Ngọn núi tổng thống ở Mỹ

04/10/2012 06:30 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH Cuối tuần) - Cho đến 1885 nó chỉ là một ngọn núi vô danh trong dãy Black Hills thuộc miền Nam Dakota, nơi chủ nhân chính thức, người da đỏ của bộ tộc Sioux, đại bại trong cuộc chiến không cân sức với người da trắng và vùng đất biến thành khu đào vàng. Nhưng giờ đây ngọn núi tổng thống này thu hút 3 triệu khách du lịch mỗi năm.

Giấc mơ ở “khu vườn của Chúa”

Vốn là một bang thuộc loại “chó ăn đá, gà ăn sỏi“ nên khi nhà sử học Doane Robinson đề nghị tạc tượng trên dãy núi Black Hills để thu hút khách du lịch thì nhà chức trách cũng dễ dàng gật đầu. Đó là năm 1923. Thoạt tiên ông muốn tôn vinh vài thần tượng, như Buffalo Bill, người săn bò rừng bison nổi tiếng. Robinson cũng không khó khăn để chọn nhà tạc tượng thực hiện kế hoạch của mình: Gutzon

Borglum ngày ấy là nghệ sĩ tạo hình số 1 của đế chế Hoa Kỳ non trẻ. Borglum chấp thuận với một điều kiện là ông từ lâu đã đeo đuổi một công trình để lại cho hậu duệ, do đó ông không hao phí phần đời còn lại của mình với những người hùng địa phương, mà chỉ muốn dựng tượng đài các nhân vật vĩ đại nhất của dân tộc.

Núi Rushmore - khu Tưởng niệm Quốc gia. Núi Rushmore thể hiện bốn gương mặt Tổng thống Hoa Kỳ với chiều cao 18 m, từ trái sang phải lần lượt là George Washington, Thomas Jefferson, Theodore Roosevelt và Abraham Lincoln

Ngày 15/8/1925, đội thám hiểm của Borglum tìm được ngọn núi hợp ý: Mount Rushmore, toàn bằng đá hoa cương mịn, là vật liệu lý tưởng cho công trình này. Tình cờ, sườn núi hướng Đông Nam cũng có địa thế tuyệt vời để tạo bóng nắng khi mặt trời di chuyển. Lúc trèo lên đỉnh để nhìn xuống, Borglum xúc động gọi đây là “khu vườn của Chúa“, và mơ ngay đến hình ảnh “nước Mỹ sẽ hành quân dọc dãy núi này“.

Borglum đã làm một con tính trên trời mà quên mất các trở lực dưới đất. Nhóm bảo vệ thiên nhiên ở Nam Dakota phản đối kế hoạch chặt cây trên sườn núi, còn những người trọng tâm linh tin rằng Thần Núi sẽ nổi giận khi bị mất thiêng. Chưa kể người dân đóng thuế của bang lo phải móc hầu bao cho dự án vô bổ đó. Nhiều năm sau, bản nháp của Borglum nằm mốc trong ngăn kéo mà không nhà đầu tư nào bày tỏ thiện chí.

Mỗi năm 3 triệu du khách tới chiêm ngưỡng 4 vĩ nhân bằng đá đã biến xứ sở mà đám người ô hợp đào vàng cướp được thành một cường quốc.

Cho đến một ngày đẹp trời năm 1927. Tổng thống Calvin Coolidge đến đây nghỉ hè và bị Borglum lôi vào một cuộc tranh luận không sao dứt ra nổi. Sau kỳ nghỉ, ông xuất hiện trước công chúng với một bài diễn văn đầy nhiệt huyết, gọi núi Rushmore là “bàn thờ dân chủ của dân tộc“ và hứa trích công quỹ cho dự án khổng lồ này. Ngày 10/8 cùng năm, ông trao tượng trưng cho Borglum một bộ đục đá bằng thép siêu cứng.

Rốt cuộc thì ở tuổi 60, khi sức khỏe đã đi xuống, Borglum bắt tay với giấc mơ bằng đá hoa cương của mình. Ông sai dựng một căn chòi nhỏ ở chân núi để suốt ngày ngó ra cửa là thấy toàn cảnh Rushmore.

Trong cái xưởng sáng tác ấy, ông nặn sa bàn thạch cao với hình bán thân của các tổng thống George Washington, Thomas Jefferson, Theodore Roosevelt và Abraham Lincoln. Với thước đo góc thô sơ, ông chuyển các điểm chốt lên sườn núi vô cùng chính xác. Khuôn mặt dài 18 mét của Tổng thống lập quốc Washington cũng là phần tượng đài đầu tiên được hoàn thành, vào đúng ngày Quốc khánh 4/7/1930. Nguyên thủ số 2 là Jefferson, người có công mua thêm địa phận Louisana để tăng diện tích cho Hợp chúng quốc. Theo dự tính, đầu Jefferson ở bên phải Washington. Sau 18 tháng đục đẽo, Borglum không vừa ý nên sai nổ mìn phá hết, làm lại từ đầu ở bên trái. Chi tiết khó nhất là miệng Jefferson, dài chừng 6 mét, vì vị tổng thống này có kiểu cười nửa miệng rất đặc trưng. Các thợ đục đá phải khoan lỗ sát nhau rồi đút thuốc nổ vào phá. Sau này người ta tính lại và thấy công việc bằng tay chỉ chừng 10%, phần còn lại là các quả mìn với độ chính xác tuyệt hảo. Dưới chân núi hôm nay còn chất đầy các mảnh vụn.

Những bức tượng nguyên thủy theo dự kiến sẽ dài đến thắt lưng nhưng rồi phải bỏ dở do không đủ kinh phí

Đại công trường dang dở

Đúng ngày 30/8, Tổng thống đương nhiệm Franklin D. Roosevelt trân trọng khai trương khuôn mặt của Jefferson với ánh mắt nhìn chếch lên trời như thể hiện một hoài bão hướng về tương lai.

Năm 1937 là một thử thách đặc biệt với nhà tạc tượng, vì sinh thời Lincoln có nhiều sẹo đậu mùa. Với Borglum, vị nguyên thủ này mang ý nghĩa cực kỳ đặc biệt trong lịch sử Hoa Kỳ vì đã có công giải phóng nô lệ và lập nên nước Mỹ thời hiện đại, thậm chí Borglum còn lấy tên ông đặt cho đứa con trai duy nhất của mình. Rốt cuộc, sau nhiều lần phá đi làm lại, khuôn mặt Abraham Lincoln hoàn tất vào ngày 17/9/1937.

Năm 1939 đánh dấu một cuộc trăn trở mệt mỏi, vì giữa Jefferson và Lincoln sẽ xuất hiện nhân vật gây tranh cãi nhất từng ngự trị trong Nhà Trắng do chính ông đặt tên: Theodore Roosevelt, tổng thống thứ 26. Công trạng của Roosevelt kỳ thực chỉ gói gọn trong dự án kênh đào Panama nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương như Columbus từng mơ ước. Và ông cũng chỉ mới qua đời được 8 năm trước khi khởi đầu dự án Rushmore, nhiều người chưa muốn công nhận ông là nhân vật lớn trong lịch sử.

Gutzon Borglum trong xưởng chế tác của mình

Lý do mà nghệ sĩ Borglum cứng đầu cứng cổ không nói ra: sinh thời Roosevelt từng là bạn thân của ông. Và cuối cùng thì đúng 2/7/1939 Roosevelt xuất hiện giữa các bậc tiền bối khả kính.

Công trường Mount Rushmore nằm khoảng 1.800 mét trên mặt biển, mỗi ngày các công nhân phải leo hơn 500 bậc lên đỉnh rồi thòng dây xuống, ngồi vắt vẻo trên những tấm ván gỗ. Như một phép màu, mặc dù không có biện pháp bảo hộ lao động nào đặc biệt mà cả 400 công nhân đều an toàn.

Gutzon Borglum không có may mắn để chứng kiến nhát đục cuối cùng trong công trình của đời mình. Ông qua đời ngày 6/3/1941. Con trai ông tiếp nhận công trình, nhưng cũng chỉ 7 tháng sau phải bỏ dở. Thế chiến II nổ ra, ngân sách tài trợ cho công trình tạo hình chợt trở nên phù phiếm. Thực ra Gutzon Borglum còn định tạo thân hình các tổng thống đến thắt lưng. Nay thì mọi việc đều chấm dứt một cách bi ai. Dự án này tổng cộng tiêu mất một triệu USD (cũ) thì buộc phải bỏ dở đến tận hôm nay. Ít nhất thì ước mơ của nhà sử học Doane Robinson cũng thành sự thật: mỗi năm 3 triệu du khách cất công đến đây để chiêm ngưỡng bốn vĩ nhân bằng đá có tầm mắt xa thẳm, biết biến xứ sở mà đám người ô hợp đào vàng cướp được thành một cường quốc trên hành tinh này.

Lê Quang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm