Những bé gái bị đánh cắp cuộc đời ở Ấn Độ

10/01/2013 09:14 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Cái chết của một nữ sinh viên 23 tuổi ở Ấn Độ sau khi bị hiếp dâm tập thể trên một chiếc xe buýt ở New Delhi đã khiến người dân phẫn nộ và tự vấn lương tâm về cách thức nước này đối xử với phụ nữ. Thảm kịch của cô gái trẻ rõ ràng không phải là trường hợp đơn nhất. Ngoài hiếp dâm, Ấn Độ còn phải đương đầu với nạn sát hại các thai nhi là nữ giới và nhất là nạn đánh cắp, buôn lậu các bé gái.

Rukhsana đang lau sàn nhà khi cảnh sát ập vào. Mắt mở to ngạc nghiên, cô bé đứng giữa phòng, tay nắm chặt lấy cái chổi. Cảnh sát hỏi cô: "Cháu bao nhiêu tuổi rồi? Cháu tới đây bằng cách nào?"

Một vụ buôn người điển hình

"14 tuổi" - cô bé trả lời - "Cháu bị bắt cóc". Nhưng khi cô bé vừa định mở miệng nói thêm, một người phụ nữ cao tuổi đã xông vào giữa các viên cảnh sát. "Nó nói dối đấy" - bà này nói - "Nó 18 tuổi, gần 19 tuổi rồi. Tôi đã chi tiền cho cha mẹ nó để mua nó về".

Khi cảnh sát đẩy bé gái theo hướng cửa ra vào, người phụ nữ đã yêu cầu họ dừng lại. Rồi bà ta lao tới phía bé gái và giật lấy đôi hoa tai. "Những thứ này là của tao" - bà ta rít lên.

Một năm trước, Rukhsana vẫn là một bé gái 13 tuổi đang sống cùng cha mẹ và hai em tại một ngôi làng Ấn Độ giáp với biên giới Bangladesh. "Cháu rất thích tới trường và cháu thích chơi với em gái của mình" - cô bé nhớ lại.

Rukhsana (phải) kể lại cho cảnh sát nghe về thảm cảnh của mình khi cha đẻ của cô đứng ở dưới lắng nghe

Tuổi thơ êm đềm của cô bé chấm dứt vào một ngày nọ, khi đang trên đường về nhà từ trường học, 3 gã đàn ông lực lưỡng đã đẩy cô bé vào trong một chiếc xe hơi. "Họ rút ra một con dao rồi dọa sẽ xẻ cháu thành nhiều mảnh nếu kháng cự" - cô nói.

Sau chuyến đi kinh hoàng kéo dài 3 ngày, bằng xe hơi, xe buýt và tàu hỏa, cả nhóm đã tới một ngôi nhà ở bang Haryana ở phía Bắc Ấn Độ, nơi Rukhsana bị bán cho một gia đình 4 người gồm một bà mẹ và 3 đứa con trai. Trong vòng một năm, cô bé không được phép ra ngoài. Cô gái nói rằng mình đã bị chế nhạo, bị đánh đập và thường xuyên bị đứa con trai cưỡng hiếp. Tên này tự xưng là "chồng".

"Hắn ta thường nói rằng “tao mua mày về, nên mày phải làm theo lời tao”. Hắn ta và mẹ hắn ta thường xuyên đánh tôi. Tôi nghĩ rằng mình sẽ chẳng bao giờ gặp lại gia đình nữa. Tôi đã khóc gần như mỗi ngày" - cô bé nói.

Cơn khát nữ giới

Hàng chục ngàn bé gái Ấn Độ đã biến mất như vậy mỗi năm. Các em bị bán làm gái điếm, lao động trong nhà và giống như Rukhsana, trở thành các cô dâu bị cưỡng ép ở các bang miền Bắc Ấn Độ, nơi sự chênh lệch về tỷ lệ giới giữa nam và nữ ở đây đã rơi vào mức báo động từ lâu vì nạn sát hại các bé gái sơ sinh lan rộng.

Ước tính Ấn Độ đã "thiếu" từ 25-50 triệu phụ nữ vì vấn nạn này, bên cạnh các hoạt động khác như ngược đãi các bé gái - dẫn tới việc nhiều cô gái đã chết trẻ.

Việc sử dụng kỹ thuật siêu âm để xác định giới tính là hành động bất hợp pháp ở Ấn Độ, nhưng vẫn diễn ra rộng rãi ở nhiều nơi. Các bang Punjab và Haryana là những nơi có tỷ lệ các bé gái "mất tích" sau khi sinh cao nhất. Các thành phố giàu có và hiện đại như Delhi, Chandigarh và Ahmadabad đang có tỷ lệ mất cân bằng giới nặng nhất

Quỹ nhi đồng LHQ (UNICEF) nói rằng ở Ấn Độ đang diễn ra tình trạng "mất cân đối giới do diệt chủng" và có tới 50 triệu phụ nữ mất tích ở Ấn Độ do tình trạng sát hại các bào thai và thai nhi là nữ giới. Chính phủ Ấn Độ không chấp nhận ước tính này. Nhưng thực tại cuộc sống ở Haryana đã cho thấy điều ngược lại. "Chúng tôi đang thiếu rất nhiều các cô gái" - người phụ nữ đã mua Rukhsana khóc lóc khi thuyết phục cảnh sát cho cô bé ở lại - "Có rất nhiều cô gái tới từ Bengal đang ở đây. Tôi đã trả tiền để mua nó".

Không có thống kê chính thức nào cho thấy có bao nhiêu bé gái đã bị bán vào các cuộc hôn nhân chui kiểu như thế ở các bang miền Bắc Ấn Độ. Nhưng các nhà hoạt động tin rằng con số đang tăng lên, chủ yếu do tình trạng thiếu hụt nữ giới ở các tỉnh miền Bắc khá giàu có và sự nghèo đói ở các vùng còn lại của Ấn Độ.

"Mọi gia đình ở phía Bắc Ấn Độ đều cảm thấy sức ép. Trong mọi ngôi nhà đều có những người đàn ông không thể tìm được vợ và họ đang tức giận" - nhà hoạt động xã hội Rishi Kant, thành viên tổ chức Shakti Vahini chuyên hợp tác với cảnh sát để giải cứu các nạn nhân bị bắt cóc cho biết.

Trong một khu vực mang tên Sunderbans ở quận 24 Parganas Nam ở Tây Bengal, phóng viên hãng tin BBC đã tới thăm 5 ngôi làng và ở đây đều có những đứa trẻ bị mất tích, phần lớn là gái.

Theo các số liệu thống kê mới nhất, gần 35.000 đứa trẻ đã được thông báo mất tích ở Ấn Độ trong năm 2011 và hơn 11.000 trong số đó là ở Tây Bengal. Cảnh sát ước tính con số này chỉ chiếm 30% con số thực các vụ bắt cóc.

Mẹ đẻ của Bisanti trưng ra bức ảnh duy nhất của con. Cô gái trẻ này đã mất tích từ 2 năm qua

Bất lực

Hoạt động bắt cóc và buôn người lộng hành ở Sunderbans, sau khi nơi này bị một cơn bão kinh hoàng tàn phá cách đây 5 năm. Những người nông dân như Bimal Singh, giống hàng ngàn người khác, đã không còn nguồn thu nhập nên ông này đã rất vui khi một người hàng xóm đề nghị giúp cô con gái Bisanti mới 16 tuổi của ông tìm việc tại Delhi.

"Con tôi lên tàu. Lúc đi cháu nói rằng: Cha đừng lo gì về con, con sẽ trở về và kiếm đủ tiền để cha gả cưới con” - ông kể.

Từ đó tới nay ông không còn nghe tin gì về con nữa.

Cảnh sát cũng chẳng làm gì nhiều để giúp đỡ. Họ đã thẩm vấn tay buôn người, nhưng không bắt giữ kẻ này. Cảnh sát còn bạo hành Bimal nên ông rất sợ gặp họ.

Ở một khu ổ chuột tại Calcutta, phóng viên đã gặp một người đàn ông sống bằng nghề buôn người với khoảng 150 - 200 cô gái mỗi năm. Các cô gái này có tuổi từ 10 - 17. Tay buôn người cho biết ông ta đã kiếm được rất nhiều tiền vì nhu cầu đang tăng cao.

"Tôi không tự đi tới các nguồn cung mà có nhiều người làm việc cho mình. Chúng tôi nói với các phụ huynh rằng sẽ giúp các cô gái có việc làm ở Delhi. Rồi chúng tôi chuyển họ tới các trung tâm sắp xếp. Điều gì xảy ra với họ tôi không quan tâm" - gã đàn ông nói.

Ông ta cho biết mình kiếm được khoảng 55.000 rupee (1.000 USD) trên mỗi cô gái. Các chính trị gia và cảnh sát địa phương biết rõ việc ông ta làm, nhưng họ im lặng vì đều đã nhận đầy tiền đút lót. "Tôi đã từng gặp rắc rối với chính quyền, nhưng giờ tôi chẳng sợ. Nếu phải đi tù, tôi sẽ có đủ tiền để hối lộ và thoát ra ngoài" - ông ta nói.

Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm