Người chụp xe tăng húc đổ cổng dinh Độc Lập qua đời

06/09/2008 07:00 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 30/4/1975, bà là người duy nhất chụp được khoảnh khắc lịch sử cảnh xe tăng quân đội ta húc đổ cổng dinh Độc Lập từ phía bên trong của dinh. Năm 1976, bà là người phụ nữ đầu tiên giành Giải ảnh báo chí thế giới (WPPA). Hôm thứ 3 vừa qua, Francoise Demulder - một trong những phóng viên ảnh chiến tranh nổi tiếng nhất thế giới - đã qua đời do bị trụy tim tại một bệnh viện ở Paris (Pháp), thọ 61 tuổi.

 Bà Francoise Demulder thời ở Sài Gòn

Francoise Demulde, được các đồng nghiệp gọi với cái tên thân mật là Fifi, bắt đầu nổi tiếng bởi những bức ảnh về chiến tranh Việt Nam. Bà từng cầm máy sang Việt Nam ngay từ giữa thập kỷ 1960 khi mới 19 tuổi. Sau khi học triết học tại Paris, bà có thời gian ngắn làm người mẫu. Nhưng bà đã bỏ tất cả vì sự đam mê đối với Việt Nam và vùng đất châu Á.

Robert Stevens, nguyên là người biên tập các bức ảnh của bà ở tạp chí Time (Mỹ) nhớ lại trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, những bức ảnh khác thường của bà về cái chết, về sự tàn phá và nỗi khủng khiếp chính là điều đã thể hiện sức mạnh của người phụ nữ mảnh dẻ này. Chúng đã cho người Mỹ thấy được sự thực của một chiến tranh tàn khốc. Theo Robert Stevens, cùng với một số rất ít nhà nhiếp ảnh tự do khác, qua những bức ảnh đó của mình, bà Francoise Demulder đã góp phần mở đường cho cho việc chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
 
 
Tấm ảnh lịch sử của Francoise Demulder: Xe tăng 390 húc văng hai cánh cổng chính của dinh Độc Lập, còn xe 843 bị kẹt lại ở cổng phụ. Bùi Quang Thận từ xe 843 nhảy xuống cầm cờ chạy vào dinh (ở đầu mũi tên).
Ngày 30/4/1975, khi quân ta tiến vào Sài Gòn, chỉ có rất ít phóng viên nước ngoài có mặt ở phía trong khuôn viên của dinh Độc Lập. Trong đó có bà Francoise Demulder. Lúc xe tăng húc đổ cổng dinh, bà là người duy nhất chụp được khoảnh khắc lịch sử ấy. Một phóng viên truyền hình ngồi cạnh bà chỉ dám ngồi im quan sát, có lẽ vì sợ rằng những người lính tăng từ xa không thể phân biệt được đâu là camera, đâu là... súng chống tăng. Đó quả là một tình huống chiến tranh nguy hiểm, cần phải thận trọng. Riêng bà Demulder thì không.
 
Năm 1995, bà Demulder đã trở lại Việt Nam để tìm những người lính trên chiếc xe tăng đã húc đổ cổng dinh Độc Lập. Và chính qua đó bà đã góp phần làm sáng tỏ một chi tiết lịch sử: Theo bức ảnh mà bà ghi lại được, chiếc xe tăng đã húc đổ cổng dinh Độc Lập là xe tăng 390 chứ không phải chiếc 843 như sách báo Việt Nam từng viết. Cũng từ đó những người lính tăng 390 đã được biết đến và được quan tâm nhiều hơn.
 
Bức ảnh được WPP trao giải “Bức ảnh báo chí xuất sắc nhất thế giới”
năm 1976

Thực tế là trong quãng đời tiếp theo, bà Demulder chưa bao giờ hoàn toàn rời xa được Việt Nam cũng như vùng đất chiến tranh Đông Dương cách đây hơn 30 năm. Bởi nó đã trở thành một phần máu thịt của bà, tạo ra cốt cách của bà. Với cốt cách ấy, bà đã đến Liban và tại đó vào năm 1976, bà tiếp tục chụp những bức ảnh lột tả được một cách rõ nét nhất sự tàn khốc của chiến tranh. Khi ấy ở đó có hàng trăm người tị nạn Palestin bị hành quyết bởi lực lượng vũ trang theo cánh hữu Phalang. Và tại trại tị nạn ở quận Quarantaine, Beirut, bà chụp được cảnh một người phụ nữ đang cầu xin những binh lính tha chết cho chồng bà, trên một dường phố đang bốc cháy ngay giữa Beirut, vẫn được mệnh danh là "Paris của Trung Đông". Tấm hình này đã đoạt giải cao nhất của Giải ảnh báo chí thế giới (WPPA) lần thứ 20 để trở thành Bức ảnh báo chí xuất sắc nhất thế giới năm 1976. Đó là lần đầu tiên có một nữ phóng viên ảnh đoạt giải thưởng đầy danh giá này.

Sau một đợt điều trị bệnh bạch cầu hồi năm 2003, bà Demulder bị liệt và không còn theo đuổi được sự nghiệp của mình nữa. Năm 2005, bà không thể sang Việt Nam để dự lễ kỷ niệm tròn 30 năm ngày quân ta tiến vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, vì lúc đó bà đang được điều trị tại một bệnh viện quân đội ở Paris. Ngày 2/9 vừa qua, bà Francoise Demulder đã qua đời ở tuổi 61 do bị trụy tim.

Trở thành người ghi lại lịch sử bằng hình ảnh rất nhiều cuộc chiến tranh - từ Việt Nam, Canpuchia cho đến Liban và Iraq - với nhiều tác phẩm xuất hiện trên báo chí, như Time, Life hay Newsweek, bà Francoise Demulder được đánh giá là một trong những phóng viên ảnh chiến tranh nổi tiếng nhất thế giới.

Cùng với bà, nước Pháp "đã mất đi một người phụ nữ đáng nể trọng, một nữ nhiếp ảnh gia vĩ đại và một phóng viên chiến tranh dũng cảm nhất", nữ Bộ trưởng Văn hóa Pháp Christine Albanel nói.
 
Phan Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm