Người chuyển giới châu Á - vẫn còn bị kỳ thị

26/11/2015 07:01 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Việt Nam vừa gây chú ý khi thông qua quyền xác định lại giới tính, qua đó bảo vệ tốt hơn cộng đồng người chuyển giới ở trong nước. Đây là một bước tiến rất lớn, vượt xa nhiều quốc gia khác ở châu Á.

Trên toàn khu vực châu Á, thái độ của các xã hội với người chuyển giới về cơ bản là vẫn chưa được cởi mở đón nhận.

Mặc đồ khác giới có thể phải ngồi tù

Hãng tin AFP cho biết Trung Quốc, đất nước đông dân nhất châu lục, hiện có 4 triệu người chuyển giới và họ vấp phải sự phân biệt đối xử nặng nề dù người chuyển giới tồn tại từ rất lâu trong lịch sử Trung Quốc, có chỗ đứng trong lịch sử và văn chương. Tuy nhiên họ vẫn bị xem như người mắc bệnh tâm thần, dù hoạt động phẫu thuật chuyển giới lại được cho phép thực hiện.

Những ai công khai bản thân là người chuyển giới có thể bị xã hội kỳ thị. Họ cũng có thể bị gia đình ép kết hôn và sinh con đẻ con cái để "chữa bệnh". Sau khi phẫu thuật thay đổi giới tính, người chuyển giới rất khó xin việc, không thể làm giấy tờ chứng nhận danh tính và ngay cả những việc đơn giản như mua thẻ đi tàu cũng có thể là thách thức lớn đối với họ.

Tại Malaysia, người ta thậm chí có thể khởi tố và bỏ tù đàn ông mặc đồ phụ nữ hoặc ngược lại. Theo Tổ chức giám sát nhân quyền (HRW), người chuyển giới ở Malaysia có thể bị đuổi việc, bị tống cổ khỏi nhà, bị tấn công về thể xác và tinh thần.


Cộng đồng chuyển giới Thái Lan nổi tiếng thế giới, nhưng người chuyển giới ở đây vẫn không thể thay đổi giới tính của họ trong thẻ căn cước

Họ không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế vì không có giới tính rõ ràng. Cảnh sát từ chối điều tra các vụ tấn công nhằm vào họ. Trong một số trường hợp, họ còn bị đe dọa khi báo cáo cảnh sát về việc bản thân bị tấn công.

Sự phân biệt đối xử diễn ra rất rõ ràng. Sharan, một phụ nữ chuyển giới ở Kuala Lumpur cho HRW biết rằng khi tới chữa bệnh tại một bệnh viện công, các y tá đã không muốn sờ vào người cô. "Tôi cảm thấy như mình là một loại dịch bệnh. Họ không muốn chạm vào tôi có lẽ vì sợ lây bệnh chuyển giới?" - cô chia sẻ.

Thái Lan hiện có từ 10.000 - 100.000 người chuyển giới, còn gọi là kathoey, trên quy mô dân số 56 triệu người. Thái Lan còn là nước dẫn đầu thế giới về các cuộc phẫu thuật chuyển giới.

Thế nhưng cộng đồng kathoey vẫn bị kỳ thị. Không phải vô cớ mà nhiều kathoey phải tham gia bán dâm. Họ thường không kiếm được các nghề nghiệp "tử tế". Họ bị gia đình chối bỏ và bị gạt ra lề xã hội. Nhiều người Thái vẫn cho rằng các kathoey đang phải trả giá vì đã làm điều tồi tệ trong kiếp trước.

Tờ Daily Beast nói rằng người chuyển giới ở Thái Lan vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống thường nhật, ngay từ những việc đơn giản như sử dụng phương tiện vận tải công cộng, mà nguyên nhân chủ yếu do chưa được pháp luật công nhận giới tính.

Phải đến tháng 7 năm nay, chính quyền Thái Lan mới đề xuất rằng hiến pháp mới cần ngăn cấm việc phân biệt đối xử dựa trên giới tính của mỗi người.

Khi chuyện chuyển giới vào… nghị trường

Khi chuyện chuyển giới vào… nghị trường

Một thông tin đáng chú ý trong kỳ họp đang diễn ra của Quốc hội khóa XIII: vấn đề công nhận quyền chuyển giới của mỗi cá nhân.


Người chuyển giới bị xem như bệnh tật

Ở khu vực Nam Á, tình hình có khác hơn một chút. Tháng 4/2014, Tòa án tối cao Ấn Độ đã chính thức ghi nhận cộng đồng chuyển giới thuộc về giới tính thứ ba, nghĩa là không phải nam giới hay nữ giới. Phán quyết đã mở đường để thực hiện quyền bình đẳng cho cộng đồng chuyển giới lên tới 3 triệu người ở nước này.

Ngoài việc được thừa nhận, cộng đồng người chuyển giới ở Ấn Độ còn được tiếp cận với các chương trình phúc lợi trong xã hội, vốn chỉ dành cho các nhóm người thiểu số.

Đây được xem là bước ngoặt quan trọng ở Ấn Độ. Tuy nhiên, những người như nhà hoạt động Mohsin Sayeed ở Pakistan chỉ ra rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để cộng đồng người chuyển giới không bị phân biệt, không chỉ ở Ấn Độ mà tại cả các khu vực khác ở Nam Á.

Trong cuộc chia sẻ với hãng tin DW của Đức, ông chỉ ra rằng ở Nam Á, tình trạng phân biệt chống lại người chuyển giới vẫn đóng đinh rất sâu trong tâm trí của công chúng.

Người chuyển giới bị kỳ thị và thậm chí không được xem như con người. Ông chỉ ra rằng tại Pakistan, cách đây khoảng 6 năm, Tòa án tối cao mới cho phép người chuyển giới có thẻ căn cước riêng. Trước đó, họ không thể đi lại, không thể có hộ chiếu, không thể xin việc.

Nhưng kể cả khi sự thay đổi diễn ra, họ vẫn không có được các công việc tử tế và buộc phải xin ăn hoặc bán dâm để kiếm sống. Người chuyển giới, được gọi là "hijras", phải sống trong những khu vực riêng, vì không thể ở chung cùng người "bình thường".

Nguyên nhân, theo Sayeed, cũng chỉ bởi xã hội coi khinh họ. Người ta nghĩ họ là kẻ mắc bệnh. Các yếu tố xã hội, tôn giáo và kinh tế càng làm tăng thêm thái độ khinh thị.

Đó là tình hình cơ bản của người chuyển giới ở khu vực châu Á và chắc chắn rằng thay đổi thái độ với họ theo hướng tích cực hơn sẽ không phải là chuyện một sớm, một chiều.

Sự ngạc nhiên lớn tới từ Nepal

Sau khi Tòa án tối cao ra phán quyết chống phân biệt giới tính hồi năm 2007, Nepal trở thành nước đầu tiên trên thế giới thêm lựa chọn giới tính thứ ba vào các mẫu thăm dò nhân khẩu. Nước này cũng đưa giới tính thứ 3 vào hộ chiếu trong năm 2013.

Gia Bảo (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm