New Zealand rung chuyển vì thiếu… mứt!

21/03/2012 14:39 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Đối với những người không khoái Marmite, nó chẳng khác gì một thứ "keo dính" nặng mùi và vô cùng khó nuốt. Còn với phần lớn dân New Zealand, đây là loại mứt hơi dinh dính màu đen chuyên dùng phết lên bánh mỳ, được họ vô cùng ưa thích.

Và khi công ty sản xuất tuyên bố không thể đưa thêm mứt ra thị trường, đất nước New Zealand đã lập tức rơi vào khủng hoảng.

Sanitarium, công ty sản xuất mứt Marmite vừa gây ra trận địa chấn mới, khi tuyên bố trên trang web rằng kho dự trữ của họ sẽ cạn trong tuần này.

Thủ tướng cũng phải ăn dè

Thông tin của Sanitarium xuất hiện 4 tháng sau các trận động đất ở vùng Christchurch đã giết chết 185 người, đồng thời làm hỏng luôn nhà máy duy nhất có thể làm ra mứt Marmite kiểu New Zealand.

“Đừng lo lắng. Chúng tôi sẽ sớm trở lại" - công ty nói trên trang web. Tuy nhiên những thông tin của họ không khiến những con người của đất nước có 4,4 triệu cư dân, vốn tiêu thụ 640 tấn mứt Marmite mỗi năm, cảm thấy yên dạ.

“Tôi có thể xác nhận rằng đã có một cơn sốt mua Marmite trong ngày hôm qua" - Antoinette Shallue, phát ngôn viên chuỗi cửa hàng Foodstuffs nói trong thư điện tử gửi tới hãng tin AP hôm 21/3 - "Rõ ràng là người dân xứ sở kiwi đã đánh giá tin tức thiếu loại mứt này là rất nghiêm trọng".

Một kệ hàng bán mứt Marmite đã cháy hàng tại New Zealand, trong khi
mứt Vegemite nhập từ Australia vẫn còn rất nhiều

Vài hệ thống siêu thị hiện vẫn còn Marmite, nhưng họ tin rằng chúng sẽ "bốc hơi" rất nhanh. "Chúng tôi đã dự đoán được việc sẽ hết sạch Marmite trong 2-3 tuần tới tại khắp các cửa hàng của mình và thật không may, chúng tôi không thể kiểm soát được chuyện này" - Murray Johnston, Tổng Giám đốc chuỗi cửa hàn bán lẻ Progressive Enterprises nói.

Một số người thậm chí gọi cuộc khủng hoảng là “Marmageddon”, lái theo tên bộ phim Armageddon (Ngày tận thế) ăn khách của Hollywood. Ngay cả lãnh đạo của New Zealand cũng tỏ ra lo ngại. "Tôi sợ rằng mình sẽ phải ăn dè. Tôi hiện chỉ được cung cấp một lượng rất nhỏ Marmite tại nhiệm sở và khi nguồn cung ở đây hết nốt thì tôi hiểu rõ rằng kho dự trữ cũng chẳng còn lại bao nhiêu" - Thủ tướng New Zealand John Key nói với kênh truyền hình TV3.

Món ăn "quốc tuý"

Mứt Marmite được chế biến lần đầu vào cuối thế kỷ 19 ở châu Âu. Marmite thường được ăn theo cách phết lên bánh mỳ, bánh mỳ nướng, bánh quy giòn và các loại bánh khác. Do vị mặn của mứt này nên nó thường được phết một lớp rất mỏng, kèm với bơ động vật hoặc thực vật. Marmite cũng có thể được chế vào đồ uống, bằng cách thêm một thìa mứt vào cốc nước nóng.

Từ cộng đồng người ăn kiêng, mứt này được người dân Anh ưa chuộng rất nhanh. Trong Thế chiến thứ nhất, binh lính Anh thậm chí còn được phát mứt Marmite kèm theo khẩu phần ăn bình thường. Năm 1908, nó lan sang Australia và New Zealand. Riêng New Zealand bắt đầu sản xuất mứt Marmite theo giấy phép tại vùng Christchurch, sử dụng một công thức đã sửa đổi nhiều so với ban đầu. Người New Zealand thêm vào công thức ban đầu chút đường và caramel. Các thành phần khác cũng có thay đổi so với phiên bản của Anh. Vì thế mứt của New Zealand có lượng kali cao hơn, vị bớt nồng hơn “phiên bản Anh”.

Trên thế giới cũng có nhiều loại mứt làm từ men bia khác, nhưng không có liên quan tới công thức và thương hiệu Marmite nguyên thủy. Nổi tiếng nhất là mứt Vegemite và AussieMite của Australia. Ngoài ra còn phải kể tới Cenovis của Thụy Sĩ,  Vitam-R của Đức và Vegex của Mỹ. Nhưng người dân New Zealand vẫn chỉ yêu thích loại mứt của họ nhất.

Ăn ít đi để chia sẻ với đồng bào

Nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu đang diễn ra, công ty Sanitarium đã đề nghị người tiêu dùng ăn dè Marmite, hoặc chỉ ăn 1 lần một ngày. 

"Hãy làm nóng bánh mỳ của bạn để việc phết Marmite trở nên dễ dàng hơn" - Tổng Giám đốc Pierre van Heerden nói với đài phát thanh quốc gia hôm 20/3, đồng thời khuyên họ chỉ phết 1 lớp rất mỏng Marmite lên bánh. "Không cần phải hoảng loạn hoặc tức giận vì việc Marmite không còn để bán. Đây chỉ là sự gián đoạn tạm thời vì động đất mà thôi" – ông nói.

Trong động thái có thể làm những người mê Marmite "chính gốc New Zealand" phẫn nộ, Thủ tướng Key nói rằng ông đang cân nhắc việc ăn mứt Vegemite và thú nhận bản thân "không trung thành với các thương hiệu thực phẩm cho lắm".

Có một thực tế rằng những người mê mẩn các loại mứt này thường mang tính "địa phương cục bộ" rất cao, luôn cho rằng mứt của họ là ngon nhất. Vì lẽ đó, việc nhập khẩu Marmite từ Anh hoặc Vegemite của Australia để xử lý khủng hoảng sẽ không thể được người dùng trong nước chấp nhận. “Người dân ở đây đã lớn lên cùng Marmite. Nó là thương hiệu mang tính biểu tượng của New Zealand" - ông nói.

Van Heerden hiện vẫn đang trả lương cho 25 lao động chuyên làm Marmite trong thời gian công ty sửa chữa dây chuyền sản xuất và bày tỏ hy vọng các lọ mứt mới sẽ lên kệ từ tháng 7 này.

Trong bối cảnh khủng hoảng, đã có vài kẻ láu cá muốn trục lợi trên đồng bào của họ. Tại trang web đấu giá Trade Me, một người đã rao bán lọ mứt Marmite dùng dở với giá 2.500 NZD (1.300 USD). Anh này thừa nhận: "Nắp đậy đã không còn nguyên vì tôi phải phết mứt lên vài lát bánh mỳ để chia tay kho báu này". Tuy nhiên dù thiếu mứt ăn, người New Zealand vẫn chưa tới mức ném tiền qua cửa sổ và cho tới nay vẫn chưa có ai trả giá mua lọ mứt của anh chàng láu cá trên.

Lai lịch của mứt Marmite

Mứt Marmite được chế biến lần đầu vào cuối thế kỷ 19, khi nhà khoa học người Đức Justus von Liebig thấy rằng men bia có thể cô lại, đóng chai và ăn bình thường như mọi thực phẩm khác. Năm 1902, công ty Marmite Food Extract được thành lập ở vùng Staffordshire, Anh quốc, bởi gia đình Gilmour và mứt Marmite là sản phẩm chính của họ.

Tường Linh (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm