Ớn lạnh chợ súng lậu trong lòng châu Âu

30/11/2015 06:42 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Bạn cần một khẩu AK ở Bỉ? Không thành vấn đề. Chỉ cần vài trăm euro và một chỗ để giấu nó trên xe hơi, khẩu súng sẽ từ vùng Balkan chảy thẳng vào đất châu Âu, tới tay bạn khi còn nguyên lớp dầu bảo quản.

Một cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh Nam Tư, đề nghị dùng tên giả là Nemac khi nói chuyện với hãng tin Reuters, đã tiết lộ các thông tin trên. Bản thân Nemac không buôn lậu súng, nhưng anh biết những người có thể bán những khẩu súng giống loại được dùng trong các vụ khủng bố Paris diễn ra hôm 13/11 vừa qua.

AK giá 700 euro, súng ngắn giá 150 euro

Lâu nay, mối đe dọa khủng bố chính ở châu Âu vẫn do bom gây ra. Nhưng trong vòng một năm qua, các vụ tấn công do những kẻ cực đoan người Pháp và Bỉ trở về từ Syria thực hiện cho thấy súng đang dần được ưa chuộng hơn bom. Chúng cũng khiến người ta để ý hơn tới các đường dây buôn súng lậu do nhiều băng tội phạm vùng Balkan kiểm soát, với đích đến là trung tâm của châu Âu.

Trong khi nguồn gốc các vũ khí dùng trong vùng tấn công Paris vẫn chưa được rõ, có một điều người ta chắc chắn là súng đạn đang lọt vào tay những kẻ cực đoan. "Có những ngóc ngách, góc tối trong một chiếc xe hơi, nơi bạn có thể giấu một khẩu súng đã được tháo rời" - Nemac nói - "Có người còn giấu súng trong thùng xăng".


Súng AK chuyển lậu vào EU bị lực lượng biên phòng Serbia thu giữ

Bạn của Nemac là Milan thì nêu giá các loại vũ khí được lấy thẳng từ các kho súng nằm trên đất Nam Tư cũ, đất Albania và các vùng khác ở Đông Âu. Theo đó, một khẩu AK-47 sản xuất ở Nam Tư có giá khoảng 700 euro. Các mẫu súng Albania và Trung Quốc có giá rẻ hơn. "Vũ khí gắn được ống hãm thanh có giá cao hơn. Súng tiểu liên dễ che giấu hơn nên cũng đắt hơn nhiều- Milan nói - "Súng ngắn vẫn rẻ, khoảng 150 euro mỗi khẩu".

Danh sách mua sắm này cho thấy phần nào vấn đề mà các lực lượng cảnh sát châu Âu đang phải đối mặt. Tuần trước, ông Rob Wainwright, lãnh đạo tổ chức cảnh sát châu Âu Europol, đã lên tiếng cảnh báo rằng sẽ có thêm các vụ tấn công khủng bố khác, được thực hiện bởi những kẻ dùng súng do các băng tội phạm vùng Balkan bán.

Nhưng mối đe dọa này không phải là mới mẻ. Cũng như mối quan hệ giữa vùng Balkan với Pháp và Bỉ, nơi dữ liệu cảnh sát cho thấy mỗi năm cảnh sát thu giữ gần 6.000 khẩu súng các loại. Vấn đề là nỗ lực trấn áp không thể theo kịp với các vụ khủng bố và sự phổ biến của các tuyến đường buôn lậu, gồm những tuyến mới bắt nguồn từ Libya và Ukraine.

Tháng 5 năm ngoái, Mehdi Nemmouche, một gã trai 29 tuổi mới trở lại từ Syria, đã dùng một khẩu AK-47 để bắn hạ 4 người tại một bảo tàng Do Thái ở Brussels, Bỉ.

Trong vụ khủng bố ở trụ sở tờ báo trào phúng Charlie Hebdo và vụ xả súng tại một cửa hàng của người Do Thái hồi tháng 1 năm nay, súng AK lại được sử dụng. Ngoài ra còn phải kể tới các khẩu AK trong tay 3 kẻ khủng bố khi chúng tấn công nhà hát Bataclan ở Paris vào ngày 13/11 vừa qua.

Vụ này diễn ra chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve công bố kế hoạch chống lại những kẻ buôn lậu vũ khí tới từ Đông Âu. Nhưng những người như Nemac, Milan nghi ngờ các nỗ lực như thế của Pháp và nhiều chính quyền Tây Âu khác sẽ thành công.

Mua vũ khí quân dụng trong vòng nửa giờ

Một viên cảnh sát Serbia giấu tên, chuyên chống buôn lậu vũ khí, nói với Reuters rằng cơ quan điều tra chỉ có thể phá được khoảng 1/3 số vụ buôn lậu súng. Vấn đề nằm ở việc số lượng vũ khí bị buôn lậu quá lớn.

Ông này kể lại chuyện một người đàn ông đi qua biên giới Serbia vào châu Âu và nói rằng mình chỉ là nhạc công, không mang theo gì khả nghi. Nhưng khi kiểm tra xe ông này, cơ quan an ninh thấy một cái lỗ trên bình nhiên liệu, được che đậy dưới một miếng băng dính màu đen.

Kiểm tra cái lỗ này, người ta phát hiện 20 khẩu súng bị tháo rời. Lần khác, nhà chức trách tìm thấy một khẩu súng ngắn nằm trong một miếng bánh mỳ kẹp.

Những siêu vũ khí bí mật của Hitler trong Thế chiến II

Những siêu vũ khí bí mật của Hitler trong Thế chiến II

Trong Chiến tranh thế giới thứ 2, các kỹ sư của Hitler đã bí mật phát triển một số dự án tham vọng nhất và nhanh chóng tạo ra những công nghệ vũ khí tinh vi trước nhiều thập kỷ trong giai đoạn này.


Ước tính có 80 triệu khẩu súng đang nằm trong Liên minh châu Âu. Nhưng chủ yếu các vũ khí này được cấp phép sử dụng sau quy trình xét duyệt chặt chẽ, hoặc thuộc sở hữu nhà nước. Số súng lậu còn lại hầu hết tới từ vùng Balkan.

Việc các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) có biên giới mở với nhau được cho là một trong những nguyên nhân khiến vũ khí và những kẻ cực đoan dễ dàng đi lại trong khối.  Đã có những lời kêu gọi xiết chặt lại hoạt động kiểm soát biên giới, nhưng ngay cả khi việc này diễn ra, vẫn rất khó để tiễu trừ hoàn toàn hoạt động buôn bán súng lậu, đã nở rộ ngay chính bên trong EU.

Thành phố Brussels của Bỉ hiện đã trở thành chợ súng lậu nổi tiếng của EU. "Nếu có từ 500 - 1.000 euro, bạn có thể mua vũ khí quân dụng tại đây (Brussels) trong vòng nửa giờ" - Bilal Benyaich, một chuyên gia chống khủng bố của thành phố cho biết. Việc dễ mua súng khiến Brussels giống như một thành phố của Mỹ hơn là các khu vực khác của châu Âu, nơi súng đạn vẫn được kiểm soát rất chặt.

Cũng cần biết rằng số tiền 1.000 euro mà Benyaich nêu ra đã cao hơn từ 50% hoặc 100% so với giá mua từ gốc. Mức siêu lợi nhuận này khiến súng lậu vẫn tiếp tục lọt vào biên giới châu Âu, bất chấp những rủi ro mà người vận chuyển có thể nhận, nếu bị bắt.

Có lẽ trở ngại lớn nhất mà nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng phải vượt qua khi mua súng lậu, chính là lương tri của những kẻ như Nemac và Milan. "Đây là một hoạt động kinh doanh bẩn thỉu" - Milan nói - "Nhưng không ai từ Serbia, không một người Công giáo nào, lại bán súng cho những kẻ giết người theo Hồi giáo".

EU hiển nhiên không trông chờ vào những lời hứa đó nên đang lên kế hoạch tăng cường kiểm soát vũ khí trên toàn khối. Ngoài ra, dù dòng súng lậu chảy vào châu Âu từ nhiều đường, EU sẽ "ưu tiên" kiểm soát mạnh khu vực Balkan, với hy vọng có thể cải thiện tình hình trong thời gian tới đây.

Tường Linh (Theo Reuters)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm