà Trắng trong năm 1848, ông này chưa từng một lần đi bỏ phiếu.

Tình yêu chạy dài theo lịch sử

Nhưng Zachary Taylor lại là một viên tướng rất thành công trong cuộc chiến tranh Mỹ - Mexico. Chừng đó là đủ để ông được đảng Whig đề cử làm ứng viên của họ và thắng tại cuộc đua vào Nhà Trắng.

"Các vị tướng đã luôn đóng vai trò rất trung tâm trong nền chính trị Mỹ. Sự sùng bái các vị tướng như thế đã có từ thời Washington và Lục quân Lục địa" - Ron Chernow, một người viết tiểu sử chính thức của George Washington cho biết.

Quả thực, sự tôn thờ các vị tướng xuất phát từ thời những năm thành lập nước Mỹ, khi giới lãnh đạo quân sự bảo vệ đất nước khỏi mối đe dọa tới từ những kẻ xâm lược châu Âu và người thổ dân Bắc Mỹ.

Tướng George Washington, Tổng thống đầu tiên của Mỹ, đã chỉ huy đạo quân giúp giành độc lập từ tay người Anh. Khi đó, nhận thức về bản sắc quốc gia của người Mỹ còn yếu và họ chỉ coi mình là công dân của từng bang riêng biệt. Quân đội của Washington đã đóng vai trò như một trong những cơ quan cấp liên bang đầu tiên và ông đại diện cho cơ quan này.

Các vị tướng đã từng gây ảnh hưởng lớn ở Mỹ, theo chiều kim đồng hồ từ trái qua gồm Grant, Powell, Petraeus và Eisenhower

Kể từ đó, các vị tướng đã là ví dụ minh họa rõ nhất cho thấy cả tình yêu và sự thiếu tin tưởng của người Mỹ vào nền dân chủ của họ. Trong tình cảm phức tạp ấy của người Mỹ, các vị tướng là những người đã đi lên từ nền tảng thấp nhất, bằng năng lực đích thực.

Đơn cử như tướng Ulysses Grant, người chỉ huy các đạo quân thu được nhiều chiến thắng trong nội chiến Mỹ, là con trai của một thợ thuộc da. Tổng thống Andrew Jackson là con một người nhập cư gốc Scotland - Ireland. Trước khi vào Nhà Trắng, ông là vị tướng đã chiến thắng vinh quang trong cuộc chiến tranh 1812, khi đánh bại quân Anh trong trận chiến New Orleans.

"Các vị tướng khi đó nhận danh hiệu của họ dựa trên năng lực và họ được công chúng hết sức tin tưởng" - Richard Kohn, một sử gia tại Đại học Bắc Carolina nhận xét.

Niềm tin vào "sự thuần khiết"

Trong khi điều hành quân đội giỏi, các vị tướng lại được thêm ưu điểm là khó bị ảnh hưởng bởi nền chính trị trong nước, các thỏa thuận đi đêm, hoặc nguy cơ suy thoái đạo đức.

"Kể từ giai đoạn sơ khai của lịch sử Mỹ, nhiều người Mỹ đã tỏ ra nghi ngờ vào nền chính trị trong nước" - James McPherson, một sử gia ở Đại học Princeton đã viết sách về Nội chiến Mỹ và giành giải Pulitzer cho biết.

Do đó các vị tướng được dân xem là thuần khiết hơn, không bị làm hư hỏng bởi những "rác rưởi chính trị". Trong con mắt công chúng, các vị tướng còn được xếp cao hơn một tầng lớp có vẻ như không hoạt động chính trị: các lãnh đạo doanh nghiệp.

"Các tướng quân được xem như những người luôn sẵn sàng xả thân" - H.W. Brands, nhà nghiên cứu ở Đại học Texas đánh giá - "Họ đặt mạng sống của họ trước hiểm nguy vì lợi ích của công chúng". Và trước khi truyền thông đại chúng xuất hiện, danh tiếng của các vị tướng đã lan tới tận những vùng sâu vùng xa ở Mỹ. "Có bao nhiêu người Mỹ khi đó nổi tiếng và được ca ngợi như họ? Không nhiều lắm đâu. Vì thế có thể thấy các người hùng quân đội khi chuyển sang làm chính trị đã được lợi như thế nào" - Chernow đánh giá.

Chỉ là lá chắn cho sự thất bại?

Sự sùng bái các vị tướng của người Mỹ còn thể hiện qua các con số. Có 10 Tổng thống ở nước này từng là tướng. Các nhà phân tích nói rằng trong nền chính trị Mỹ, anh có thể nhảy dù lên đỉnh quyền lực, bởi đơn giản anh là tướng. Giống như Taylor, Grant chẳng có nền tảng chính trị gì và trước Nội chiến Mỹ, ông chỉ là một doanh nhân thất bại, một sĩ quan quân đội thuộc dạng "lìu tìu". Nhưng đảng Cộng hòa đã thấy cơ hội nằm trong danh tiếng của ông và đã đề cử ông cho vị trí Tổng thống vào năm 1868.

Tất nhiên không phải vị tướng nào cũng được người Mỹ nhắc tới một cách trìu mến. Cuộc chiến tranh Việt Nam đã để lại những trải nghiệm đắng tới mức không một viên tướng nào sau đó thành công về mặt chính trị. Tên của họ cũng không được nhiều người Mỹ nhắc tới. Cuộc chiến tranh Iraq - nơi Petraeus gây dựng danh tiếng - cũng bị không ít người Mỹ xem là hành động của chủ nghĩa thực dân.

Nhưng kể từ những năm 1970, người Mỹ đã có xu hướng phân biệt rạch ròi người lính - và chủ nghĩa anh hùng cùng sự can đảm liên quan tới anh ta, với chính nghĩa. Ít người Mỹ nhìn lại cuộc chiến tranh Vùng Vịnh và xem nó là chính nghĩa. Nhưng tướng Colin Powell vẫn được nhắc tới trong những năm 1990 trong vai trò ứng cử viên Tổng thống và sau đó ông làm Ngoại trưởng. Tướng Norman Schwarzkopf trở thành nhân vật nổi tiếng thế giới.

Petraeus đã trở thành cái tên nổi tiếng ở Mỹ vào năm 2007, khi Bush bổ nhiệm ông vào vị trí Tư lệnh quân Mỹ ở Iraq. "Chẳng có gì ở Iraq diễn ra tốt đẹp cả và khi đó người ta đã tìm ai đó có thể cho thấy rằng cuộc chiến này không phải là đã vứt đi. Thời điểm đó, người Mỹ cần tới một anh hùng và Petraeus là người đã cứu vớt họ" - Andrew Bacevich, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Kroc ở Đại học Notre Dame nói.

Nhưng ông nói rằng với việc Petraeus đã sụp đổ danh tiếng, công chúng Mỹ giờ sẽ tỉnh táo hơn. Những người suy nghĩ nghiêm túc sẽ có cơ hội đặt ra các câu hỏi mà trước kia họ không dám nói, như "vì sao sau 11 năm chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, chúng ta chẳng thắng được điều gì?" Ông chỉ ra rằng hậu quả từ câu chuyện hoang đường liên quan tới "vị tướng anh hùng vĩ đại" có thể sẽ rất ghê gớm. "Viên tướng anh hùng là một lời bào chữa để người ta không suy nghĩ nghiêm túc về chiến tranh và để tránh việc kiểm tra các hậu quả thực của những cuộc chiến mà chúng ta đã dính líu vào" - ông đánh giá.

Dân Mỹ nể trọng quân đội nhất

Ngày hôm nay, quân đội là tổ chức được công chúng nể trọng nhất tại Mỹ. 78% người Mỹ thừa nhận họ rất tin tưởng quân đội, theo một nghiên cứu của Gallup. Trong khi đó, ngày càng ít chính trị gia hiện đại phục vụ trong quân ngũ. Và họ đã bù đắp sự thiếu hụt này bằng cách tỏ ra nghiêng về phía quân đội. Tổng thống Ronald Reagan bắt đầu xu hướng này khi tuyên bố "chúng ta sẽ lắng nghe quân đội". Còn George W Bush đã nói câu thần chú chính trị của ông là "chúng ta sẽ lắng nghe các tư lệnh quân đội trên chiến trường".


Tường Linh (Theo BBC)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm