Sở thú… người

09/04/2013 09:25 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Được mua với giá nửa cân muối và một bịch quần áo, Ota Benga sang Bắc Mỹ như một đồ vật kỳ lạ để mua vui cho khán giả tại Sở thú New York. Giá phải trả cho trò tiêu khiển vô nhân đạo đó là chính cuộc sống của nạn nhân.

Bi kịch của nền văn minh

5 giờ chiều ngày 20/3/1916, Ota Benga nhóm một đống lửa trước căn lều mà anh vẫn chui ra chui vào. Sau đó người lùn cởi quần áo, chỉ để lại một mảnh khố, bắt đầu một điệu nhảy và cất tiếng hát một bài truyền thống của người Pigmee. Như công việc thường nhật, chỉ khác là đến đoạn cuối Ota Benga lôi ra khẩu súng lục mà anh ăn trộm được lúc sáng và giấu dưới nệm cỏ khô, ấn nòng súng vào tim rồi bóp cò.


Ota Benga, 28 tuổi, cao 149 cm, nặng 51 cân, do TS Samuel P. Verner đem từ Congo về

Cuộc đời 32 năm của con người bất hạnh ấy chấm dứt, và đánh dấu kết thúc một cuộc hành hạ bởi những con người tự mệnh danh là văn minh. Số phận của Ota Benga điển hình cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đội danh khoa học đầu thế kỷ 20, cho hành vi bóc lột và khinh rẻ con người, và cho lòng tham vô độ của các ông chủ thực dân. Đó chính là những kẻ nhân danh “khai hóa“ để giằng đồng loại của mình khỏi mảnh đất quê hương, đem trưng bày họ như những con thú hoặc dùng để chứng minh nguồn gốc con người từ vượn. Ota Benga, một con người bị định giá bằng nửa cân muối và một bịch quần áo.

“Đã tìm ra người Pigmee đầu tiên!“, nhà truyền giáo Samuel Phillips Verner tưng bừng báo tin trong thư viết ngày 30/3/1904 gửi cho William John McGee. Là một nhà khoa học, McGee vui mừng đón nhận “hiện vật“ quan trọng nhất cho phòng trưng bày kết quả nghiên cứu nhân chủng học tại Triển lãm Thế giới ở St.Louis (Missouri).

McGee đang theo đuổi một kỳ vọng lớn và tung thuộc hạ đi dò la khắp mọi châu lục: triển lãm các chủng người, “từ giống người lùn cho đến các chủng tộc cao lớn, từ màu da đen nhất cho đến màu trắng ưu việt“! Trong nhóm truy lùng ấy, nhà truyền đạo Verner nhận nhiệm vụ khó nhất.

Theo lời tả lại trên tờ New York Sun, ông phải vật lộn với khí hậu khắc nghiệt, thú dữ hoang dại và các bộ lạc rừng rú để tìm cho được giống người kém tiến hóa. Verner mua Ota Benga ở một chợ nô lệ giữa rừng già Congo, ngày ấy là thuộc địa Bỉ, sau khi quân của vua Leopold đệ nhị kéo đến tàn sát cả làng, trong đó có vợ và hai con của Ota Benga. Trong thư hỏa tốc gửi về nhà, Werner giới thiệu “chiến lợi phẩm“ của mình là nhanh như mèo, dẻo dai như khỉ, và cực kỳ khỏe mạnh với chiều cao 149cm.


“Triển lãm người“ ở Berlin 1931 với bộ tộc Sara Kaba (Trung Phi)

Áo lông mùa Hè, khố mùa Đông

Cùng Ota Benga còn 4 người nữa từ bộ lạc Batwa và 5 người da đen khác không rõ xuất xứ bị quẳng lên tàu biển đưa từ Congo về Bắc Mỹ. Hè 1904, cả nhóm xuất hiện tại Triển lãm Thế giới. Và Ota Benga nhanh chóng trở thành nam châm hút tiền vì thanh niên bộ tộc Batwa có tập tục mài răng cho nhọn hoắt như răng cá sấu, và cũng vì thế được giới thiệu như “kẻ ăn thịt người duy nhất ở châu Mỹ"

Triển lãm Thế giới năm ấy “trưng bày" khoảng 200 người từ mọi chủng tộc làm thí dụ trực quan cho cái gọi là “quá trình tiến hóa từ mọi rợ lên hiểu biết, từ hoang dã đến văn minh" mà đỉnh cao là chủng da trắng. Để thêm phần dị biệt và làm vui mắt khách hội chợ, người Inuit giữa mùa Hè bị cấm bỏ áo khoác lông thú, và người Pigmee vốn quen nắng nóng thì giữa mùa Đông vẫn mình trần đóng khố.

 Sau 6 tháng làm trò trong sở thú, bị người xem hiếu kỳ nắn bóp và giễu nhạo, cả nhóm Pigmee được “hậu thưởng" 8,35 USD (theo thời giá hiện nay là khoảng 200 USD), còn nhà truyền giáo Verner được tặng huy chương Vàng!

Verner cùng các “hiện vật" của mình lên tàu thủy trở về Congo, nhưng Ota Benga không bao giờ tái hòa nhập được vào cuộc sống quê nhà. Ở đó anh lấy vợ thứ hai, nhưng người này bị rắn cắn chết. Cực chẳng đã, anh xin quay về với Verner trên một chuyến tàu với nhiều giống vật châu Phi khác.

Vốn luôn thiếu tiền, Verner bán Ota Benga cho Bảo tàng Tự nhiên học New York. Từ đó trở đi, anh đóng khố đi lại giữa các mẫu hổ báo nhồi trấu, xương voi mammut... như một tiêu bản sống. Dần dần Ota Benga ý thức được vị thế khốn khổ của mình, tìm cách trốn và đã có lần định đánh một nhà tài trợ của bảo tàng, khiến họ trả lại cho Verner. Ông này kiếm được khách mới và cho Sở thú Brox (New York) thuê dài hạn với giá 275 USD. Giám đốc Sở thú là William Temple Hornaday mắc một cái võng cho Ota Benga nằm trong chuồng đười ươi. Ngoài song sắt có biển “Ota Benga, 28 tuổi, cao 149 cm, nặng 51 cân, do TS Samuel P.Verner đem từ Congo về“. Tờ New York Times đếm được 40.000 khách trong một buổi chiều Chủ nhật năm 1906!

Nấc dưới cùng của bậc thang tiến hóa

Đó là người thật à? Câu hỏi bột phát không chỉ từ miệng trẻ con khi nhìn thấy Ota Benga. Nhân viên trông thú tiêu khiển bằng cách đuổi anh chạy trong khuôn viên, ngáng cho ngã hoặc lấy gậy đâm. Không có gì lạ, từ một người nhút nhát Ota Benga ngày càng hung dữ; anh dùng cung và tên để chống cự, làm bị thương một số khách tham quan.

“Chủng tộc da đen đã bị giày xéo quá đủ, chưa cần phải bị trưng bày cùng khỉ“, Giám đốc trại mồ côi James H.Gordon lên tiếng. Ngược lại với quan điểm ấy là tờ New York Times: “Chúng tôi không hiểu vì sao người ta lại ầm ĩ lên vì Ota Benga“, một phóng viên viết trong số ra ngày 11/9/1906. “Người Pigmee ở nấc dưới cùng của bậc thang tiến hóa, và những người đề nghị cho Ota Benga đến trường thay vì ngồi ở Sở thú có lẽ không biết rằng đi học là hành hạ anh ta. Quan niệm cho rằng mọi người đều bình đẳng và phải được tiếp cận giáo dục một cách công bằng là sai lầm"

Nhưng các tu sĩ da đen rốt cuộc đã giải phóng được Ota Benga và đưa về sống cùng Gordon. Họ sửa lại răng cho anh, cho mặc quần áo bình thường và đưa về nông thôn. Ở đây anh đến trường học tiếng Anh và sau đó vào làm tại một nhà máy thuốc lá. Nhưng con người bị giằng xé giữa hai nền văn hóa ấy không bao giờ lành được những vết thương quá sâu. Ota Benga nuôi ý chí quay về Congo, ngặt nỗi Thế chiến thứ I nổ ra đã làm tan mọi dự định.

Mùa Xuân 1916 Ota Benga có khách: một nhóm trẻ con đến rủ anh vào rừng đi săn. Nhưng anh không mở miệng trả lời. Mắt đẫm nước, anh xua lũ trẻ khỏi lều. Và khi chúng đã ra đi, Ota Benga ra trước lều nhóm một đống lửa...

Mộ Ota Benga không có bia.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm