Người chuyển giới Thái chật vật sinh tồn

24/07/2012 09:55 GMT+7 | Trong nước


Mang trang phục giản dị cùng gương mặt trang điểm nhẹ nhàng, Gigi mỉm cười khi nói về quá khứ và công việc hiện tại của cô. Cô là một trong 180.000 người chuyển giới ở Thái Lan.

6 năm trước, người phụ nữ 40 tuổi này bị chẩn đoán dương tính với virus HIV, sau một thời gian dài kiếm sống bằng nghề bán dâm.

"Khách hàng của tôi, một số sử dụng biện pháp an toàn, và một số thì không", Gigi chia sẻ về quãng thời gian hành nghề mại dâm ở Pattaya, một trong những trung tâm của ngành công nghiệp tình dục ở Thái Lan, đồng thời là nhà của 3.000 người chuyển giới trong mùa du lịch.

"Tôi từng quan hệ với rất nhiều người", cô nói. "Tôi tin mình sẽ chết sớm, nên muốn được sống thật thoải mái".

Rất nhiều trong số gái mại dâm ở các khu đèn đỏ tại Thái Lan là người chuyển giới. Ảnh: AP

Tuy nhiên, cô đã quyết định sẽ làm lại cuộc đời sau khi nhận được kết quả xét nghiệm HIV. Sau thời gian điều trị căn bệnh, cô từ bỏ nghề mại dâm và chuyển sang làm việc với tư cách một nhà hoạt động xã hội, phân phát bao cao su và tư vấn về an toàn tình dục cho những người chuyển giới trẻ tuổi ở thủ đô Bangkok.

Công việc này, theo lời các tổ chức phi lợi nhuận, mang ý nghĩa rất tích cực đối với một quốc gia như Thái Lan.

Nhiệm vụ của một nhà hoạt động xã hội khiến Gigi thường xuyên phải lui tới những khu đèn đỏ trong thành phố như Patpong. Nơi này vốn là nổi tiếng với cuộc sống tình dục về đêm, đồng thời là chốn kiếm cơm của những người chuyển giới hành nghề mại dâm.

Thái Lan hiện phải đối mặt với tỷ lệ lây nhiễm HIV giữa những người chuyển giới ngày càng tăng cao. Lý do của thực trạng này xuất phát từ lối sống không lành mạnh, với mại dâm và ma túy, cùng sự thiếu thốn của hoạt động chăm sóc sức khỏe. Chính những vấn đề trên đã khiến người chuyển giới trở thành một trong những nhóm dân cư phải chịu nhiều thiệt thòi nhất đất nước.

Thuốc viên Truvada, một bước đột phá trong hoạt động phòng chống HIV, vừa được giới chức Mỹ chính thức cho phép sử dụng hồi tuần trước, bị cho là quá đắt với phần lớn người dân Thái.

Ước tính có khoảng 530.000 người Thái đang sống chung với virus HIV, theo công bố của Liên Hợp Quốc hồi năm 2010. Mặc dù chưa có thống kê cụ thể về con số người thuộc giới tính thứ ba bị nhiễm HIV trên toàn thế giới, nhưng các khảo sát ở địa phương cho thấy tỷ lệ này đang tăng rất nhanh và có nguy cơ lan rộng.

Theo thống kê của chính quyền tỉnh Chonburi, 11% người chuyển giới ở địa phương này, tập trung chủ yếu ở thành phố Pattaya, nơi nổi tiếng với những màn biểu diễn "sex show", bị chẩn đoán nhiễm virus HIV.

Mại dâm, ma túy cũng như tình trạng thiếu thốn dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã đẩy rất nhiều người thuộc giới tính thứ ba khỏi cộng đồng, theo nghiên cứu của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc được công bố hồi tháng 5.

Các nhà hoạt động xã hội ở Thái Lan cho biết, tình trạng này đang ngày một tệ hơn do sự gia tăng con số thanh niên chuyển giới làm việc trong ngành công nghiệp tình dục. Không chỉ thế, những người này còn rất hiếm khi kiểm tra sức khỏe. Theo một khảo sát năm 2009, chỉ có một phần tư trong số 300 người chuyển giới được phỏng vấn ở thành phố Pattaya cho biết họ từng đi xét nghiệm HIV.

"Nếu hoạt động thăm khám không được phổ biến rộng rãi, vấn đề sẽ tệ đi nhanh chóng", Alex Duke, nhân viên của PSU, một nhóm hoạt động vì sức khỏe toàn cầu, tổ chức đã thực hiện cuộc khảo sát nói trên, đồng thời từng mở nhiều phòng khám sức khỏe cho người chuyển giới, nói.

Theo ông Duke, lối sống không lành mạnh càng làm tăng thêm thách thức cho việc chẩn đoán và điều trị HIV. Bản thân những người chuyển giới chỉ nghĩ tới việc kiếm thật nhiều tiền để nuôi sống bản thân chứ không quan tâm tới sức khỏe và tuổi thọ của chính mình.

"HIV chỉ là một trong số rất nhiều mối nguy hiểm mà những người chuyển giới phải đối mặt mỗi ngày", ông nói thêm, đặc biệt nhấn mạnh tới tình trạng bạo lực đối với những người hành nghề mại dâm.

Không chỉ dừng lại tại đó, vấn đề phân biệt đối xử cũng cần được quan tâm. Theo Prempreeda Pramoj Na Ayutthaya, nhà hoạt động xã hội, đồng thời là chuyên gia nghiên cứu về cuộc sống của những người chuyển giới, cho biết các tiêu chuẩn cơ bản như giáo dục, y tế và cơ hội việc làm là những thứ quá xa vời với nhóm người này.

Trong khi Thái Lan nổi tiếng trên toàn thế giới như một quốc gia tập trung rất nhiều người thuộc giới tính thứ ba, luật pháp nước này lại sẵn sàng gạt bỏ họ sang bên lề xã hội.

"Người chuyển giới tất nhiên sẽ không bị đánh đập hay lạm dụng khi xuất hiện trên đường phố, nhưng điều ấy không đồng nghĩa với việc họ sẽ có cơ hội để kiếm được một công việc tử tế", Prempreeda giải thích.

"Rất nhiều người chuyển giới tin rằng mại dâm là con đường duy nhất để kiếm tiền và đảm bảo cái tôi của họ."

Những người này thường bỏ học, rời xa gia đình và hành nghề mại dâm từ rất sớm. Điều đó khiến họ mất cơ hội để có được một công việc tốt đẹp hơn.

Hậu quả của việc này, theo lời Prempreeda, là khiến xã hội Thái Lan ngày một bất ổn và đẩy một lượng lớn người chuyển giới sang con đường mại dâm, hoặc "tử tế" hơn, là vũ công thoát y.

Duke cho rằng, một trong những phương án khả thi nhất để giảm thiểu vấn đề này là sử dụng chính những người chuyển giới như một cầu nối, giúp chẩn đoán và hỗ trợ những người phơi nhiễm với virus HIV, góp phần làm giảm số lượng người mắc bệnh và xây dựng bức tranh chi tiết hơn về hậu quả của HIV đối với cộng đồng.

Cuộc trò chuyện tạm dừng khi Gigi lấy túi xách và đặt những viên thuốc vào lòng bàn tay. Gigi nói, rất nhiều trong số những người chuyển giới như cô đã sẵn sàng giải quyết các vấn đề của bản thân, cũng như góp phần xây dựng hình ảnh của thế giới thứ ba tốt hơn trong mắt cộng đồng.

"Có rất nhiều thanh niên đang mắc phải các vấn đề như tôi trước đây", cô nói. "Nhưng chúng ta có thể giúp họ. Hãy đối xử với họ như những người bình thường".

Theo Vnexpress

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm