Nữ tỷ phú Australia sẽ tiếm ngôi "giàu nhất thế giới"?

30/06/2011 14:04 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Tập đoàn Citigroup Global Markets vừa ra báo cáo cho biết danh hiệu người giàu nhất thế giới hiện thuộc về tỷ phú Carlos Slim có thể sẽ không còn tồn tại lâu. Thay vì thế, nó sẽ lần đầu rơi vào tay một phụ nữ, với tên tuổi tới nay vẫn được ít người trên thế giới biết tới.

Georgina H. Rinehart và người chồng đầu tiên của bà ly hôn vào năm 1981. Người chồng thứ 2 qua đời hồi năm 1990, để lại cho bà 4 đứa con thơ. Chưa hết, cha đẻ của bà qua đời hồi năm 1992, để lại cho bà một đế chế khai mỏ đang lâm vào hàng núi nợ nần và nó cũng châm ngòi cho một cuộc chiến giành quyền thừa kế kéo dài 14 năm trời giữa bà và mẹ kế.

Tiền tỷ chảy vào như nước

Bà Georgina H. Rinehart, người được Citigroup dự báo sẽ giàu nhất thế giới

Nhưng Rinehart đã vượt qua tất cả những khó khăn đó, bắt đầu bằng việc thu gom quyền điều hành Công ty Khai mỏ Hancock Prospecting vào tay mình, dàn xếp tranh chấp với mẹ kế. Tiếp đó bà triển khai các chiến lược kinh doanh thông minh và nhờ nhu cầu về thép trên thế giới lên cao vào năm ngoái mà bà được tăng gấp 4 tài sản cá nhân.

Tạp chí Forbes Asia đã ước tính gia sản của bà là 9 tỷ USD, qua đó còn biến bà trở thành người giàu thứ 2 khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ sau tỷ phú thép Ấn Độ Savitri Jindal.

Tuy nhiên những thành tựu đó chưa thấm tháp vào đâu. Citigroup Global Markets, một đơn vị của tập đoàn ngân hàng Citibank ở Mỹ, vừa công bố báo cáo dài 60 trang đánh giá Rinehard sẽ sớm trở thành người giàu nhất thế giới, vượt qua các đối thủ Carlos Slim và Bill Gates.

Báo cáo của Citigroup cho biết trong 400 dự án khai mỏ lớn trên toàn cầu hiện nay, bà Rinehart sở hữu 3 dự án thuộc tốp 10. Chúng gồm mỏ sắt Roy Hill ở Tây Australia, mỏ than Alpha ở Queensland, dự kiến sẽ hoạt động trong năm 2014 và mỏ than Kevin’s Corner, sẽ khai trương vào năm 2013. Điểm đặc biệt nằm ở chỗ tất cả đều thuộc sở hữu tư nhân của Rinehard, do Công ty Hancock Prospecting không có cổ đông. Vì lẽ đó, mọi lợi nhuận do chúng tạo ra sẽ chảy thẳng vào túi bà.

Citigroup ước tính khi đi vào hoạt động, 3 mỏ trên có thể mang về lợi nhuận, sau khi đã trừ hết chi phí sản xuất và những khoản tiền phải chia cho đối tác kinh doanh, lên tới chừng 1,9 tỷ USD mỗi năm. Nếu tăng công suất khai thác, chúng có thể đem lại lợi nhuận tới 2,8 tỷ USD mỗi năm. Một khi cả 3 mỏ đi vào khai thác ở mức công suất lớn nhất và nếu giá khoáng sản vẫn cao như hiện nay, tiền chảy vào túi Rinehart sẽ đạt mốc 10 tỷ USD/năm. Đó là chưa kể tới việc nếu đem công ty ra niêm yết lên sàn chứng khoán, bà sẽ dễ dàng tăng quy mô gia sản lên mức 30 tỷ USD so với hiện nay, tức dễ dàng nằm trong tốp 10 người giàu nhất danh sách của Forbes, hiện đang do tỷ phú Carlos Slim dẫn đầu với 74 tỷ USD. Và như thế, việc bà dễ dàng có tới 100 tỷ USD trong thời gian ngắn tới không phải chuyện quá khó.

Thành tích làm giàu đáng nể

Bản thân Rinehart không hề ham hố các danh hiệu “hão” như giàu nhất thế giới. Rinehart đã phản đối rất dữ việc được gọi là “nữ thừa kế khai mỏ”. Bà tuyên bố khi nhận lấy Hancock Prospecting, công ty đã ở bên bờ vực phá sản và không có cái gọi là “tiền thừa kế”. Bà cũng tỏ ra khó chịu khi bị gọi là người giàu nhất Australia.

Sống kín tiếng ở quê nhà Peth, Australia, bà vẫn lặng lẽ mở rộng đế chế do cha để lại. Được biết ngoài khai thác quặng sắt, Rinehart đang tích cực chuyển sang khai thác than và gần đây mới hoàn tất việc thử nghiệm khai than đá từ một địa điểm thử nghiệm do bà tự bỏ vốn.

“Chỉ tính riêng chi phí để xây dựng mỏ thử nghiệm này đã đủ để tôi sắm cho mình một chiếc máy bay phản lực tư nhân” - bà nói với các khán giả tới dự lễ khai trương mỏ thử nghiệm trên - “Nhưng các bạn đã thấy những chiếc xe tải và xẻng xúc đất ngoài kia. Ai sẽ trả lương cho những lao động đó, nếu tôi ném tiền vào một chiếc máy bay sang trọng và hai viên phi công giàu kinh nghiệm?”.

Bên cạnh việc khai mỏ, bà cũng vung tiền mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực khác. Đơn cử như hồi tháng 11 năm ngoái, bà bỏ 165 triệu USD để mua 10% cổ phần trong hãng truyền hình Ten Network Holdings. Tới tháng 12, bà mua 2% công ty xuất bản báo chí Fairfax Media. Kể từ đó bà đã sinh lợi cho khoản đầu tư thêm ít nhất 120 triệu USD.

Cho tới thời điểm này, việc Citigroup tuyên bố Rinehard có thể trở thành người giàu nhất thế giới mới chỉ dựa trên các ước tính và phỏng đoán. Nhưng nó cũng cho thấy một thực tế rằng bà có thể vươn lên ngôi đầu thế giới, nếu muốn. Nhưng ngay cả khi không có 100 tỷ USD mà chỉ dừng lại ở mức 30 tỷ USD khi lên sàn chứng khoán, Rinehart vẫn dễ dàng soán ngôi “người phụ nữ giàu nhất thế giới”, hiện thuộc về nữ thừa kế tập đoàn Walmart, bà Christy Walton. Và điều đáng nể nằm ở chỗ trong khi Walton thừa kế toàn bộ gia sản, Rinehart lại đi lên bằng sức mạnh bản thân và bà vẫn không ngừng giàu lên một cách nhanh chóng.

Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm