Mỹ lần đầu gửi "chim ăn thịt" tới châu Á

22/07/2010 14:48 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Báo chí Mỹ và Hàn Quốc cho biết hai nước sẽ tiến hành một cuộc tập trận chung quy mô mang tên "Invincible Spirit" nhằm phản ứng lại với vụ tàu Cheonan bị ngư lôi đánh chìm. Điều đáng chú ý là lần đầu tiên 4 chiếc F-22 Raptor, loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 với tính năng tàng hình của Mỹ sẽ xuất hiện trong một cuộc thao diễn trên bầu trời khu vực châu Á.

"Máy bay không đối thủ"?


Hai chiếc F-22 trong một nhiệm vụ
tuần tra bầu trời Mỹ hồi năm 2005

Việc phát triển F-22 Raptor (Chim ăn thịt) được bắt đầu tại Mỹ vào năm 1981, khi Không quân có nhu cầu phát triển một loại máy bay tiêm kích ưu việt nằm trong chương trình Máy bay chiến đấu chiến thuật tiên tiến (ATF) để thay thế phi đội các máy bay F-15 Eagle. Máy bay do chương trình ATF sẽ đóng vai trò chống lại các mối đe dọa, nhất là việc phát triển và phổ biến loại máy bay Su-27 Flanker.

Khởi động từ tháng 10/1986, nhưng việc sản xuất mẫu F-22 chỉ bắt đầu từ tháng 4/1997 và đến năm 2003, sản phẩm F-22 đầu tiên mới được chuyển tới Căn cứ không quân Nellis, Nevada.

F-22 Raptor là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 và là máy bay tàng hình thế hệ thứ 4. F-22 có khả năng tàng hình do nhiều yếu tố: nó có hình dáng thiết kế phản xạ sóng rađa, sử dụng vật liệu hấp thụ sóng rađa, hình dáng ống xả động cơ giúp giảm yếu tố nhận dạng nguồn nhiệt, sơn ngụy trang để mắt thường khó nhìn thấy và phát ra tiếng ồn thấp khi hoạt động.

F-22 sử dụng hai động cơ phản lực turbofan Pratt & Whitney F119-PW-100 với lực đẩy lên tới 156 kN một động cơ. Tốc độ tối đa khi không mang theo vũ khí lắp ở ngoài khoang chứa có thể lên tới Mach 1,82 (gần gấp 2 tốc độ âm thanh) trong chế độ bay hành trình. F-22 cũng có tốc độ lên cao nhanh hơn máy bay F-15 Eagle do những tiến bộ về kỹ thuật động cơ. Không quân Mỹ tuyên bố F-22 hoàn toàn không có đối thủ trong số bất kỳ máy bay nào hiện nay hoặc các dự án máy bay tương lai.

Đắt đỏ nhưng "đáng tiền"

Mẫu F-22 được đánh giá là rất cơ động, ở cả tốc độ siêu âm và dưới âm. Do được trang bị động cơ đẩy vector góc nên máy bay có thể thực hiện các vòng lượn hẹp và thực hiện các thao tác tấn công có góc alpha (góc tấn công) lớn như Herbst, Cobra, Kulbit.

F-22 giấu vũ khí trong thân. Nó có tổng cộng 3 khoang chứa vũ khí và có thể mang 6 tên lửa tầm trung và một tên lửa tầm ngắn. 4 tên lửa tầm trung có thể được thay bằng hai giá treo bom, giúp mang hai quả bom cỡ trung bình hoặc 4 qủa bom đường kính nhỏ. Việc mang tên lửa và bom trong thân giúp tăng khả năng tàng hình và giảm bớt lực kéo khi hoạt động, qua đó mang tới hiệu quả là tốc độ cao và tầm hoạt động dài. Mỗi khi phóng tên lửa, sẽ chỉ cần chưa đầy một giây để máy bay mở khoang chứa. F-22 có khả năng mang bom có điều khiển JDAM và bom đường kính nhỏ SDB. Máy bay cũng được trang bị một khẩu pháo xoay nòng M61A2 Vulcan 20 mm. M61A2 là vũ khí phòng vệ cuối cùng và nó sẽ được trang bị 480 viên đạn, đủ cho khoảng 5 giây siết cò liên tục.

Ngoài khả năng mang vũ khí trong khoang, F-22 còn có 4 mấu cứng với mỗi mấu có thể treo 2.300kg bom đạn, bình dầu phụ hoặc giá phóng để lắp hai tên lửa không đối không.

Hiện F-22 chưa có nhiều điều kiện đụng độ trong chiến trường thực tế. Tuy nhiên trong các thử nghiệm thao diễn hồi tháng 6/2006, chiếc F-22 đã bắn hạ 108 đối thủ mà không chịu một thiệt hại nào. Trong các cuộc tập rượt Red Flag diễn ra hồi năm 2007, 14 chiếc F-22 liên tiếp đánh bại nhanh chóng và hiệu quả "quân địch" gồm những chiếc F-15 và F-16. Tháng 11/2007, các máy bay F-22 Raptor lần đầu được cử lên ngăn chặn hai chiếc máy bay ném bom Tu-95MS 'Bear-H' của Nga ở gần Alaska.

Nhược điểm lớn nhất của F-22 hiện nay là vấn đề giá. Ban đầu Không lực Mỹ có kế hoạch mua 750 chiếc máy bay đời mới này. Nhưng tới nay Không quân Mỹ chỉ có trong tay 187 chiếc, dù chương trình sản xuất F-22 đã khép lại. Hiện F-22 là phiên bản máy bay bị cấm xuất khẩu. Chính phủ Nhật Bản, Canada và Australia từng bày tỏ sự quan tâm tới việc mua F-22. Tuy nhiên cũng giống như các khách hàng khác, họ buộc phải mua mẫu F-15, F-16 và F/A-18E/F Super Hornet, hoặc chờ thêm một thời gian để mua mẫu F-35 Lightning II, vốn chứa các công nghệ của F-22 nhưng rẻ, bay chậm, thấp và kém linh hoạt hơn, dù được sinh ra chủ yếu để phục vụ xuất khẩu.

Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm