"Phép lạ" biến da người thành máu

10/11/2010 13:23 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Các nhà khoa học Canada vừa thành công trong việc biến một cụm tế bào da người thành tế bào máu. Thành tựu mang tính đột phá này cũng có nghĩa người ta sẽ tạo ra những loại máu hoàn toàn phù hợp với bệnh nhân, để giúp họ chống lại những căn bệnh nguy hiểm như thiếu máu và máu trắng.

Các bệnh nhân cần máu để phẫu thuật hoặc chữa trị các căn bệnh liên quan tới máu giờ đã có nguồn cung lý tưởng, lấy từ việc sử dụng một mảng da của chính họ.

Chế máu từ da

Đó là tuyên bố của các nhà khoa học tại Đại học McMaster ở Ontario, Canada. Nhóm nghiên cứu đã lấy tế bào da từ người lớn và một số trẻ sơ sinh rồi chuyển chúng thành tế bào máu bằng cách thêm một gene gọi là OCT4, cùng với một số hóa chất kích thích tăng trưởng máu.


Kỹ thuật chuyển đổi mới có thể giúp tạo tế bào máu từ tế bào da

Tùy thuộc vào loại hóa chất sử dụng, tế bào da sẽ trở thành nhiều loại tế bào khác nhau, khi kết hợp với nhau sẽ tạo nên máu thông thường, hoàn toàn sạch sẽ và an toàn. Chúng bao gồm các tế bào hồng cầu trẻ, vốn chịu trách nhiệm mang khí oxy đi khắp cơ thể, các tế bào bạch cầu chịu trách nhiệm chống vi khuẩn mang bệnh xâm nhập cơ thể và các tiểu huyết cầu giúp máu có khả năng đông lại.

“Nếu bệnh nhân bị thiếu máu, họ chỉ cần tế bào hồng cầu và chúng tôi chỉ cần thay đổi công thức là sẽ có toàn hồng cầu. Nếu ai đó bị bệnh rối loạn đông máu, chúng tôi sẽ tạo ra tiểu huyết cầu”- Mickie Bhatia, giám đốc khoa học tại Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và Ung thư thuộc Đại học McMaster, người là lãnh đạo nhóm nghiên cứu, cho biết.

Điều quan trọng nữa là việc chuyển đổi có thể được tiến hành mà không bị phụ thuộc vào lứa tuổi của bệnh nhân. Bhatia và nhóm nghiên cứu của ông đã sử dụng cả tế bào da từ những người hơn 60 tuổi để chế ra tế bào máu thành công. Các thử nghiệm máu chuyển đổi trong phòng thí nghiệm lên những con chuột cho thấy chúng hoàn toàn không chịu các tác dụng phụ nguy hiểm như hình thành khối u, hiện tượng vốn có thể xuất hiện nếu người ta chuyển hóa tế bào gốc phôi và tế bào vạn năng iPS thành tế bào máu.

Công trình nghiên cứu của họ đã được kiểm chứng và đăng tải trên tạp chí khoa học Nature. Đây cũng là công trình nghiên cứu đầu tiên cho thấy hoàn toàn có thể chuyển đổi tế bào da thành tế bào máu.“Chúng tôi đã chứng minh công thức này hoạt động với da người. Chúng tôi biết nó hoạt động ra sao và còn có thể cải tiến nâng cao quy trình chuyển đổi” - Bhatia nói.


Nhà nghiên cứu Mickie Bhatia (trái) và một cộng sự đang nghiên cứu
về tế bào trong phòng thí nghiệm của trường McMaster.

Cơ hội ứng dụng rộng lớn

Kỹ thuật chuyển đổi mới này được đánh giá là sẽ mang tới lợi ích cho các bệnh nhân bị bệnh liên quan tới máu, bằng cách cung cấp cho họ một nguồn máu mới hoàn toàn phù hợp với cơ thể và không lệ thuộc vào ngân hàng máu. Bác sĩ Cynthia Dunbar thuộc Viện Nghiên cứu Máu, Tim và Phổi Quốc gia ở Maryland, Mỹ, đánh giá việc sản xuất ra máu từ da người có thể khiến những việc như cấy ghép tủy sống và thiếu máu hiến tặng lùi vào dĩ vãng.

Cá nhân Bhatia tin rằng máu chuyển đổi còn mang tới nhiều tiềm năng lớn hơn. “Tôi đã gặp những bệnh nhân bị bệnh bạch cầu cấp. Nếu chúng tôi có thể trích các tế bào da từ họ và biến chúng thành máu khỏe mạnh, sản phẩm máu này có thể chế ngự hoàn toàn căn bệnh. Điều quan trọng hơn, tôi có thể thấy loại máu này sẽ được dùng cho bất cứ ai phải trải qua quá trình hóa trị chống ung thư. Hóa chất và phóng xạ gây ảnh hưởng xấu tới hệ thống máu của cơ thể nên khiến nhiều bệnh nhân phải ngừng chữa trị do hệ thống máu của họ không chịu nổi. Chúng tôi hy vọng kỹ thuật mới của mình sẽ cung cấp một nguồn máu mới khỏe mạnh và an toàn, sẽ giúp họ tiếp tục hóa trị và tiêu diệt khối u” - Bhatia nói với tờ Guardian của Anh.

Nhóm nghiên cứu hiện đang phát triển một phương thức mới để sản xuất một lượng lớn máu, thông qua việc nuôi tế bào da của bệnh nhân trong phòng thí nghiệm trước khi chuyển chúng thành tế bào máu. Trong các thử nghiệm tương lai xa hơn, họ còn có ý định đông cứng và phục hồi máu đã qua quá trình đông lạnh, nhằm tìm kiếm cơ hội bảo quản máu lâu dài, qua đó giải quyết triệt để vấn đề thiếu máu để truyền cho bệnh nhân.

Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm