Quạt giấy 'thổi ngã' bộ trưởng Nhật Bản

21/10/2014 07:15 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Trong cái nóng nực khó chịu của mùa Hè ở Nhật Bản, những chiếc quạt giấy rẻ tiền là món đồ xuất hiện khắp nơi, thường được phát miễn phí tại các sự kiện thể thao ngoài trời hay ở các ga tàu đông người qua lại. Chẳng ai ngờ vào ngày 20/10, quạt giấy đã “đốn” ngã một chính trị gia cao cấp tại đất nước này.

Một trong hai nữ bộ trưởng Nhật Bản từ chức vào ngày 20/10 do phạm luật bầu cử là Bộ trưởng Tư pháp Midori Matsushima. Bà bị cáo buộc đã phân phát một lượng lớn quạt giấy tới các cử tri.

Hối lộ cử tri hay không?

Mỗi chiếc quạt giấy này có giá rất rẻ, chỉ khoảng 80 yen (0,7 USD) ở Nhật Bản. Tuy nhiên việc phân phát chúng đã khiến bà Matsushima vướng vào luật cấm tặng quà cho cử tri của Nhật Bản. Ông Koichi Nakano, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sophia ở Tokyo cho biết luật chống tặng quà là di sản của một thời kỳ mà tệ mua bán phiếu bầu diễn ra phổ biến ở Nhật Bản.

Những chiếc quạt này, có tên “uchiwa”, là một mảnh giấy dán trên một khung tre hoặc nhựa. Quạt uchiwa truyền thống là các tác phẩm nghệ thuật hết sức đẹp mắt. Nhưng uchiwa thời hiện đại chỉ là mặt hàng rẻ tiền, thường có in biểu tượng của một công ty hoặc gắn kèm theo các nội dung quảng cáo.


Nghị sĩ đảng đối lập giơ chiếc quạt giấy ra trước mặt bà Midori Matsushima

Trong cuộc tranh luận diễn ra vào cuối tuần trước tại Quốc hội, các thành viên của đảng Dân chủ Nhật Bản (DJP) đối lập đã giơ chiếc quạt lên cho các đại biểu xem. Trên một mặt của chiếc quạt có hình vẽ bà Matsushima mặc chiếc áo đỏ nổi tiếng và đang mỉm cười. Mặt còn lại của chiếc quạt là một danh sách các dự luật.

Theo lá đơn kiện do đảng DJP gửi tới cơ quan công tố Tokyo, bà Matsushima bị cáo buộc đã tặng gần 22.000 chiếc quạt giấy cho các cử tri thuộc khu vực bầu cử mà bà đại diện và việc tặng quà bắt đầu từ năm 2012. Tổng cộng bà đã tiêu 1,45 triệu yen (13.500 USD) để làm ra số quạt trên. “Không nên xem chúng chỉ như những chiếc quạt giấy” - thành viên DPJ Takeshi Shina nói - “Đây là một dạng tặng quà rất tinh vi và bà Matsushima đã có được danh tiếng theo cách thức rất không công bằng”.

“Tôi không nghĩ mình đã có hành động phạm pháp” - Matsushima nói trong một cuộc họp báo diễn ra hôm 20/10. Bà nói rằng những chiếc quạt chỉ được phát tại các sự kiện tổ chức ở khu vực bầu cử của bà, đóng vai trò như một dạng tờ rơi, giúp cung cấp thông tin cho cử tri. Tuy nhiên bà vẫn quyết định từ chức, để sự việc không biến thành một trở ngại mới giữa các phe trong Quốc hội.


Ông Shinzo Abe từng được ca ngợi vì đã đưa tới 5 người phụ nữ vào nội các

Đòn đau cho chính quyền

Cùng ngày bà Matsushima từ chức, nữ bộ trưởng thứ hai trong nội các Nhật Bản là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Yuko Obuchi cũng có quyết định tương tự. Vụ “ngã ngựa” của bà Obuchi bắt đầu từ tuần trước, khi có tin nói bà đã dùng tiền quỹ chính trị để mua các bộ trang điểm và phụ kiện thời trang để tặng những người ủng hộ mình. Trước đó đã xuất hiện cáo buộc rằng bà bỏ tiền để hỗ trợ nhiều cử tri tại khu vực bầu cử của mình đi xem biểu diễn nghệ thuật. Người ta nói bà đã chi số tiền lên tới hàng trăm ngàn đô la trong vòng vài năm. Các hành động này đều phạm vào luật chống mua phiếu bầu của Nhật Bản.

"Với tư cách Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, tôi không được phép để cho các chính sách kinh tế và năng lượng bị đình trệ vì vấn đề của cá nhân mình” – bà Obuchi nói trong một cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp hôm 20/10 khi công bố quyết định từ chức của mình.

Với sự từ chức của 2 nữ bộ trưởng trên, nội các của Thủ tướng Shinzo Abe giờ chỉ còn 3 nữ bộ trưởng và đây là một tổn thất lớn đối với ông. Hồi tháng 9 năm nay, ông Abe từng được ca ngợi khi đưa tới 5 người phụ nữ vào bộ máy điều hành đất nước. “Tôi đã chỉ định 2 người đó vào ghế bộ trưởng. Với tư cách Thủ tướng, tôi chịu trách nhiệm và vô cùng xin lỗi vì đã để tình huống này xảy ra” - ông Abe nói với các phóng viên.

Vụ từ chức kép là sự cố lớn đầu tiên của ông Abe kể từ khi giành chiến thắng áp đảo hồi tháng 12/2012, chấm dứt một thời gian dài Nhật Bản nằm dưới sự điều hành của các chính quyền yếu ớt, thiếu ổn định, với các vị thủ tướng được thay thế gần như chỉ sau có 1 năm cầm quyền.

Trong khi các nhà bình luận đồng tình rằng bê bối mới sẽ không đánh dấu chấm hết với Abe, họ cảnh báo ông đã ở vào tình thế có thể bị tổn thương. “Đây là sự cố lớn đầu tiên của ông Abe” - Tomoaki Iwai, giáo sư chính trị tại Đại học Nihon ở Tokyo nhận xét – “Tỷ lệ tín nhiệm của ông Abe sẽ tụt giảm và ông sẽ vấp phải sức ép. Nếu tiếp tục mắc các sai lầm tương tự, chính quyền của ông sẽ phải chịu những đòn chí tử”.

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm