Sự nghiệp từ que diêm

16/10/2013 17:32 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Đôi khi một đế chế tài chính chỉ được xây trên một đồ vật nhỏ xíu… Trong thập kỷ 1920, nhà tài phiệt Thụy Điển Ivar Kreuger bắt đầu sự nghiệp bằng những que diêm.

Bằng những ngón kinh doanh ngoắt ngoéo ông đã đưa nhà máy sản xuất diêm được thừa hưởng từ cha mình lên vị trí chủ chốt thị trường tài chính thế giới. Khi cơ đồ của ông lung lay, một nửa châu Âu cũng run rẩy theo.

Ông vua nhiều ngai

Thông thường, do đặc tính nghề nghiệp mà thương gia Antoine Bervilleur ở Paris quen tiếp xúc với những khách hàng kiệm lời: ông chuyên buôn vũ khí. Ngày 11/3/1932, khi một khách hàng khoác áo choàng đen vào cửa hiệu của ông gần đại lộ Champs Elysees và chọn một khẩu Browning 9mm, ông cũng chẳng có ấn tượng gì đặc biệt. Chỉ khi hỏi tên khách để điền vào tờ đăng ký theo quy định, ông mới há hốc mồm: “Ivar Kreuger".

Hôm nay không mấy ai biết đến cái tên đó, trừ phi đã dùng điện thoại di động Ericsson, nhưng sinh thời Ivar Kreuger không chỉ là vua diêm, mà một nửa châu Âu là con nợ của ông với những khoản tín dụng hàng triệu USD. Có một sự kiện mà ở thời điểm đó không ai đoán ra: đế chế tài chính của Ivar Kreuger đang đứng trước bờ vực phá sản, và khi vị vua diêm này rời khỏi cửa hiệu bán súng, cuộc đời ông chỉ còn được tính bằng giờ. Ngày hôm sau, người ta tìm được xác ông trong căn hộ trên phố Victor Emanuel.

Cho đến lúc ấy, cả thế giới ngưỡng mộ sự nghiệp thăng tiến chóng mặt của Kreuger. Ông ra đời năm 1880 ở Kalmar (Thụy Điển) trong một gia đình giàu có, cha là chủ một nhà máy diêm. Tuy nhiên Kreuger không hứng thú với buôn bán mà theo đuổi định hướng kỹ thuật và lấy bằng kỹ sư khi chưa đến tuổi 20. Sau các chặng dừng chân ở Mexico, Ấn Độ, Anh, ông trụ lại khá lâu ở Nam Phi để làm giám đốc điều hành khu khách sạn lớn nhất thế giới. Ngày đó Kreuger mới 23 tuổi. Chưa đủ đất dụng võ, Kreuger lấn sang lĩnh vực xây dựng với Công ty Kreuger & Toll ở Thụy Điển, buôn bán bất động sản, bắt tay với công nghiệp làm phim và truyền thông, và từ 1913 thừa kế nhà máy diêm của cha. 
   



Quan tài Kreuger được chuyển từ Paris về Stokholm. Ít người tin là ông tự sát. Nghi vấn chĩa vào vô số địch thủ, từ Wallenberg (nhà công nghiệp Thụy Điển) cho đến nhà băng Mỹ J.P. Morgan

Tiền, tiền, tiền

Trên các bức hình, Ivar Kreuger là một người đàn ông cương nghị, mắt sáng, thông tuệ. Một cộng tác viên gần gũi ông kể lại: “Ivar Kreuger có hào quang của một người phi thường. Tôi tin là ông ấy có thể thuyết phục được bất kỳ ai làm bất kỳ việc gì".

Thế chiến 1 đã biến nhà sản xuất diêm Thụy Điển thành nhà tài phiệt tầm quốc tế. Linh tính sáng suốt mách bảo cho ông biết châu Âu cần gì nhất sau khi ngừng tiếng súng: tiền! Và ngày đó chỉ có Hoa Kỳ đủ tài lực.

Năm 1922 ông đi tàu thủy qua Mỹ. Ngay trên chiếc tàu hơi nước xa xỉ, ông đã có sô diễn đầu tiên, mở đầu cho chuỗi thành công về sau. Kreuger làm mê hoặc các hành khách giàu có trên tàu bằng tài diễn thuyết kiệt xuất với năm thứ tiếng, khiến ai cũng muốn tìm hiểu một địa hạt xa lạ là sản xuất diêm và các món hời tiềm tàng. Ông mua chuộc tay kỹ sư phụ trách truyền thanh trên tàu để chiếm diễn đàn nhiều giờ liền, tạo cảm giác đang tiến hành các phi vụ khổng lồ. Vừa đặt chân tới Mỹ, Kreuger đã là đề tài số 1, nhờ các du khách nặng ký tung tin về “người Thụy Điển bí ẩn".

Kreuger chiếm lĩnh thị trường tài chính một cách đơn giản: ông kiếm được tín dụng rẻ ở Mỹ rồi cho vay tiếp sang châu Âu. Tuy nhiên Kreuger không chỉ muốn nhắm đến khoản lãi suất chênh lệch, mà đòi được độc quyền bán diêm ở các quốc gia con nợ. Hầu như không ai từ chối lời mời có vẻ “ngon ăn“ đó. Pháp vay 75 triệu USD từ Kreuger, Hungary 35 triệu, Ba Lan 33 triệu. Nước Đức khốn khó ở thời điểm 1930 là con nợ lớn nhất: 125 triệu USD với lãi suất rẻ khó tin là 6%.  

Trong nháy mắt, Kreuger trở thành vua diêm ở nhiều quốc gia và kiểm soát 75% công nghiệp làm diêm toàn thế giới, và ông không dại gì không tận dụng vị thế đó. Giá diêm tăng dần, dù là hàng triệu người tiêu dùng không nhận ngay ra điều đó. Song diêm là vật dụng phổ biến nhất hằng ngày, không ai từ bỏ được! Cái gọi là “cạnh tranh không lành mạnh“ chưa xuất hiện trong từ điển kinh doanh ngày ấy. Cổ phiếu của Kreuger đem lại lãi suất 25%, và ông vua Kreuger dần mang sắc thái của Louis XIV. Một nhân viên thuật lại cách Kreuger điều hành phiên họp cổ đông: “Kính chào quý vị. Kreuger & Toll đã quyết định tăng vốn riêng thêm 12 triệu cu-ron. Có ai ý kiến gì không ạ? Tốt. Cảm ơn quý vị. Tạm biệt”. Bản thân Kreuger cũng mô tả bí quyết thành công của mình khi tạo ra một mạng lưới mờ ảo với 75.000 nhân công tại 300 công ty lớn nhỏ trong sản xuất diêm, khai thác vàng, Hãng truyền thông Ericsson, nhà máy giấy…: ”Im lặng, im lặng và im lặng”.



Sau khi Kreuger chết, một phần công nghiệp diêm chuyển sang tay Swedish Match, hôm nay vẫn là nhà sản xuất diêm số 1 thế giới

Đế chế sụp đổ

Năm 1929 là thời điểm bi thảm cho Kreuger, khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra. Thoạt tiên có vẻ nguy cơ không lớn, khi 17 quốc gia nợ Kreuger ngót 300 triệu USD. Tuy nhiên ngày càng nhiều nợ xấu. Khi các cổ đông bắt đầu sốt ruột, Kreuger gọi họ đến họp tại Paris ngày 12/3/1932.

Khi mọi người đông đủ, một cộng tác viên chạy sang nhà Kreuger và phát hiện ông nằm trên sàn với một phát đạn xuyên tim. Cho đến nay vẫn tồn tại nhiều nghi vẫn: tại sao khẩu súng nằm trong tay trái, khi Kreuger thuận tay phải?

Nhà kinh tế học nổi tiếng John Maynard Keynes gọi Kreuger là “thiên tài tài chính lớn nhất mọi thời“. Nhưng không lâu sau, nhiều chi tiết mờ ám đã đem lại vết đen trong lý lịch của thiên tài đó. Đế chế Kreuger cũng không sống thêm được lâu sau cái chết của người sáng lập. Đa số các cổ đông bán tháo cổ phiếu, gây hiện tượng “Kreuger Crash“ trong lịch sử thị trường tài chính toàn cầu. Sau vụ này, Hoa Kỳ phải lập cơ quan giám sát tài chính nghiêm ngặt hơn, cho dù nó cũng không tiên lượng được các Kreuger mới như Lehman Bros. sau này. 

Các con nợ của Kreuger còn vật vã khá lâu. Đức còn phải duy trì độc quyền bán diêm cho Kreuger đến tận 1983. Ngay sau đó, giá diêm hạ đột ngột 33%.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm