Người hùng trong bóng tối

19/11/2014 14:23 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày này, có lẽ chẳng ai còn biết đến Georges Houot mà nếu còn sống thì ông đang ăn mừng sinh nhật thứ 100 của mình. Năm 1954 ông là người đầu tiên lặn với tàu ngầm xuống sâu hơn mức 4.000 mét dưới mặt biển.  

250 kg thép

... đóng sập lại và tách rời Georges Houot với thế giới bên ngoài. Cùng với kỹ sư Pierre Willm, viên sĩ quan hải quân vặn kỹ 16 chiếc đinh ốc cỡ lớn ở cánh cửa, ngầm so sánh mình với một xác chết đang tự đóng đinh lên nắp quan tài, hay ít nhất cũng giống một tù nhân tâm thần tự khóa cửa xà lim để không bao giờ bước ra thế giới bên ngoài nữa. Một khoang nhỏ với đường kính 2 mét và một lỗ cửa sổ quan sát nhỏ xíu gắn kính dày 15 cm sẽ là không gian thân thuộc và an toàn nhất đối với 2 kẻ phiêu lưu đang trên đường tiến tới một thế giới chưa từng biết ánh Mặt trời, tận đáy Đại Tây Dương.  


Georges Houot và chiếc Archimede đạt 9.545 mét, nhưng không phá được thành tích của Piccard

Trong lịch sử chưa có người nào xuống đến độ sâu ấy. Ở 4 cây số đen ngòm, sẽ có 5 vạn tấn nước đè lên chiếc tàu ngầm FNRS 3 hay 400 cân trên mỗi cm vuông. Kỳ vọng đặt lên hai sĩ quan hải quân Pháp cũng nặng không kém. Ba năm ròng, một nhóm chuyên gia hì hụi chế ra chiếc tàu ngầm này. Bản thân Houot cũng lặn thử vài chục lần, dĩ nhiên ở độ sâu nhỏ hơn. Người ta gá một bộ đèn pha 2.000 Watt để chống lại bóng tối tuyệt đối, và đây là giờ thử lửa.

Thời gian rượt đuổi sau lưng vì người Pháp quyết tâm đi đầu trong cuộc đua vào chốn đêm đen này. Trước họ, hai cha con Auguste và Jacques Piccard người Thụy Sĩ đã xuống đến 3.150 mét và đang nuôi kế hoạch sản xuất một chiếc tàu ngầm bền hơn.  

Ở thời điểm 1954

... không còn ngọn núi hay dòng sông nào chưa được đo, không có đại lượng vật lý quan trọng nào trong khí quyển hay dưới lòng đất chưa bị khám phá. Duy chỉ đại dương sâu thẳm là còn tàng chứa vô vàn bí ẩn. Không chỉ những quái vật biển sâu, mà nhiều giả thuyết khoa học chờ ngày khẳng định hay phủ định. Ví dụ như một số nhà nghiên cứu cho rằng ở độ sâu nhất định sẽ không có vi khuẩn nào sống nổi, mà không có vi khuẩn thì không diễn ra quá trình thối rữa - nghĩa là ở đáy biển chồng chất những xác khủng long và các động vật thời xa xưa!   


Georges Houot và Pierre Willm

Nguyên nhân những kiến thức lệch lạc đó là những vấn đề kỹ thuật quá nan giải đối với tàu ngầm có người lái ở độ sâu trên 4.000 mét. Ngoài việc khó chế tạo lớp vỏ đủ kiên cố, chưa có kỹ thuật nào giúp tàu nổi trở lại từ độ sâu đó. Hai người Mỹ William Beebe và Otis Barton hồi năm 1934 đã lặn xuống độ sâu kỷ lục là 923 mét, song kỹ thuật của họ chỉ là một quả cầu thép tạm bợ, nối cáp với tàu thủy hộ tống và không thể điều khiển được. So với 20 năm trước, Georges Houot và Pierre Willm ngồi trong quả cầu thép FNRS 3 tối tân hơn nhiều: họ có thể chủ động di chuyển. Nó có trọng lượng riêng 11 tấn và treo dưới một chiếc phao dài 16 mét chứa 78.000 lít xăng - vốn nhẹ hơn nước. Để lặn xuống, hai người bơm nước vào một khoang tàu và bất cứ lúc nào cũng có thể tháo bớt tối đa 1.800 lít xăng. Áp suất nước tăng lên và nhiệt độ giảm đi sẽ khiến thể tích xăng co lại. Để không chìm quá nhanh và lại nổi lên được, họ phải ném bớt các quả tạ sắt, cùng lắm sẽ vứt nốt hai tấn chì và 1,2 tấn ắc-quy.

Bathyskaph

... là thuật ngữ dành cho nguyên tắc này, ghép từ hai chữ Hy Lạp cho “độ sâu“ và “thuyền“, một phát minh của Auguste Piccard khi đưa một chiếc tàu lặn xuống đến 1.400 mét hồi năm 1948. Sau một trục trặc nhỏ, Piccard chia tay với hải quân Pháp, và đó là dịp may cho Houot khi theo đuổi một giải pháp tiến bộ hơn. Tuy nhiên ngành công nghiệp thời bấy giờ không đủ sức thỏa mãn đơn đặt hàng của ông, ví dụ như đèn pha chịu nổi áp lực 600 kg trên cm vuông, bóng điện ngâm trong nước cất, hay động cơ chạy ở độ sâu 4.000 mét...  

Cho đến khi FNRS 3 hạ thủy vào ngày 3/6/1953, hơn ba năm gian khổ trôi qua. Houot thử nghiệm ở độ sâu 750 mét, 1.500, rồi 2.100 mét...

Chuyến thám hiểm lịch sử bắt đầu lúc 10 giờ 15/2/1954, tàu ngầm chìm nghỉm như cục đá với tốc độ 30 mét/giây. Sau một tiếng họ đạt độ sâu 1.000 mét, sau 30 phút nữa xuống đến 2.000 mét. Đúng 12 giờ 27 người Pháp phá kỷ lục của bố con Piccard. Nửa tiếng sau họ nhìn thấy đáy biển trong tầm đèn pha.


Sau khi lập kỷ lục 4.050 mét, hai người cùng thiết kế một tàu ngầm hiện đại hơn, mang tên Archimede

Thật trớ trêu

... là cả hai nhà xung kích đều không biết gì về sinh vật biển. Tuy là những người tiên phong, song họ chỉ mải mê ngắm những loài thủy sinh lạ mắt lững lờ trôi ngang qua cửa kính. Sau này họ ghi lại các ấn tượng ấy trong một cuốn sách, kể cả các sự cố kỹ thuật. Máy đo độ sâu bằng tiếng vọng hỏng liên tục, cầu chì cháy hết, ắc-quy bị rơi khỏi khung gá khiến tàu ngầm nổi lên bất đắc dĩ… “Tôi cố nhìn kỹ lớp cát mịn màu sáng, ghi nhận địa hình gập ghềnh và đôi khi có cả lỗ sâu như giếng. Trong ánh đèn pha chỉ thấy vài con sứa phát quang và mấy loài tôm bình thường. Dĩ nhiên không thấy xác khủng long nào cả. Chẳng mấy chốc họ báo lên trên là đã đạt độ sâu 4.050 mét. Trong khi hai người rét run, phải gặm bánh mì bơ cho ấm, thì đội cung ứng trên tàu mở Champagner ăn mừng.   

Khỏi phải nói là hai nhà thám hiểm được tung hô như hai anh hùng dân tộc. Kỷ lục của Houot trụ được 6 năm, sau đó bị phá bởi chính Jacques Piccard ở Thái Bình Dương với thành tích hơn gấp đôi: 10.916 mét. Cái tên Houot nhanh chóng bị lãng quên như mọi kỷ lục khác của thời hiện đại, ngay cả khi sau này ông xuống được đến độ sâu 9.545 mét. Mãi đến khi Houot qua đời năm 1977, nước Pháp mới nhớ đến vị anh hùng ấy: tờ Le Monde đăng cáo phó với danh hiệu trang trọng “Cha đẻ của Bathyskaphs“, để rồi vài hôm sau phải xin lỗi độc giả: người phát minh ra  Bathyskaph là người Thụy Sĩ Auguste Piccard - lại một lần nữa, tên tuổi một trong những chiến sĩ tiên phong vĩ đại nhất của biển sâu bị chìm vào bóng đêm...

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm