Mir- Hossein Mousavi "người hùng bất đắc dĩ"

23/06/2009 14:47 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Mới cách đây nửa tháng, cựu Thủ tướng Iran Mir- Hossein Mousavi vẫn còn là một gương mặt trong bộ máy lãnh đạo ở Tehran. Giờ đây ông bỗng trở thành thủ lĩnh phong trào nổi dậy. Các lực lượng đối lập ở Iran đã biến Mousavi thành “người hùng bất đắc dĩ” khi tôn chính trị gia này lên làm ngọn cờ đầu và đẩy ông vào tình thế không có đường lui.

Ứng viên tổng thống Mir-Hossein Mousavi biến mất tăm suốt mấy ngày nay. Cuối tuần qua, Hội đồng Giám hộ, cơ quan giám sát bầu cử ở Iran, đã triệu tập một cuộc họp để xem xét đơn khiếu nại của ông về kết quả cuộc bầu cử diễn ra cách đây 12 ngày nhưng Mousavi không đến dự. Các tờ báo ở Tehran cho biết ông và các thành viên trong gia đình đang phải chịu áp lực rất mạnh từ phía chính quyền.

Rõ ràng số phận của ông Mousavi hiện đang bị đặt vào một canh bạc quyền lực “được ăn cả, ngã về không” tùy thuộc vào việc các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử đang diễn ra ở Iran thành công hay thất bại.

Và Mousavi không còn đường lui, khi cuối tuần qua ông đã đưa ra tuyên bố tấn công trực diện Đại giáo chủ Ali Khamenei - lãnh đạo tối cao của Cộng hòa Hồi giáo Iran, điều mà trước đây có thể dẫn tới án tử hình. Ông chỉ trích rằng vị Đại giáo chủ đang đe dọa bản chất “cộng hòa” của Iran khi tìm cách “áp đặt lên đầu người dân một chính quyền mà họ không hề mong muốn”. Không những thế, ông còn kêu gọi những người ủng hộ cải cách tiếp tục đấu tranh. Ngày 20/6, bất chấp lệnh cấm, hàng nghìn người đã đổ ra đường phố Tehran hô khẩu hiệu “Đả đảo độc tài”.

Bị cuốn vào vòng xoáy biểu tình

Mới cách đây có hai tuần, Mousavi vẫn còn là một nhân vật được coi trọng trong bộ máy lãnh đạo ở Iran. Ông từng là một chiến sĩ của cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran 1979 và cộng sự đáng tin cậy của nhà lãnh đạo cách mạng Khomeini. Trong khi loại hàng trăm ứng cử viên tổng thống khác ngay từ vòng đầu, Hội đồng Giám hộ đã mở rộng cánh cửa cho Mousavi lọt vào vòng cuối cùng. Trên cương vị một nhà cải cách, cựu Thủ tướng Mousavi ra tranh cử với mục đích củng cố chế độ Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Thế nhưng, chưa đây một tuần sau cuộc bầu cử, Mousavi đã bị biến thành “người hùng bất đắc dĩ”. Làn sóng biểu tình phản đối “gian lận bầu cử” do Mousavi khởi xướng đã biến ông thành một “Thánh Gandhi của Iran”. Không những thế, phe cấp tiến trong chiến dịch biểu tình còn muốn biến ông thành một “biểu tượng cách mạng”.

Mousavi từng nói rằng các cuộc biểu tình trên đường phố không vì cá nhân ông mà vì “lý tưởng cao cả” của Cách mạng Hồi giáo 1979. Thế nhưng, mọi phong trào đều cần có người cầm đầu và thật trớ trêu, người ta đã chọn Mousavi làm ngọn cờ tiên phong trong cuộc nổi dậy chống lại thể chế do chính ông góp phần gây dựng.

Trong tuyên bố đăng trên trang web cá nhân cuối tuần qua, Mousavi khẳng định: “Chúng tôi không hề chống lại chế độ Hồi giáo hiện hành và những luật lệ của nó mà chỉ chống lại hành vi gian lận”.

Thăng tiến vượt bậc

Mir-Hossein Mousavi sinh năm 1941 ở tỉnh Đông Azerbaijan thuộc Iran. Trong khi theo học ngành kiến trúc ở Tehran, ông đã tham gia một nhóm Hồi giáo cấp tiến hoạt động chống lại nhà độc tài Shah. Năm 1973, Mousavi bị bắt giam và sau khi được trả tự do, ông lại tham gia Phong trào Hồi giáo Iran, tổ chức đóng vai trò nòng cốt trong cuộc cách mạng năm 1978-1979.

Sau khi cách mạng thành công, Mousavi đã thăng tiến vượt bậc. Khi mới 39 tuổi, ông đã giữ chức bộ trưởng Ngoại giao và sau đó 3 tháng thì được đề bạt lên làm thủ tướng. Hồi những năm 1980, ông đã đề ra một chương trình kinh tế giúp Iran đứng vững trong cuộc chiến “hao người, tốn của” với nước láng giềng Iraq của Saddam Hussein.

Nhưng cũng có nhiều ý kiến phê phán Mousavi về việc không ngăn chặn được chiến dịch hành quyết hàng nghìn người ở Iran, khi ông giữ cương vị thủ tướng. Mousavi còn ủng hộ việc tịch thu tài sản của những người Iran chạy ra nước ngoài sống lưu vong và đi tiên phong trong Chương trình hạt nhân của Iran ngay từ thập niên 1980. Thậm chí, Mousavi đã ký lệnh mua chiếc máy gia tốc làm giàu uranium đầu tiên trên “chợ đen” và cô con gái đầu lòng của ông cũng là một chuyên gia vật lý hạt nhân.

Năm 1989, Mousavi rời cương vị thủ tướng, sau khi người đỡ đầu của ông là Ali Akbar Hashemi Rafsandjani được bầu làm tổng thống và một cuộc sửa đổi hiến pháp đã bãi bỏ chức vụ thủ tướng. Sau đó, ông tiếp tục làm cố vấn tổng thống và có chân trong Hội đồng hòa giải đầy quyền lực.

Thế nhưng, trong 20 năm qua, Mousavi lại thành danh trên cương vị kiến trúc sư và họa sĩ. Tuy là một họa sĩ theo trường phái Ấn tượng nhưng Mousavi không thể nào chấp nhận “bức tranh Iran méo mó” mà đương kim Tổng thống Ahmadinedjad dựng lên. Chính vì vậy mà ông đã tham gia cuộc chạy đua vào ghế tổng thống vừa qua.

Minh Bích


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm