Người Na Uy xôn xao vì quầng sáng tới từ... Nga

13/12/2009 11:49 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Liệu đó có phải là một con chim lửa? Hay một chiếc đĩa bay? Hay các hồn ma đang hiện về? Đấy là những câu hỏi mà cư dân Tromso, thị trấn ở phía Bắc Na Uy, đưa ra hôm 10/12 khi thấy một luồng ánh sáng lạ xuất hiện trên bầu trời vùng cực.

Giải mã quầng sáng kỳ lạ

Trong ngày 10/12, các đài truyền hình ở Na Uy đồng loạt đưa tin về một luồng sáng kỳ lạ xuất hiện trên bầu trời. Nhiều đài phát thanh và trạm kiểm soát không lưu đã nhận được những cuộc gọi của người dân thông báo về luồng sáng xanh xuất hiện từ phía sau một ngọn núi ở phía Bắc. Các nhân chứng kể rằng luồng sáng đi dần lên cao, sau đó dừng ở giữa trời rồi bắt đầu xoay tròn. Trong vòng vài giây, một vòng xoáy trôn ốc khổng lồ xuất hiện. Tiếp đó một luồng ánh sáng lớn màu xanh da trời trộn lẫn xanh lá cây phát ra từ trung tâm vòng xoáy, kéo dài từ 10 - 12 phút trước khi biến mất hẳn.



Quầng sáng lạ trên bầu trời Na Uy

Khi dư luận Na Uy vẫn đang tranh cãi nhau thì chỉ một ngày sau đó, Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận rằng quầng sáng kỳ lạ đã phát ra từ vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa không thành. Quả tên lửa mang mã Bulava đã được phóng lên từ tàu ngầm Dmitry Donskoi. Tuy nhiên không lâu sau khi phóng, tên lửa đã bị hỏng ở động cơ. Dù một số người dân tỏ ra ngờ vực trước tuyên bố trên, William Dimpfl, nhà nghiên cứu cao cấp tại Tập đoàn Hàng không - Vũ trụ, Mỹ, đánh giá thông tin của phía Nga là đáng tin cậy. Dimpfl, người đã tiến hành nhiều nghiên cứu về tên lửa cho không lực và Cơ quan Hàng không - Vũ trụ Mỹ, nói rằng quầng sáng đó đúng là sản phẩm nhân tạo và không có gì bất ngờ trong chuyện này.

Sau khi xem đoạn video ghi lại hình
ảnh về “quầng sáng lạ”, ông nhận định tên lửa đang bay ở độ cao khoảng 100km thì gặp sự cố và bắt đầu xoay vòng trong không gian rồi phun khí thải, tạo thành các vòng xoáy trôn ốc. Vòng xoáy màu trắng được Dimpfl giải thích là khí thải thoát ra khỏi động cơ tên lửa, hình thành từ việc đốt cháy nhiên liệu rắn. Vòng xoáy màu xanh là hiện tượng huỳnh quang, xuất hiện từ bột ô-xít nhôm được thêm vào nhiên liệu rắn của tên lửa.

Mối lo của người Nga

Trong khi người dân Na Uy vui vẻ vì có dịp chứng kiến “màn pháo hoa” lạ mắt này, người Nga lại có lý do để lo lắng. Vụ phóng thất bại vừa qua là lần thứ 8 trong số 12 lần bắn thử Bulava. Các thất bại liên tiếp đã đặt một dấu hỏi lớn lên việc nghiên cứu, triển khai các tên lửa này cũng như chiến lược hiện đại hóa hải quân của Nga.


Một vụ phóng thử tên lửa Bulava

Bulava được thiết kế để trở thành tên lửa đạn đạo xuyên lục địa chính trang bị cho hải quân và là một thành phần quan trọng trong chiến lược răn đe hạt nhân của Nga. Bulava được thiết kế gồm 3 tầng nhiên liệu rắn, trọng lượng 36,8 tấn, dài 12,1m, đường kính 2m. Nó có tầm bắn tối đa lên tới 8.000km và mang được 10 đầu đạn hạt nhân. Để phục vụ cho Bulava, Nga đã nghiên cứu và chế tạo loại tàu ngầm nguyên tử mới thuộc lớp Borei (Gió vùng cực). Con tàu đầu tiên thuộc lớp Borei là Yuri Dolgoruky đang trong quá trình thử nghiệm và hai tàu khác đang được đóng. Mỗi tàu có khả năng bắn 12 tên lửa Bulava.

Moskva từng tuyên bố Bulava có khả năng xuyên thủng mọi loại lá chắn tên lửa. Song việc thử nghiệm liên tục gặp thất bại đã khiến người ta đặt dấu hỏi về tính tin cậy của loại vũ khí này. “Hàng tỷ USD đã bị đổ xuống sông xuống biển” - Alexander Khramchikhin, một chuyên gia tại Viện nghiên cứu Quân sự và Phân tích chính trị Moskva, nhận xét. Nhiều nhà bình luận cũng cho rằng việc chế tạo Bulava là không cần thiết do các tên lửa phóng từ tàu ngầm nguyên tử mang tên Sineva, được sản xuất dưới thời Liên Xô (cũ), vẫn đang hoạt động rất tốt. Sineva có nhiều đặc điểm tương đương với Bulava. Đây là loại tên lửa 3 tầng dùng nhiên liệu lỏng với chiều dài 14,8m, đường kính 1,9m, nặng 40,3 tấn.

Sineva có tầm bắn lên tới 8.300km và mang theo tối đa được 10 đầu đạn hạt nhân. Nó cũng được đánh giá là có khả năng vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa. Họ cũng phê phán quyết định trao dự án nghiên cứu và sản xuất Bulava cho Viện nghiên cứu Công nghệ Nhiệt Moskva, nơi chưa từng chế tạo
tên lửa phóng từ tàu ngầm hạt nhân. Giám đốc viện này, ông Yuri Solomonov, đã buộc phải từ chức hồi tháng 7 năm nay sau khi một vụ phóng thử tên lửa gặp thất bại.

Hiện nước Nga không có nhiều lựa chọn với Bulava. Việc bỏ rơi dự án tên lửa này sẽ là một quyết định khó khăn và đắt đỏ do nó có thể khiến Nga cũng phải hủy bỏ chương trình sản xuất tàu thuộc lớp Borei. Một số nhà phân tích nói rằng Bộ Quốc phòng Nga đã đặt cược quá nhiều ngân sách vào Bulava, tới mức họ không thể rút chân ra. Những khó khăn trong việc sản xuất tên lửa này đã cho thấy bước thụt lùi về khả năng công nghệ của Nga kể từ khi Liên Xô (cũ) tan rã. Tuy nhiên, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Vladimir Popovkin nhấn mạnh rằng hoàn toàn không có vấn đề gì với việc thiết kế Bulava và theo ông, những sự cố của loại tên lửa chiến lược này liên quan tới việc 650 nhà thầu phụ đã cung cấp các thiết bị với chất lượng quá kém.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm