Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Nga

01/02/2010 15:17 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 30/1, báo chí Nga cho biết chiếc máy bay chiến đấu đời mời của nước này mang mật danh Sukhoi T-50 đã có cuộc bay thử đầu tiên thành công. Thành tích này đã giúp Nga bước đầu phá thế độc tôn của Mỹ, quốc gia duy nhất cho tới nay có máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.

Thành công lớn

11 giờ 19 phút ngày 29/1, tại một nhà máy quân sự ở thành phố Komsomolsk –trên - sông Amur, vùng Viễn Đông của Nga, chiếc Sukhoi T-50 từ từ lăn bánh ra đường băng. Sau khi chạy đà trên một quãng đường ngắn, máy bay đã lao vút lên bầu trời. Phi công lái thử Sergey Bogdan đã có 47 phút ở trên không cùng T-50 và hoàn tất các thử nghiệm trước khi đưa chiếc máy bay trở lại đường băng.

“Trong chuyến bay, chúng tôi đã tiến hành các đánh giá ban đầu về khả năng của máy bay, động cơ và các hoạt động cơ bản của hệ thống điều khiển. Máy bay đã có thể đóng và mở hệ thống hạ cánh" – Bogdan hào hứng nói, sau khi được đám đông dưới đất nhấc bổng lên trời và tung hô– “Máy bay hoạt động rất hoàn hảo tại mọi thời điểm thử nghiệm. Nó thật dễ điểu khiến và tạo cảm giác rất thoải mái đối với một phi công như tôi”.


Chiếc máy bay thế hệ thứ 5 của Nga trên đường băng.
Chuyến bay đầu tiên thành công của chiếc T-50 đã đánh dấu việc Nga chính thức đặt chân vào CLB các quốc gia sở hữu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, hiện mới chỉ có một thành viên duy nhất là Mỹ. T-50 sẽ thay thế các mẫu MiG29 và Su-27 trong kho vũ khí của Nga. Là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, nó sẽ cạnh tranh trực tiếp với các máy bay F-22 Raptor và F-35 Lightning II cùng thế hệ của Mỹ .

"Đây là thành công vĩ đại của nền khoa học Nga cũng như phòng thiết kế” – ông Mikhail Pogosyan, Tổng giám đốc Phòng thiết kế Sukhoi, nói trong thông cáo báo chí được đưa ra sau cuộc thử nghiệm. – “Chiếc máy bay này, cùng các máy bay thế hệ thứ tư được nâng cấp, sẽ quyết định tiềm năng sức mạnh của Không quân Nga trong vài thập kỷ tới.

Hội tụ nhiều ưu điểm

Sukhoi T-50 là mẫu máy bay chiến đấu đầu tiên được thiết kế và xây dựng hoàn toàn tại Nga, kể từ khi Liên Xô cũ tan vỡ. Hiện vẫn không có thông tin chi tiết nào được công bố về chiếc máy bay mới. Mặc dù vậy, những tin tức xuất hiện rải rác trên báo chí Nga cho thấy T-50 sẽ nặng hơn 30 tấn, có kích thước gần bằng chiếc Su-27 Flanker và sử dụng công nghệ tàng hình LO, làm giảm khả băng bị rađa đối phương phát hiện.

Trong chuyến bay đầu tiên, PAK FA sử dụng 2 động cơ Saturn 117S (mỗi động cơ có sức đẩy 14,5 tấn). Động cơ 117S là phiên bản cải tiến của động cơ AL-31F, dựa trên những kinh nghiệm thu được từ chương trình nghiên cứu động cơ AL-41F. Mẫu động cơ AL-41F đã được dùng để trang bị cho các máy bay MiG 1.44 thuộc dự án MFI (máy bay tiêm kích tiền tuyến đa năng), vốn được xem là tiền thân của chương trình nghiên cứu và sản xuất T-50. Các phiên bản hoàn chỉnh của T-50 sẽ sử dụng động cơ hoàn toàn mới với lực đẩy 17,5 tấn mỗi động cơ. Động cơ này hiện đang được tập đoàn NPO Saturn nghiên cứu phát triển. Động cơ mạnh hơn sẽ giúp T-50 có khả năng cất cánh trên đường băng dài chỉ 300 – 400m và duy trì tốc độ siêu âm hơn 2.000km/h. Tầm hoạt động của chiếc máy bay có độ cơ động cao này là 5.500km. T-50 hiện cũng chưa có rađa thế hệ thứ 5. Hệ thống rada này đã sắp hoàn thiện và đang được thử nghiệm trên một máy bay khác.


Và trong quá trình bay thử kéo dài 47 phút.
Là máy bay tiêm kích đa nhiệm, T-50 có khả năng không chiến rất tốt. Nó cũng có khả năng tiến hành các nhiệm vụ tấn công mặt đất và do thám. Máy bay có thể mang theo 8 tên lửa không đối không thế hệ mới R-77 hoặc hai quả bom chống hạm có điều khiển, mỗi quả nặng 1.500kg. Máy bay mới cũng có thể mang hai tên lửa tầm xa do Phòng thiết kế Novator phát triển, vốn có khả năng bắn trúng mục tiêu ở tầm xa 400km. Các vũ khí này đều được giấu trong bụng T-50 làm tăng thêm khả năng tàng hình của máy bay. Theo kế hoạch, T-50 sẽ được sản xuất hàng loạt tại Komsomolsk - trên -sông Amur kể từ năm 2015.

CLB khó vào

Giới phân tích quân sự cho biết hiện mới chỉ có Mỹ được trang bị máy bay thế hệ thứ 5 hoàn chỉnh. Sự ưu việt của loại máy bay thế hệ mới này so với những thế hệ trước khiến nhiều nước thèm muốn. Song ngoài Nga và Mỹ, các nước khác như Pháp, Thụy Điển, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, đều thiếu khả năng phát triển độc lập loại máy bay thế hệ thứ 5 của họ.

Khối EU đã bỏ ra nhiều nỗ lực chung, nhưng vẫn chưa thể tạo ra được loại máy bay chiến đấu thế hệ 5 thay cho chiếc Eurofighter Typhoon đa nhiệm hai động cơ. Thực tế, phần lớn những nước tham gia dự án chung của châu Âu đều có ý định mua những chiếc F-35 của Mỹ trong tương lai.

Tương tự, viễn cảnh của Pháp và Thụy Điển khá mịt mờ. Cả mẫu JAS 39 Gripen do hãng Saab chế tạo và mẫu Rafale của hãng Dassault chỉ thuộc máy bay thế hệ 4,5. Stockholm và Paris đều không có khả năng triển khai một chương trình nghiên cứu máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 tốn kém nhiều tỉ đô la. Triển vọng của Trung Quốc cũng không sáng sủa hơn. Phần lớn các nhà phân tích đều tin rằng Bắc Kinh chỉ có thể phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 nếu lợi dụng kiến thức và kinh nghiệm chế tạo của nước ngoài, đặc biệt là của Nga.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm