Người đàn bà đầu tiên 'off-road' quanh thế giới

31/01/2017 07:18 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Chiếc ô tô đầu tiên chưa phát minh được bao lâu thì đã có người dùng nó đi vòng quanh trái đất. Mà lại là một phụ nữ. Với hành trang gồm ba khẩu súng ổ quay và 128 quả trứng.

Ngày 13-8-1928

… thì họ tính đến khả năng bỏ cuộc. Không ai còn đủ sức nghĩ đến chuyện dùng dây tời kéo chiếc ô tô 6 máy lên dốc. Chiếc xe lúc này cũng chỉ là cục sắt vô dụng vì toàn bộ két nước làm mát đã cạn khô: Claerenore Stinnes và người cuối cùng theo chân cô, nhà quay phim Carl-Axel Soederstroem, đã phải uống hết để khỏi chết khát.

Hai người kiệt sức, loạng choạng đi xuyên qua những triền núi cằn cỗi của dãy Andes thuộc Peru, không thức ăn, không la bàn định hướng. Sau này Soederstroem viết trong nhật ký: “Chúng tôi khóc như những đứa trẻ, giày chúng tôi bị đá tai mèo cắt nát, mỗi bước chân bỏng rát như đạp lên lửa. Có những đoạn phải bò cả bốn cẳng, mép sùi bọt trắng, cặp mắt sưng vù nhìn đâu cũng tưởng thấy nước.”

Bốn ngày và 50 km sau thì họ nhìn thấy ngôi làng đầu tiên. Soederstroem ngã vật ra, sốt bừng bừng đến 41 độ. Stinnes vực anh dậy bằng nước lá coca. Họ nhờ được 20 người bản xứ kéo hộ xe, và chuyến đi lại tiếp tục.

10 tháng sau thì họ cán đích: đồng hồ cây số chỉ 46.758 km khi Soederstreom và Stinnes tiến vào Berlin hôm 24-6-1929. Họ là hai người đầu tiên đi ô tô vòng quanh thế, qua 23 quốc gia. Xuất phát từ Frankfurt đi về phía Nam, qua vùng núi Balkan, Cavcaz, qua vùng tuyết Siberia, vượt sa mạc Gobi và Trung Hoa rồi Nhật Bản, qua rặng núi Andes và lục địa Bắc Mỹ. 


Người đàn bà thép

25 tháng băng tuyết và nắng lửa…

… bùn và sỏi, bão tố và lụt lội, đa số không có đường và bản đồ, chẳng có cây xăng lẫn trạm sửa chữa. Rốt cục lý do khiến họ sống sót có lẽ là cái tính cứng đầu cứng cổ của người phụ nữ không bao giờ biết quay đầu.

 “Chắc chắn cô là một người đàn bà thép, chưa bao giờ tôi nghe thấy cô than thở một lời”, Carl-Axel Soederstroem ghi trong chuyến đi về Claerenore Stinnes.

Nhưng động cơ gì thúc đẩy con gái một nhà công nghiệp giàu có? “Có gì đâu, tôi muốn tận mắt làm quen thế giới bao la, có thế thôi”, Stines trả lời nhật báo Die Stunde ở Vienna. Trên tấm hình in kèm, người đọc thấy cô mặc quần và cà vạt, phì phèo thuốc lá – quả là chướng tai gai mắt ở thời bấy giờ.     

Bố mẹ cô kể lại, lúc nhỏ cô bé toàn chơi với phụ tùng ô tô chứ không ngó đến búp bê, năm 13 tuổi cô có thể nhận ra toàn bộ các mẫu xe ô tô và mô tô. Họ không phấn khởi lắm với quyết định của con gái và không ủng hộ xu nào. Stines đi gõ cửa các nhà tài trợ: Bosch, Continental và Aral, những công ty muốn quảng cáo đồ điện, săm lốp và xăng Đức.  

Khi cha qua đời, cô không được nhận vị trí lãnh đạo nào, do đó bỏ nhà lên thủ đô. Mẹ cô chỉ muốn kiếm một đám môn đăng hộ đối, nhưng Stinnes lại vào nghề lái xe đua: năm 1924, cô giật cúp đầu tiên, và năm 1927 cô đã có 17 giải thưởng trong tủ kính. Hãng xe Adler tặng cô một chiếc Standard 6 với 50 mã lực, và khi được hỏi cần phụ kiện gì, cô gái độc thân chỉ xin lắp chiếc ghế có thể ngả ra để ngủ trên xe!


Trên đường từ Peru đi Bolivia

Carl-Axel Soederstroem cùng hai thợ máy…

… được chọn đi theo trên một chiếc xe tải. Stines nhắm đến nhà quay phim người Thụy Điển ấy vì trước tiên là anh đã có gia đình, và cô cũng hy vọng “người Bắc Đức vốn mát tính”. Tuy nhiên chẳng bao lâu sau, Soederstroem sẽ hối hận cho quyết định của mình. Họ lên đường hôm 27-5-1927, và ngay hôm sau đã bị nổ lốp, và đến Praha thì hỏng côn. Ở trạm nghỉ Belgrad Soederstroem ghi nhật ký: “Mới đi được một tuần, nhưng ước gì mình được ở nhà”.

Đến Moskva, thì thợ máy đầu tiên bị viêm ruột thừa và buộc phải bỏ cuộc. Đoàn người đi tiếp về hướng Đông. Sợ mùa Đông đến sớm, Stines thúc cả đoàn đi không nghỉ, ngay cả các bữa ăn cũng diễn ra sau tay lái: ngoài ba khẩu súng ổ quay, Stines gói theo 128 quả trứng luộc. Dọc đường họ nhận được hàng tá điện tín của gia đình và bạn bè khuyên quay đầu, thậm chí cả ngoại trưởng Gustav Stresemann cũng đích thân can gián.

Sau này cô viết cuốn sách hành trình “Xuyên qua hai thế giới” và nhắc đến giai đoạn đầu của chuyến đi: “Giá mà tôi không mù tịt về các thử thách về kỹ thuật thì tôi đã bỏ cuộc, nhưng chữ đó thiếu hẳn trong từ điển của tôi.” Đoàn phiêu lưu đối mặt với mọi khó khăn trên đường, chống lại chó sói và đám người Nga say rượu định cướp xe. Đến Novosibirk thì thợ máy thứ hai đào ngũ.


Không có đường (trên núi Andes) thì thuê bò và ngựa kéo

Giờ thì hai người chỉ còn có nhau

… và gian khổ đưa họ lại gần nhau hơn. Gần đến mức nào thì Stines không nói rõ trong nhật ký. Ở Irkutsk (Nga) họ buộc phải nghỉ 10 tuần, đợi cho hồ Baikal đóng băng đủ cứng để đi xe qua. Tuy nhiên băng vỡ liên tục, và có lần cả một xe ngựa trước mặt họ chìm nghỉm vào làn nước băng giá. Họ qua đến bờ kia như một phép màu và mừng chiến thắng bằng một trận Vodka cho đến khi bất tỉnh.  

Nhưng chưa hết nguy hiểm. Trên sa mạc Gobi họ bị các bộ tộc hiếu chiến bám sát gót. Chiếc xe tải cháy trụi. Ngày 28-4-1928 hai người vào đến đất Nhật và lên tàu đi Hawaii, đi tiếp tới tận Lima, Peru. Núi Andes vốn chưa có đường, nhiều đoạn dốc đến 60%, đôi chỗ họ phải khai phá bằng thuốc nổ. Ngày 12-8 Stines ghi sổ: “Hôm nay đi được 150 mét, thê thảm quá.”

Đoạn đường cuối cùng là Bắc Mỹ, nơi họ được tiếp đón như minh tinh màn bạc. Henry Ford đích thân mời họ thăm nhà máy ô tô ở Detroit, tổng thống Herbert Hoover tiếp họ ở Nhà Trắng.

Sau chuyến tàu vượt Đại Tây Dương, họ im lặng đi những cây số cuối cùng đến Berlin – trước mặt họ không chỉ là cuộc đón tiếp tưng bừng, mà còn là phiên tòa ly dị để Soederstroem kết hôn người bạn đường của mình.    

Giờ thì họ không còn bụng dạ nào đi xa nữa. Hai người mở một nông trại ở Nam Thụy Điển và sinh ba đứa con. Người đàn bà thép - từng đi một vòng trái đất để chiến thắng chính mình và tìm được tình yêu của đời mình- đi chuyến cuối cùng ngày 7-9-1990 về thế giới bên kia.

Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm