Mỹ thở phào vì 'siêu máy bay' F-35 không đắt như dự kiến

02/08/2015 05:21 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Thủy quân lục chiến Mỹ vừa đưa vào hoạt động phi đội máy bay F-35B đầu tiên. Đây là bước tiến quan trọng cho một chương trình nghiên cứu vũ khí thuộc loại dài hơi và đắt đỏ nhất trong lịch sử Mỹ.

Phi đội 121 của Thủy quân lục chiến (VMFA-121) đóng ở Yuma, Arizona, là đơn vị đầu tiên trong lịch sử quân đội Mỹ được trang bị 10 chiếc F-35B.

Những chiếc máy bay được chuyển tới đây sau 5 ngày kiểm tra khả năng sẵn sàng hoạt động, mới kết thúc hôm 17/7 vừa qua. Chúng cũng có 7 tuần hoạt động thử nghiệm ngoài biển, trên một chiếc hàng không mẫu hạm.

Phí sản xuất gây chú ý hơn tính năng

Lâu nay chi phí của chương trình F-35 đã là tâm điểm chú ý và phẫn nộ của dư luận. Khi hợp đồng nghiên cứu chế tạo và sản xuất máy bay F-35 được công bố hồi năm 2001, giá trị cả hợp đồng được ước tính chỉ 200 tỷ USD.

Tháng 4 năm nay, GAO ước tính chương trình sẽ tốm kém tới 400 tỷ USD, chỉ tính riêng hoạt động nghiên cứu, phát triển và mua sắm máy bay của Bộ Quốc phòng Mỹ. Nếu tính cả chi phí hoạt động trong hết vòng đời chiếc máy bay, con số phải lên tới 1.000 tỷ USD.


Một chiếc F-35B của Thủy quân lục chiến trình diễn khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng

Đối mặt với những chỉ trích rằng giá máy bay "cao quá thể", Lockheed Marteen đành phải nêu khả năng chiến đấu của F-35 ra để "chữa cháy".

Thông cáo báo chí chính thức của công ty có dẫn lời Thiếu tướng Jon Davis, Tư lệnh phó lực lượng không quân của Thủy quân lục chiến, nói rằng: "Các máy bay của phi đội đầu tiên đã trình diễn tốt trong toàn bộ 5 kịch bản thử nghiệm hoạt động ban đầu (IOC), gồm: hỗ trợ bộ binh, tấn công phá hoại các mục tiêu chiến thuật nằm trên mặt đất, trinh sát có vũ trang, phản công trên không và phòng vệ trên không. Các hoạt động này bao gồm việc sử dụng bom đạn có khả năng sát thương".

Nói cách khác, Lockheed tuyên bố F-35 đã có thể trút bom đạn vào đầu mục tiêu chứ không bất lực như người ta vẫn chế nhạo nó lâu nay. Ngoài ra chiếc máy bay cũng có thể hoàn thành tốt chức năng đa nhiệm, như được thiết kế.

Theo kế hoạch, Thủy quân lục chiến có phi đội F-35 đầu tiên đi vào hoạt động. Năm tiếp theo, tới lượt Không quân Mỹ có phi đội của riêng họ và cuối thập kỷ này tới lượt Hải quân nhận "đồ chơi" mới.

Dù vậy, F-35 vẫn đi vào hoạt động muộn hơn kế hoạch tới 4 năm. Giới quan sát nói rằng động thái của Thủy quân lục chiến chỉ để khiến người ta chú ý hơn vào các tính năng của máy bay, thay vì chi phí lớn của nó.

Vẫn hoan hỉ dù F-35 chưa hoàn thiện

Mandy Smithberger, Giám đốc tổ chức Dự án giám sát chính quyền chuyên chỉ trích chương trình F-35, nói rằng Lính thủy đánh bộ quyết tâm hoàn thành mục tiêu IOC vào tháng 7, kể cả khi chiếc máy bay chưa hoàn toàn sẵn sàng. "Tôi không nghĩ chiếc máy bay đã thực sự đạt tiêu chuẩn hoạt động ban đầu" - bà Smithberger nói.

Bà tin rằng việc có một phi đội đi vào hoạt động sẽ cho phép người ta tập trung hơn vào việc so sánh F-35 với các máy bay nó sắp thay thế, gồm các chiếc F-16 và A-10 Warthog. “Liệu F-35 có thể hoạt động tốt bằng hoặc hơn những thứ mà chúng ta đã ném vào bãi rác?" - bà đặt câu hỏi.

Các nhà phê bình như bà Smithberger nói rằng F-35 thể hiện khả năng không chiến ở cự ly gần (dogfight) khá tồi so với các máy bay đời cũ. Tuy nhiên Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đây không phải là vai trò chính của chiếc máy bay đa nhiệm này.

Người ta cũng chỉ ra rằng F-35 vẫn chưa có pháo và thứ vũ khí này chỉ hiện diện trên chiếc máy bay vào năm 2017, khiến khả năng bảo vệ binh lính dưới mặt đất của nó sẽ trở nên hạn chế.

Thủy quân lục chiến thừa nhận F-35B vẫn chưa hoàn hảo và sẽ đi vào phục vụ khi chưa có một số tính năng mà họ muốn ngay từ đầu, gồm các cảm biến giúp máy bay giữ liên lạc bình thường với các máy bay khác. Ngoài ra, phi công cũng chưa được trang bị mũ bay gắn kính nhìn đêm hiện đại.

Tuy nhiên Thủy quân lục chiến nói rằng F-35 vẫn là một sự cải thiện lớn với phi đội máy bay già cỗi của họ.

"Tôi rất tin tưởng rằng mình có thể gửi mẫu máy bay này tới bất kỳ nơi nào trên thế giới" - ông Jon Davis nói hồi đầu tuần này. Theo ông, F-35B đã có thể mang một số loại bom và tên lửa và việc máy bay chưa có pháo sẽ chẳng phải là vấn đề lớn, do các loại máy bay khác sẽ làm nhiệm vụ hỗ trợ binh lính dưới mặt đất cho tới khi nó được lắp pháo.

Loạn chi phí dự kiến

F-35B là phiên bản phức tạp nhất trong 3 phiên bản F-35 mà Mỹ sản xuất cho các binh chủng của nước này. Chiếc máy bay có một hệ thống quạt đẩy lớn gắn trên thân, giúp nó có thể cất cánh từ cự ly rất ngắn hoặc cất cánh và hạ cánh thẳng đứng như trực thăng.

Ngoài ra, F-35 cũng chia sẻ đặc điểm tàng hình, giấu vũ khí trong thân... như các phiên bản khác.
 
Tuy nhiên sự ưu việt về kỹ thuật tới với cái giá không rẻ. Năm 1994, mức giá mỗi chiếc F-35 được ước tính "chỉ" 35 triệu USD.

Tính theo tỷ lệ trượt giá đô la trong năm 2014, con số này là 56 triệu USD, tức khoảng một nửa mức chi phí sản xuất 104 triệu USD mà công ty Lockheed Martin - nơi chế tạo những chiếc F-35 - đưa ra trong tuyên bố chính thức.

Dù sao, con số này vẫn thấp hơn mức ước tính 134 triệu USD mà Thiếu tướng Chris Bogdan, lãnh đạo văn phòng chương trình nghiên cứu phát triển F-35, công bố hồi tháng 3.

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm