Mười năm, một khái niệm vẫn chia rẽ nước Đức

02/01/2010 11:26 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Khái niệm “văn hóa của dân tộc chính gốc” (titular nation) suốt thập kỷ qua đã phân hóa xã hội Đức. Những người ủng hộ đưa thuật ngữ này vào các cương lĩnh chính trị của họ. Lực lượng phản đối thì cho rằng bản thân cuộc tranh cãi về vấn đề đó là “buồn cười”, “vớ vẩn”.

Deutsche Leitkultur - cụm từ tiếng Đức đa nghĩa này có thể dịch ra tiếng Việt theo hai cách. Hoặc là “văn hóa chủ đạo Đức”, hoặc là “văn hóa của dân tộc chính danh Đức” (dân tộc chính gốc). Đài truyền hình Đức Deutsche Welle (Làn sóng Đức) cho biết, 10 năm qua thuật ngữ này đã xới lên ở Đức cuộc tranh luận dai dẳng về vấn đề làm thế nào để người nhập cư hội nhập xã hội Đức.

Ông Friedrich Merz đã xới lên cuộc tranh luận về “văn hóa dân tộc chính gốc”


Nói thêm về khía cạnh tế nhị - từ ghép Leitkultur không phải sản phẩm của một người Đức “chính gốc” mà là khái niệm của nhà chính trị học xuất thân từ Syria, ông Bassam Tibi, để mô tả sự đồng thuận xã hội đối với hệ  thống các giá trị.

Thế nhưng thuật ngữ có vẻ khoa học này lại đem lại cho tác giả một sự nghiệp thực sự trong lĩnh vực chính trị. Cuộc tranh cãi xung quanh khái niệm “văn hóa dân tộc chính gốc” bắt đầu ở Đức từ năm 2000. Lúc đó người đứng đầu nhóm đại diện của khối Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU)/ Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) trong Quốc hội, ông Friedrich Merz, đòi người nước ngoài ở Đức phải thích ứng với các lề lối và phong tục bản địa - quy chuẩn của cái gọi là “văn hóa chủ đạo Đức”.

Ông tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng ta cần lập ra một bộ các đòi hỏi xã hội - chính trị tối thiểu mà tất cả những ai đến sống ở Đức đều phải tuân thủ. Không thể gọi cái đó là chủ nghĩa sôvanh hay chủ nghĩa dân tộc. Điều này được chấp nhận ở mọi nơi. Tại sao ở Đức lại không thể coi đó là điều bình thường?”.

Ủng hộ, sang phải - chống, sang trái!

Tuyên bố của một chính khách Đức và bản thân tập hợp từ “văn hóa của dân tộc chính gốc” gây ra những cuộc tranh luận nảy lửa ở Đức. Chính trường và xã hội chia thành hai phe. Chống lại khái niệm này là đại diện của lực lượng cánh tả - họ cho rằng mệnh đề về sự tồn tại của “văn hóa dân tộc chính gốc” gán cho dân tộc này những đặc tính bẩm sinh di truyền nào đó cần phải được gìn giữ và bảo vệ trong xã hội để chống lại ảnh hưởng của dân “ngoại nhập”.

Bộ trưởng Nội vụ Đức hồi đó là Otto Schily, người của Đảng Dân chủ - Xã hội Đức (SPD), nói không úp mở: “Tôi thấy tất cả cuộc tranh luận này thật ngu xuẩn. “Văn hóa của dân tộc chính gốc” là khái niệm quan liêu. Văn hóa cần sự tự do”.

Người Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức


Nhưng đại diện của các đảng Cơ đốc giáo không lùi bước. Trong số những người ủng hộ Leitkultur có cả Thủ tướng đương nhiệm Angela Merkel. Năm 2000 khi còn là Chủ tịch CDU, bà nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn có sự thừa nhận đồng nhất đối với dân tộc chúng ta và sự tiếp nhận đồng nhất các giá trị như chủ nghĩa yêu nước mang tính chất cởi mở với thế giới, sự khoan dung và lòng dũng cảm công dân. Chính đây là điều chúng ta nghĩ tới khi nói về nền văn hóa của dân tộc chính gốc”.

Các nhà ngôn ngữ học bất lực

Các nhà ngôn ngữ học cũng vào cuộc. Năm 2000 Nhà xuất bản Pons tuyên bố: “Deutsche Leitkultur” là “từ ngô nghê nhất của năm”. Các nhà ngôn ngữ học bầu chọn như thế vì cụm từ nói trên quá mập mờ và họ khuyên mọi người trong các cuộc tranh luận quan trọng đối với xã hội nên dùng những khái niệm mà ai cũng hiểu được.

Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối của các nhà ngôn ngữ học, thuật ngữ “văn hóa của dân tộc chính gốc” hay “văn hóa chủ đạo Đức” vẫn ăn sâu bám rễ trong từ vựng chính trị. Năm 2007, CDU đã đưa mệnh đề “văn hóa của dân tộc chính gốc” vào cương lĩnh chính trị của họ.

Mặc dù các cuộc tranh luận căng thẳng xung quanh thuật ngữ nói trên đã lắng xuống, song thỉnh thoảng nó lại nổi lên khi người ta nói đến vấn đề dân “ngụ cư” hội nhập xã hội Đức. Tại cuộc tranh cử Quốc hội Đức năm 2009, đảng CSU đề nghị quy định cho tiếng Đức vị thế ngôn ngữ chính thức trong Hiến pháp.

Đại diện của Đảng Tự do - Dân chủ Đức (FDP) và là Bộ trưởng Tư pháp đương nhiệm, bà Sabine Leutheusser- Schnarrenberger, đã kịch liệt chỉ trích “sáng kiến” nói trên. Bà nói: “Ai mà chẳng biết ngôn ngữ chính thức duy nhất ở Đức là tiếng Đức. Có thể, động cơ của những ai đưa ra vấn đề này là muốn biến khái niệm “văn hóa dân tộc chính gốc” thành chủ đề của chiến dịch tranh cử. Nhưng tôi chẳng nghĩ rằng đó là ý tưởng hay, bởi cuộc tranh cãi xung quanh nó ngay lập tức gây phản cảm đối với những người nhập cư từ các nước khác đã trở thành công dân Đức và có quyền bầu cử”.

10 năm qua khái niệm “Deutsche Leitkultur” dường như không nhận được sự chấp nhận đồng nhất của xã hội nhưng cũng không còn gây sốc đối với dân Đức.

Trần Quang Vinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm