Những anh hùng 4 chân

15/04/2012 06:05 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH Cuối tuần) - Trong thập kỷ 1950, Liên Xô gấp rút dọn đường cho chuyến du hành có người lái đầu tiên lên vũ trụ, và như muôn vàn thí nghiệm khác, các ứng viên 4 chân được chọn đầu tiên.

Từ những ngày gian khó

Mấy chục năm sau, Alexander Seryapin vẫn không thể không hạ giọng khi nhắc lại sự cố lớn ấy trong đời mình. Đó là thời điểm năm 1955. Chỉ vài giây sau khi tên lửa rời bệ phóng, mối lo ngại của ông đã thành sự thực. Bộ điều khiển tự động chỉnh lại dung sai của đường bay để tên lửa trở lại quỹ đạo ổn định, song Seryapin có thể quan sát hậu quả từ đài chỉ huy mặt đất: cú chấn động dữ dội đã ném phi hành gia Lissa như một con búp bê mặc đồ bảo vệ ra khỏi tên lửa và có lẽ phần còn lại của cuộc đời Lissa không dài hơn 10 giây. “Tôi đã tự tay chôn Lissa ngoài thảo nguyên“, nguyên thượng tá Seryapin bùi ngùi hồi tưởng.

Lissa, nỗi đau khôn nguôi của Seryapin, không phải là phi hành gia theo đúng nghĩa thông thường, mà là một con chó được huấn luyện đặc biệt, và cả Alexander Seryapin cũng không phải một sĩ quan quân đội bình thường. Ngày ấy ông là cố vấn y tế cho chương trình vũ trụ của nhóm chuyên viên dưới quyền kỹ sư trưởng Sergey Koroliev đang trăn trở với dự định đưa người đầu tiên lên không trung. Và nhất thiết phải sớm hơn Mỹ.

Từ 1951 đến 1961, Liên Xô đã tiến hành thí nghiệm với 48 con chó lên vũ trụ. Do tài liệu mãi sau này mới được giải mật nên dư luận hầu như chỉ biết tên chó Laica nổi tiếng. Các nhà khoa học chế riêng bộ quần áo kháng áp và mũ chất dẻo trong suốt cho chúng, nhét chúng vào lồng để làm quen với khung cảnh chật chội trên tên lửa, tiến hành gia tốc cho đến khi chúng chịu được trọng lượng tăng gấp 5 lần...

Laica, chú khuyển huyền thoại của ngành hàng không vũ trụ Xô viết

Những kẻ săn chó ở Moskva

“Không nhà khoa học nào làm thí nghiệm với chó mà lại coi chúng như loài vật vô tri”, Oleg Gasenko quả quyết. Ngày ấy ông là cộng tác viên ở Viện Hàn lâm khoa học Nga. ”Có thể nói chúng là đồng nghiệp, thậm chí là bạn”. Giống như thượng tá Alexander Seryapin, người rơi nước mắt khi cài bộ đồ kháng áp bó chặt quanh người Lissa. Ở trình độ khoa học ngày ấy, hậu quả thảm thương hầu như không thể tránh khỏi.

Sự kiện khởi đầu là một màn khá “siêu thực“ mà vai chính là mấy chục nhà khoa học Nga được trang bị... xúc xích, tỏa ra các công viên để nhử chó hoang rồi bí mật chở chúng trên ô tô về phòng thí nghiệm. Tiêu chí duy nhất là chúng phải nhỏ để nằm lọt trong tên lửa. Theo lời khuyên của một giám đốc rạp xiếc, Liên Xô đã quyết định đúng đắn khi dùng chó hoang, vì chúng khỏe mạnh và có ý chí sống còn kiên cường. Người Mỹ cũng làm các thí nghiệm tương tự với khỉ, song chúng quá mẫn cảm và luôn đòi hỏi có người ở gần.

Tại một trại bí mật ở thảo nguyên Tyuratam, miền Nam Liên Xô, sau này được đổi tên là Baikonur, người ta tiến hành các thí nghiệm với đội dò đường 4 chân cho Gagarin sau này. Chúng được cấy các hạt cảm ứng xuống dưới da để đo các trị số về tim, phổi và thân nhiệt trong điều kiện khắc nghiệt.

Phát súng mở màn vang lên đúng 4 giờ sáng ngày 22/7/1951. Hai nhà thám hiểm 4 chân đầu tiên có tên Desik và Tsigan được giao trọng trách viết dòng đầu cuốn sử về công cuộc du hành vũ trụ đầy vinh quang của Liên Xô sau này. Hộp kháng áp bé xíu chứa Desik và Tsigan được lắp ngay đầu tên lửa. Và trước khi những tia nắng ban mai lóe lên, chúng được phóng lên độ cao 110 km - theo khái niệm từ thời hồng hoang của khoa học tên lửa thì đó là ranh giới bắt đầu cái gọi là vũ trụ. Hình ảnh được truyền theo thời gian thực xuống các màn hình dưới đất: hai cái đầu xù lông trắng xóa ngúc ngoắc cưỡng lại lực gia tốc, và mạch đập của chúng tăng lên đến 250 lần mỗi phút. Chỉ khi qua giai đoạn xuất phát và bắt đầu vô trọng, Desik và Tsigan mới bình tĩnh trở lại. Đến lúc này phần đầu tên lửa được tách ra và rơi trở lại mặt đất. Ở độ cao 7 km thì dù bung ra. Các nhà khoa học hồi hộp mở hộp kháng áp, trong tay họ cầm sẵn xúc xích và bát nước với hy vọng cả hai chú chó còn sống để nhận phần thưởng và rồi cửa mở ra, cả Desik và Tsigan - tuy hơi hoảng loạn, song hoàn toàn khỏe mạnh. Mọi thứ trót lọt.

Chernushka trên con tem tưởng niệm của Liên Xô in năm 1961, cũng là năm mà chú chó này bay vào quỹ đạo cùng tàu Sputnik 9

Cú sốc Laica

Dĩ nhiên, không phải thí nghiệm nào cũng trót lọt như vậy. 20 trong số 48 con chó trong chương trình thí nghiệm đã không sống sót. Ngay thí nghiệm thứ hai đã thất bại vì dù không mở. Cái chết của Desik lại là cơ may của Tsigan: cu cậu được miễn mọi phi vụ tiếp theo, người ta đưa Tsigan về Moskva và chiều chuộng như một bảo vật quốc gia.

Nhóm Koroliev liên tục thí nghiệm để hoàn thiện kỹ thuật. Và các ứng viên 4 chân lần lượt hy sinh vì sự nghiệp nghiên cứu. Bars, Lisichka, Pycholka, Mushka và hàng chục cái tên khác nữa. Hôm nay những người hùng ấy đã trôi vào lãng quên nhưng đôi khi may mắn cũng mỉm cười với chúng. Năm 1960, khi một tên lửa bị lỗi kỹ thuật và rơi 160 km lệch điểm dự tính, tốp lính đi tìm phải mò ra tận sa mạc tuyết Siberia. Và lạ thay, trong hộp kháng áp đóng cứng băng, hai chó thí nghiệm vẫn sống khỏe.

Song song với vấn đề “nhân sự“, nhóm Sergey Koroliev liên tục cải thiện tên lửa và trang bị kháng áp để giảm thiểu tối đa các rủi ro cho người. Người ta cảm nhận được hơi thở nóng rẫy của người Mỹ ngay sau gáy, vì rõ ràng ở hoàn cảnh chiến tranh lạnh ngày ấy chả có lý do gì để đưa người lên khoảng không vô trọng cả, ngoài mục đích tối mật là lắp đầu đạn hạt nhân lên tên lửa. Laica xuất hiện ở thời điểm ấy, cho dù số phận nó được định đoạt ngay từ trong phác thảo. Khác với các thử nghiệm trước đó, Liên Xô công bố trước vụ phóng Laica lên vũ trụ hồi mùa thu 1957, chỉ vài tuần sau cú sốc Sputnik 1 làm Mỹ choáng váng - nay bồi thêm cú sốc Laica!

Tình cảm nóng và chiến tranh lạnh

Theo lệnh của Nikita Khrushchev, đòn này phải diễn ra đúng dịp kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng 10 Nga. Nhóm phát triển Sputnik 2 không còn thì giờ chế ra hệ thống hạ cánh cho Laica. 3/11/1957 Laica lên bệ phóng. Thượng tá Alexander Serjapin hôm nay còn nhớ: “Thoạt tiên tôi tưởng mình là người duy nhất. Rồi tôi nhìn quanh và nhận ra quanh tôi còn nhiều người đàn ông cứng rắn khác cũng khóc lần đầu trong đời“.

Và có lẽ còn nhiều người khác nữa nhỏ lệ khi nghe chuyện Laica mấy ngày ròng rã trong khoảng không đen thui, chỉ thỉnh thoảng mới nhìn thấy trái đất xanh bên ngoài cửa sổ. Nhưng theo tài liệu mới được giải mật thì có lẽ Laica chỉ sống được vài tiếng sau khi xuất phát. Vì một lỗi kỹ thuật, buồng áp suất bị nóng lên đến 41 độ C. Máy móc ghi lại 1 tiếng sủa duy nhất. Sau đó Laica còn ăn, rồi không còn nhịp tim nào được máy móc truyền xuống đất nữa. Xác Laica còn bay quanh trái đất 2.570 lần nữa, trước lúc tất cả cháy rụi khi rơi vào khí quyển.

Đời Sputnik 5 thì kỹ thuật đã tốt hơn. Strelka và Belka bay cả thảy 18 vòng rồi trở về bình an. Nikita Khrushchev tỏ ra độ lượng với kẻ bại trận: ông tặng đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy một cái lồng vàng đựng Pushinka, con của Strelka.

Lê Quang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm