Những người hùng bi thảm

10/02/2012 07:23 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH Cuối tuần) - 30 năm sau cuộc chiến, vẫn có những người lính lẩn quất trong rừng sâu, sống với thời gian của quá khứ…

Cuối năm 1974, một phi công bay trên rừng nhiệt đới Indonesia tình cờ phát hiện ra một thân hình nhân trần truồng di chuyển qua quãng trống. Đúng như phỏng đoán, đó là một tàn binh của đội quân Phù Tang bị đánh tan tác hồi 1944 trong trận tái chiếm đảo Guam bởi thủy quân lục chiến Mỹ. Một nhóm lính Indonesia được cử vào rừng, vừa phất quân kỳ Nhật vừa hát quốc ca Nhật - biện pháp duy nhất để dụ người rừng Teruo Nakamura rời chỗ trốn sau ba thập kỷ. Nhưng Nakamura không phải là người hùng bất đắc dĩ duy nhất...

Shoichi Yokoi: người rừng 28 năm

Nơi trú ẩn của Shoichi Yokoi là một cái hầm đào trong lòng đất, và đồ che thân của ông được chế bằng vỏ cây. Trong Thế chiến II, đảo Guam bị quân Nhật chiếm từ 12/1941 và là nơi đồn trú của 22.000 lính Thiên Hoàng. Hầu hết số lính này bị giết chết trong cuộc tấn công của Mỹ tháng 7/1944, đơn giản vì quân Nhật thà chết vinh chứ không chịu đầu hàng để sống nhục. Trong số tàn quân chạy trốn vào rừng già bạt ngàn có Shoichi Yokoi, một lính tinh nhuệ của Sư đoàn Mãn Châu Lý 29, cùng mấy người lính dưới quyền. Những người ấy về sau chết đói hoặc chết bệnh, nhưng sức khỏe phi thường của Yokoi khiến ông không hề bị nhiễm sốt rét, thương hàn hay sốt nhiệt đới. Khi được phát hiện, ông hổ thẹn là mình đã sống sót, thay vì chết cho Nhật Hoàng trước đó 28 năm. 10 ngày sau, câu đầu tiên ông thốt ra khi đặt chân trở lại lên phi trường Tokyo hiện đại: “Đất nước ta hùng mạnh thế này, sao không tấn công Mỹ?“.

Đầu cúi gằm, ông đứng trước ống kính tivi xin đồng bào của mình thứ lỗi sau khi hướng tới chân dung Chiêu Hòa Thiên Hoàng Hirohito: “Con vô cùng hối hận đã không phụng sự Người được tốt hơn. Giờ thì thế giới đã thay đổi nhiều, nhưng lòng quyết tâm phụng sự Người của con sẽ không bao giờ thay đổi“.

Trái với đồn thổi của người đời, cựu binh Yokoi hoàn toàn biết là chiến tranh đã kết thúc, sau khi nước Nhật tổ chức rải hàng tấn truyền đơn trên rừng nhiệt đới Guam hồi 1952. Nhưng ông còn tránh mặt xã hội loài người thêm 20 năm nữa, chỉ đi săn khi trời đã sẩm tối, và do đó cũng chỉ bắt được ếch nhái và các loại côn trùng nhỏ để qua ngày. Để khỏi phát điên vì không thấy bóng người, Yokoi luôn lẩm nhẩm hát một bài dân ca Nhật ngày xưa, ban ngày ông ngủ vùi trong căn hầm đào mất mấy tháng trời.

1/1972 hai người đánh cá ngẫu nhiên chạm trán Yokoi và bị Yokoi xông tới tấn công, tuy nhiên sức khỏe của người rừng đã cạn kiệt nên ông bị trói gọn. 6 tháng sau khi trở về với xã hội văn minh, người lính đặc nhiệm ngày xưa lấy vợ và mở lớp dạy các mẹo sống sót khi lạc trong rừng, viết sách về chế độ ẩm thực khỏe mạnh, thậm chí còn ra ứng cử vào nghị viện. 1977 trái tim Yokoi mới chịu ngừng đập ở tuổi 82, sau khi sống cuộc đời thứ hai ở đất Nhật hiện đại dài gần bằng thời gian trong rừng già!

Hiroo Onoda: Nhục nhã khi sống sót quay về!

Hai năm sau khi hồi hương, tên tuổi Yokoi dần dần bị lu mờ bởi một đồng ngũ, vì người này còn trụ lại lâu hơn trong rừng già Philippines, dưới chân núi lửa Lubang: Hiroo Onoda, nguyên trung úy điện đài, một trong số khá đông các tàn binh quyết không chịu sa vào tay đối phương. Onoda thậm chí còn có “tinh thần chiến đấu“ ác liệt hơn và trong mấy chục năm lẩn quất ông đã giết 39 người, làm bị thương 100 người nữa!


Bộ quốc phòng Nhật có hẳn một thuật ngữ “Holdout“ để gọi số quân lưu lạc ấy, dự tính khoảng 2.370 người. Khi đi lùng Onoda, chính phủ Philippines đã chi 1 triệu USD mà không có kết quả. Người ta tìm được chỉ huy cũ của Onoda, đưa sang Lubang để phát loa ra lệnh buông súng, lúc đó Onoda mới xuất hiện trong bộ quân phục chỉnh tề, bên hông đeo thanh gươm Katana sáng quắc và một chùm lựu đạn, trong tay là súng trường cùng 500 viên đạn. Cựu binh láu cá 52 tuổi này quả quyết là không biết chiến tranh đã kết thúc, do đó được chính phủ Philippines ân xá hoàn toàn. Onoda trở thành ngôi sao, được đưa đi khắp nước Mỹ để thuyết trình về chuyện đời mình! Về sau người ta mới phát hiện ra là Onoda ăn trộm được một cái đài truyền thanh và đã biết Nhật hoàng ra lệnh đầu hàng, cũng như sau này liên tục cập nhật tình hình thời sự. Nhưng lòng trung thành mù quáng với quân đội phát xít Nhật hoặc nỗi sợ bị ra tòa án binh vì đào ngũ đã cản đường ông quay về với xã hội loài người.

Giống Yokoi, Onoda tuyên bố “lấy làm nhục nhã khi đã sống sót quay về“. Câu nói ấy làm ông nổi tiếng, song cũng phân cực sâu sắc xã hội Nhật hiện đại. Như trong cuộc du hành vượt thời gian, thân thể Onoda hiện diện tại cường quốc Nhật Bản của thập kỷ 70, nhưng đầu óc ông dừng lại vào thời điểm 1944, não trạng đó khiến ông thành nạn nhân của cú sốc văn hóa - khi nhìn thấy ảnh Nhật hoàng vốn được ông thờ phụng như Thượng đế, nay bị in cùng trong những tạp chí có hình phụ nữ ăn mặc thiếu vải.

Teruo Nakamura: người hùng cuối cùng

Ngày 8/1/1975, một cựu binh Nhật khác vừa được phát hiện là Teruo Nakamura, 55 tuổi, bước chân xuống phi trường Đài Bắc và lao vào vòng tay vợ con đã 30 năm không thấy mặt. Mới chỉ mấy ngày trước đó ông còn ôm súng nấp trong hang, và chỉ chịu ló ra khi nghe quốc ca Nhật vang lên giữa rừng.


Như Yokoi hay Onoda, Nakamura là một Holdout nữa làm dấy lên cuộc tranh luận trong một đất nước đã biến chuyển cơ bản từ sau Thế chiến II. Đặc biệt giới trẻ và lớp trí thức hổ thẹn khi nghe những người hùng ấy phát biểu, vì nó làm sống lại một thời kỳ còn khá rõ nét trong ký ức tập thể của người Nhật. Còn phe bảo thủ thì dĩ nhiên đội các Holdout lên đầu.

Bỏ qua cuộc tranh luận mang tính ý thức hệ, dĩ nhiên ai cũng phải khâm phục các Holdout vì sự kiên cường phi thường giúp họ sống sót trong môi trường quá ư khắc nghiệt. Hơn 70 triệu người Nhật tụ tập trước màn ảnh nhỏ để theo dõi từng bước về quê của các cựu binh - nhiều hơn số khán giả chứng kiến Neil Armstrong đi trên mặt trăng.

Thời gian như nước chảy dưới cầu, có lẽ cũng làm người ta trở nên độ lượng hơn và không quá nghiêm khắc xem xét tinh thần “võ sĩ đạo“ biến tướng lệch lạc. Song cũng nên hiểu rằng người Nhật lúc bấy giờ (bại trận trong Thế chiến II) đang cần tìm một sự bấu víu tinh thần nào đó. Đông đảo dân Nhật tôn vinh những người hùng như Yokoi, Onoda và Nakamura vì bên cạnh họ còn có các lính Nhật khác rã đám và đầu hàng. Thiết tưởng cũng nên nhắc thêm rằng Teruo Nakamura, Holdout cuối cùng, không được gọi là người hùng, dù chỉ là người hùng bi thảm. Đơn giản vì ông là người Đài Loan, bị bắt đi quân dịch cho Nhật chứ không thuộc dòng dõi “chính tông“ của xứ mặt trời mọc...

Lê Quang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm