Sự kiện Obama chụp ảnh 'tự sướng' trong lễ tang Mandela: Một trào lưu khó cưỡng?

12/12/2013 07:34 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) -Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khiến người Nam Phi xúc động khi cất lời ca tụng Nelson Mandela trong lễ tang của ông tổ chức hôm 10/12. Nhưng rồi ông lại chọc giận dư luận với màn chụp ảnh "tự sướng" cùng 2 nguyên thủ khác, dù giới quan sát cho rằng ông Obama chỉ là "nạn nhân" của một trào lưu đang lên trong thời đại số.

Trong một khoảnh khắc chân thực được nhiếp ảnh gia hãng tin AFP là Roberto Schmidt ghi lại, người ta thấy Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt giơ cao chiếc điện thoại thông minh của bà. Ông Barack Obama đã giơ một tay ra đỡ lấy điện thoại, khi hai ông bà tạo dáng và "cười toe" để chụp ảnh cùng Thủ tướng Anh David Cameron.



Hình ảnh 3 nhà lãnh đạo chụp ảnh "tự sướng" đang gây bão tố

Đi chệch kịch bản

Vấn đề là cả ba nguyên thủ đã có màn "chụp ảnh tự sướng" tại sân vận động FNB ở Soweto, nơi đang diễn ra lễ tang cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, người qua đời tuần trước ở tuổi 95. Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama, dù ngồi cạnh họ, đã không tham gia vào màn "tự sướng". Thay vì thế, bà hướng mắt về phía sân khấu, nơi các lãnh đạo thế giới đang ca ngợi người hùng chống chủ nghĩa Apartheid của Nam Phi.

Màn chụp ảnh tự sướng kể trên (tiếng Anh gọi là selfie - viết tắt của từ self-portrait), đã nhanh chóng được các hãng tin lớn của thế giới đưa tin và lan truyền trên mạng xã hội. Không ít người đã chất vấn rằng có phải các nhà lãnh đạo trên đang cư xử không phù hợp.

“Lẽ ra người ta phải tạm ngưng việc chụp ảnh tự sướng trong các lễ tưởng niệm và các lễ tang chứ nhỉ? Không phải vậy à?" - người dùng Twitter có nick @JeffryHalverson viết. “Đây có phải màn "chụp ảnh tự sướng" quan trọng nhất năm 2013?" - là tiêu đề xuất hiện trên mạng xã hội Buzzfeed có trụ sở ở Mỹ . Buzzfeed cho biết bà Michelle Obama dường như không thấy buồn cười trước màn chụp ảnh này.

Bức ảnh còn xuất hiện trên trang nhất của hàng loạt tờ báo Anh như The Times, The Daily Telegraph và Daily Mirror. Hiển nhiên báo chí Anh đã không tiếc lời chỉ trích ông Cameron, nói rằng ông không thể hiện sự kính trọng với người đã khuất. "Kính trọng bằng không chụp ảnh tự sướng" là tiêu đề chùm ảnh đăng trên tờ Sun. Trong khi đó tờ Mirror gọi ông Cameron là "khờ dại" vì tham gia chụp ảnh.

Tờ Daily Mail gọi sự kiện này là hành động "vượt xa khỏi hình ảnh chính khách mà người ta có thể tưởng tượng". Tờ Independent thì đăng bài xã luận nói rằng: "Nhiều năm sau, khi các lãnh đạo nhìn lại bức ảnh tự sướng, họ sẽ băn khoăn tự khỏi mình đang làm cái quái gì vậy? Chúng ta là các lãnh đạo thế giới, không phải một đám trẻ trâu tuổi teen thích vui đùa".

Tại Mỹ, tờ Washington Post cũng đăng bức ảnh, kèm bài viết xuất hiện tại mục Chính trị, cho thấy nó lan tỏa mạnh ra sao. "Tất cả những chuyện này giống như lời nhắc nhở chúng ta, nếu chúng ta cần sự nhắc nhở, rằng ngay cả các chính trị gia đã chuẩn bị kế hoạch kỹ lưỡng cũng thường đi lạc lối trong thời đại của mạng xã hội" - Tờ Post kết luận.



Bức selfie đầu tiên của thế giới, do Robert Cornelius tự chụp mình vào năm 1839

Ai cũng có nhu cầu chụp selfie

Với Roberto Schmidt, các bức ảnh của ông đơn giản chỉ cho thấy các nguyên thủ ở trong trạng thái tự nhiên của họ. "Thật thú vị khi được thấy các chính trị gia dưới ánh sáng rất "người" như vậy, bởi thường thì chúng ta sẽ thấy họ ở trong một môi trường được kiểm soát chặt. Có thể đây sẽ chẳng là vấn đề gì nếu chúng tôi, với tư cách báo chí, được tiếp xúc nhiều hơn với các quan chức và cho thấy họ cũng bình thường như tất cả chúng ta" - ông nói.

Được biết hành động chụp ảnh tự sướng đã trở nên khá phổ biến trong mấy năm gần đây. Theo Daily Mail, từ selfie mô tả hành động này xuất hiện lần đầu trong một phòng chat ở Australia vào tháng 9/2002 trước khi bắt đầu được biết đến trên Flickr năm 2004 và rất được giới trẻ ưa chuộng. Nhưng phải gần 10 năm sau selfie mới được công nhận khi được đưa vào từ điển Oxford vào tháng 8/2013.

Năm nay, từ selfie cũng đã được những người biên soạn từ điển Oxford chọn là từ của năm. Theo từ điển, selfie có nghĩa "một bức ảnh mà một người tự chụp mình, thường bằng điện thoại thông minh hoặc webcam, rồi tải lên một trang mạng xã hội".

Tuy nhiên theo Telegraph, hành động chụp ảnh selfie đầu tiên đã diễn ra từ năm 1839. Khi đó nhà hóa học và là nhà tiên phong về phép chụp hình Robert Cornelius đã tự chụp bản thân bên ngoài cửa hàng của gia đình ông ở Philadelphia, Mỹ.

Và xét trên phương diện nào đó, tự ghi lại hình ảnh của mình là hành động không mới. Rembrandt, Raphael cùng Van Gogh đều đã tự vẽ chân dung mình. Andy Warhol còn chụp vài tấm selfie khi máy ảnh Polaroid xuất hiện trong những năm 1970.

Nhưng chính nhiếp ảnh thời kỹ thuật số đã khiến làn sóng selfie bùng nổ mạnh và các mẫu điện thoại thông minh, như iPhone 4 có camera ghi hình ở mặt trước, xuất hiện trong năm 2010, đã biến chụp ảnh selfie trở thành một hiện tượng toàn cầu như hiện nay.

Vậy vì sao chúng ta lại chụp ảnh "tự sướng". Nhà văn Mỹ John Paul Titlow châm biếm rằng hành động giống như "một cuộc thi xem ai được ưa thích hơn ở trường trung học, có thêm kích thích tố kỹ thuật số". Nhưng nhà tâm lý Stephen Grosz cho tờ Telegraph biết rằng động lực chính là sự hoài cổ. "Nếu chúng ta chụp ảnh dạng selfie, chúng ta đang ghi lại cuộc đời mình, dưới dạng một chuỗi các bức ảnh chân dung, qua đó lưu lại thời gian đã trôi qua" - ông nhận xét.

Roberto Schmidt đã lo ngại rằng tác động của bức ảnh ghi cảnh 3 nguyên thủ cùng nhau chụp selfie có thể phủ bóng lên hoạt động tôn vinh Nelson Mandela, con người được ông gọi là "đặc biệt hiếm có". "Đội phóng viên của AFP đã nỗ lực vất vả để thể hiện phản ứng của người dân Nam Phi khi người mà họ xem là cha qua đời" - ông nói.


Tường Linh
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm