Sòng bạc Nga: Chịu “lưu đày” hay chui lủi?

04/07/2009 14:00 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Đến hết ngày 7/7 tại Moskva, số điện thoại nóng 633-62-62 hoạt động suốt 24 giờ để người dân gọi đến tố giác. Mỗi phường có một đội thanh tra hùng hậu với sự tham gia của cảnh sát. Các nghị sĩ của thành phố đề nghị sửa lại Bộ luật Hình sự để nâng án phạt lên 7 năm tù. Trên đường phố, các biển quảng cáo có dòng chữ “Chơi và thắng” bị gỡ bỏ… Đó là những biện pháp mà chính quyền thủ đô nước Nga áp dụng để “tống khứ” các sòng bạc theo một sắc lệnh mà ông Vladimir Putin ký năm 2006, khi còn làm tổng thống.
Một sòng bạc đang được thu dọn
 
Lệnh “đày biệt xứ”

Theo sắc lệnh nói trên, 4 ngày qua, tất cả các sòng bạc đã ngừng hoạt động trên toàn lãnh thổ Nga, ngoại trừ bốn “đặc khu” ở tỉnh Kaliningrad, vùng Primorie, khu Altai và vùng Kuban. Như vậy là giới kinh doanh các trò đỏ đen đã nhầm khi nghĩ rằng cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ khiến chiến dịch làm trong sạch xã hội của chính quyền bị chậm lại. Tới hạn chót vào ngày 1/7, bốn “đặc khu cờ bạc” vẫn chưa sẵn sàng đón nhận khách. Nói đúng hơn, chưa một đồng xu nào được đầu tư vào các “Las Vegas Nga”.

Sòng bạc được báo chí phương Tây coi là “biểu tượng của nước Nga hậu Xô Viết”. Ngành “vui chơi có thưởng” ở nước này mỗi năm mang lại cho ngân khố gần 2 tỷ USD và thu nạp khoảng 500.000 nhân viên. Riêng Moskva có 29 sòng bạc rất hoành tráng và hơn 500 điểm kinh doanh đỏ đen khác. “Mật độ cờ bạc” tại thủ đô Nga được xếp vào loại cao nhất thế giới.

Ông Vladimir Putin đầy quyết tâm chống lại “thói xấu của con người”. Ý tưởng này nảy sinh vào những năm nước Nga “tắm trong đô-la dầu mỏ” và không hề bị lung lay trong thời kỳ khủng hoảng. Vị Thủ tướng cho rằng việc đẩy các sòng bài ra khỏi những đô thị và làng mạc sẽ làm giảm máu đỏ đen đang tăng lên trong dân chúng, giúp kiểm soát được ngành kinh doanh cờ bạc vốn có mối quan hệ mật thiết với giới tội phạm.

Tuyệt đại đa số dân chúng ủng hộ quyết định của chính quyền. Cuộc thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu ý kiến xã hội toàn Nga (VSIOM) cho thấy 94% người dân không chơi các trò đỏ đen và chẳng nuối tiếc về việc đóng cửa các sòng bạc. Chỉ 6% công dân thừa nhận “thích vui chơi có thưởng” nhưng không định đến các “đặc khu” để đánh bạc. 70% số người được hỏi cho rằng, việc tách sòng bạc ra khỏi các thành phố và làng mạc có lợi nhiều hơn hại. Chỉ 14% có ý kiến ngược lại. Năm 2006, số người phản đối cao hơn - 18%.

Mặt khác, các chuyên gia tâm lý cũng chuẩn bị đón nhận một lượng khách hàng không nhỏ - những người có máu đỏ đen không còn nơi sát phạt nhau hoặc đơn giản hơn là để “giao lưu kết bạn cùng sở thích”. Họ cần được điều trị trong một thời gian để giảm dần sự phụ thuộc vào cờ bạc.

Sở Lao động Moskva còn có kế hoạch bố trí việc làm cho các nhân viên sòng bạc. Họ sẽ được tiếp nhận vào hệ thống khách sạn đang phát triển mạnh tại thủ đô.

“Đi đày” hay chui lủi?

Ngân khố Nga chịu thiệt hại nặng nề từ chiến dịch bài trừ cờ bạc - gần 2 tỷ USD tiền thuế. Khoảng 500.000 người mất việc làm vì họ không thể chuyển đến các “đặc khu”. Hơn nữa, từ nay cho đến khi Nga có một “Las Vegas” của riêng mình, cần mất 2 năm và khoản đầu tư 40 - 45 tỷ USD, điều gần như không tưởng trong thời kỳ khủng hoảng.
 
Những tấm biển "Sòng bạc đóng cửa"

Samulin Binder, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển kinh doanh sòng bạc Nga, phàn nàn: “Các đặc khu cờ bạc như những bào thai chết lưu. Hãy so sánh với Olympic mùa Đông Sochi 2014. Chúng ta chuẩn bị 7 năm và chi 16 tỷ rúp (hơn 500 triệu USD). Mà ở đó đã tồn tại một thành phố với đầy đủ đường sá, hệ thống điện, khí đốt. Chính phủ vẫn sẵn sàng đầu tư vào các doanh nghiệp kiểu như “AvtoVaz” (chế tạo ô tô) mà chẳng thu về được gì, song lại không hề chi tý nào cho ngành kinh doanh cờ bạc”.

Ông Binder khẳng định rằng các “đặc khu cờ bạc” phải ở gần khách hàng, chẳng hạn như Ramenskoye (ngoại ô Moskva). Các nhà đầu tư cũng sẵn sàng đổ tiền vào đó. Còn “đày” tận Siberia và vùng “rìa” phía Nam thì có nghĩa là hủy diệt ngành kinh doanh siêu lợi nhuận này. Theo ông, có hai trường hợp sẽ xảy ra. Thứ nhất: Sau vài năm, nhà nước sẽ khôi phục và tham gia ngành kinh doanh cờ bạc. Thứ hai: Các điểm kinh doanh đỏ đen sẽ lui vào bí mật hoặc lánh sang nước ngoài.

Báo chí Nga cũng nhận thấy rằng khó thể một sớm một chiều đẩy các điểm kinh doanh cờ bạc đến vùng sâu, nơi hoàn toàn chưa được đầu tư cơ sở vật chất trong khi nhu cầu của người “có máu đỏ đen” vẫn còn nguyên. Các chủ sòng bạc đã quen với khoản lợi nhuận kếch sù không hứng thú với việc chuyển đổi sang câu lạc bộ đánh bài tây (mà các câu lạc bộ này cũng bị Thị trưởng Moskva Yury Luzhkov đe dọa cấm đoán), sửa máy đánh bạc thành máy bán vé xổ số. Khách hàng của các sòng bạc cũng không sẵn lòng đến các “đặc khu cờ bạc” xa xôi.
 
Như vậy có nghĩa là các sòng bạc sẽ ẩn mình trong các câu lạc bộ, nhà hàng, khách sạn. Không loại trừ khả năng các chủ sòng bạc sẽ tổ chức kinh doanh ở điểm “trung gian” - trên những con tàu neo đậu cách hải phận Nga 200 hải lý.
 
Trần Quang Vinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm