Những "cộng đồng một đêm" ở Ấn Độ

07/03/2012 10:34 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Trong đêm đen nhức mắt, hoàn toàn không có một tiếng động, chỉ có những ánh đèn hiu hắt tỏa ra từ các con phố xa xăm. Bãi đậu xe hoàn toàn tĩnh lặng, thi thoảng mới có mấy tiếng ho húng hắng vang lên. Vì thế, phải mất một lúc người ta mới nhận ra rằng có gần 100 người đang nằm quây quần trong khoảng đất bên rìa một quận bán vải cotton ở thủ đô của Ấn Độ. Họ thuộc về một cộng đồng người chỉ sống vào ban đêm, tại các bãi đậu xe như thế.

Khi phóng viên AP tới nơi, gần trăm con người đó đang ngủ chen chúc nhau trong những căn lều gỗ, với hàng chục người khác ngủ quanh một giếng nước cạn ở gần đó. Trong vài giờ tới, các công nhân sẽ tới dọn đi số lều gỗ này và bãi đậu xe Meena Bazaar số 2 sẽ lại lèn chặt các phương tiện giao thông. Tới 9h sáng, cộng đồng người sống qua đêm này sẽ hoàn toàn biến mất.

Những cộng đồng sống trong đêm

Các cư dân của nó sẽ mang theo khối tài sản ít ỏi của họ, chất đầy trong các túi nilon, tỏa vào thành phố và chờ cho tới đêm xuống mới quay trở lại. Đây là nhà của họ. Một số chỉ ở lại một đêm. Nhưng cũng có người ở hàng thập kỷ, nuôi con cái họ và tới lượt những đứa con cũng sinh con đẻ cái ở đây.

Với hàng ngàn người đang vật lộn dưới đáy xã hội Ấn Độ, những "cộng đồng một đêm" kiểu này không phải chuyện lạ và nó nằm rải rác trên khắp đất thủ đô New Delhi.

Mỗi ngày, hàng ngàn cư dân mới lại tới thủ đô đang phát triển không ngừng này. Họ thuộc về một làn sóng đô thị hóa quy mô toàn quốc, đã đưa hàng triệu người từ những bang nghèo nhất Ấn Độ tới nơi phồn hoa đô thị. Ở New Delhi, phần lớn những người mới tới sẽ chuyển tới sống tại các khu ổ chuột đang mọc lên như nấm ở thành phố, hoặc thuê nhà tại các khu chung cư đang xuống cấp.

Nhưng nhiều người vẫn tìm tới "khách sạn ngàn sao", bởi ngay cả một căn lều mái tôn ở khu ổ chuột cũng có giá thuê tới 75 USD/tháng. Đó là số tiền lớn ngoài tầm với của rất nhiều người nghèo tìm tới sống tại bãi đậu xe. Chỉ một vài người trong số họ có thu nhập thường xuyên, hoặc kiếm hơn 4 USD/ngày.

Ngoài ra, sống trong các ổ chuột cũng có nghĩa sẽ phải đối mặt với cảnh sát hộ tịch. Những người không có giấy tờ để sống và làm việc hợp pháp tại New Delhi như dân nhập cư tới từ Bangladesh, hoặc dân Ấn Độ mang giấy tờ quá cũ nát, có thể bị cảnh sát làm phiền, đòi hối lộ. Nhưng cảnh sát lại chẳng mấy khi quấy rầy các "khách sạn ngàn sao" như bãi đậu xe Meena Bazaar.

Phần lớn những người sống ở đây là dân lao động công nhật, ăn xin chuyên nghiệp hoặc người bán hàng rong. Họ là những người dân nông thôn, mơ đổi đời nhờ cuộc sống ở đô thị. Họ cũng có thể là một cậu bé nhà quê chạy trốn khỏi ngôi làng đang ở vì tình yêu trắc trở. Ngoài ra, đó còn là người nhập cư bất hợp pháp, người Hồi giáo nghèo túng, hay cả những người từng giàu có nhưng nay sa cơ vì nghiện thuốc phiện.


Những cư dân của "cộng đồng một đêm" sống tại bãi đậu xe Meena Bazaar số 2

Thâm nhập vào “khách sạn ngàn sao"

"Tôi cần nơi này để sống" - Satpal Singh, một thanh niên 24 tuổi đang sống với thu nhập 3 USD/ngày bằng nghề hầu bàn nói - "Tôi sẽ đi đâu để tìm thấy một ngôi nhà trong thành phố này"?

Là con trai của một nông dân nghèo, Singh tới New Delhi cách nay 10 năm vì anh không thể tìm việc tại quê, một khu vực chìm trong đói nghèo nằm cách thủ đô 160km. Giống nhiều người khác, Singh dành phần lớn thời gian ở New Delhi, làm việc liên tục bất cứ khi nào có thể và trở lại quê khi việc ít đi.

Dù bãi đậu xe không giống như một ngôi nhà, Singh nói rằng nó cũng chẳng tới nỗi tệ. "Tôi đã sống ở đây trong một thời gian dài nên tôi quen rồi" - anh nói - "Với giá chỉ 30 rupee (0,6 USD) mỗi đêm, tôi thậm chí còn có một chiếc chăn để ngủ".

Nằm cạnh Singh là Mohammed Rasheed, cũng 24 tuổi. Hai người bạn lâu năm này thường nằm chung gường trong đêm lạnh. Nó giúp họ thấy ấm hơn và giảm bớt phí thuê chỗ ngủ xuống còn 0,3 USD/người.

Sống cộng sinh cũng là xu hướng chung tại các cộng đồng một đêm kiểu này. "Tôi biết rõ tất cả những con người kia" - Singh nói và hất hàm về phía những chiếc giường quanh anh - "Chúng tôi ăn cùng nhau. Chúng tôi ngủ cùng nhau. Chúng tôi biết rõ các câu chuyện của nhau.

Nhưng chỉ vài người muốn sống tiếp ở đây, nếu như họ tìm thấy nơi ở khác tốt hơn, đặc biệt là với các gia đình đông người. Cha mẹ thường mang con cái theo khi tới thành phố làm việc. Mỗi lúc đi kiếm tiền, họ để con chơi tại các công trường xây dựng hoặc tại các con hẻm gần bãi đậu xe. Nếu không có tiền để trả học phí, trẻ em thường phải đi làm trước khi kịp trưởng thành.

"Đây không phải là chốn dành cho gia đình" - Mohammad Muzaffar, người đã ở bãi đậu xe này từ 15-20 năm qua cho biết. Ông đã lấy vợ và nuôi hai đứa con tại đây. Nhưng Muzaffar, người kiếm sống bằng nghề bồi bàn nghiệp dư và kéo xe lai, hoàn toàn không có giấy tờ tùy thân. Ông chẳng biết phải làm sao để đưa gia đình vào sống trong một căn hộ khá khẩm hơn. "Chúng tôi là những kẻ nghèo rớt mùng tơi. Chúng tôi chẳng có của cải gì" - ông nói khi giải thích rằng con cái mình sẽ phải trưởng thành tại "khách sạn ngàn sao".

Không thừa một chỗ trống

Không ai biết những cộng đồng một đêm kiểu này đã tồn tại trong bao lâu. Rất nhiều người thuộc cơ quan quản lý nhà ở của New Delhi thậm chí còn không biết chúng có tồn tại, bởi một lý do đơn giản: vào ban ngày tất cả những con người sống ở đây đều "bốc hơi".

Nhưng nhu cầu ở của họ là có thực và rất lớn. Với việc nền kinh tế đang lên của Ấn Độ thu hút ngày càng nhiều người dân tới với các thành phố, vấn đề thiếu nhà ở đang trở nên rất cấp thiết. Một nghiên cứu hồi năm 2010 do Viện McKinsey Global cho thấy Ấn Độ thiếu 25 triệu ngôi nhà ở đô thị và con số này sẽ tăng lên 38 triệu vào năm 2030. Hơn 8 triệu người, tức khoảng nửa dân số New Delhi, đang sống trong các ổ chuột.

"Chẳng có cơ chế nào để cung cấp nhà ở cho những người đang kéo tới đây" - Ajit Mohan, thành viên nhóm nghiên cứu nói - "Anh phải lên kế hoạch cho những chuyện như thế này trước từ 5,10, thậm chí 15 năm. Nhưng chẳng có thứ nào như thế diễn ra". Vì thế những nơi như Meena Bazaar đã mọc lên như nấm để đáp ứng nhu cầu tăng cao. Vào mùa Hè, hàng ngàn người có thể sống trong các "khách sạn ngàn sao" kiểu này ở New Delhi. Khi mùa đông đến, họ sẽ chuyển tới những nơi ấm áp hơn hoặc đơn giản là trở lại quê nhà.

Sau rốt, sẽ có một số người may mắn tìm được nơi khác tốt đẹp hơn để sống. Nhưng không cần biết có bao nhiêu người dọn đi, luôn sẽ có rất đông những người khác muốn chen chân vào chỗ trống họ để lại.

Tường Linh (Theo AP)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm