Malaysia nói ít làm nhiều trong vụ rơi MH17

23/07/2014 07:17 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Khi giới lãnh đạo phương Tây liên tục đổ trách nhiệm cho các tay súng ly khai thân Nga và thậm chí là cả Moskva trong vụ rơi máy bay chở khách mang số hiệu MH17 thuộc hãng Malaysia Airlines ở Đông Ukraine, bản thân giới chức Malaysia lại đưa ra rất ít tuyên bố.

Nguyên nhân của sự im lặng này đã trở nên rõ ràng trong ngày 22/7, khi Thủ tướng Malaysia Najib Razak tuyên bố rằng chính quyền ông đã thương thảo để các tay súng ly khai trả lại thi thể của gần 300 hành khách đi trên MH17.

Nỗ lực thương thảo bí mật

2 nguồn tin ở Malaysia liên quan trực tiếp tới hoạt động thương thảo đã tiết lộ với hãng tin AP nhiều thông tin từ trong cuộc, qua đó cho thấy ông Najib thực sự đóng vai trò quan trọng, giúp đạt được thỏa thuận kể trên với phe li khai.

Nguồn tin nói rằng trong khi những người như Tổng thống Mỹ Barack Obama ra sức đổ lỗi cho phía ly khai và Nga, Malaysia đã mở các kênh đối thoại với cả Ukraine lẫn Nga, trước khi tiếp cận được với thủ lĩnh phe ly khai là Alexander Borodai.


Nhờ nỗ lực thương thảo của ông Najib Razak mà thi thể hành khách đi trên MH17 mới được phe ly khai ở Ukraine trao trả cho cộng đồng quốc tế

Các cuộc thương thảo đã diễn ra sau đó trong điều kiện hết sức bí mật và ông Najib chỉ cho một số cộng sự tin cẩn nhất tham gia. "Thậm chí một số cố vấn thân cận bậc nhất của ông cũng không ở trong cuộc và họ đã rất ngạc nhiên" - một nguồn tin nói.

Malaysia muốn có 3 điều từ phe ly khai: trả lại các thi thể, các hộp đen và đảm bảo các điều tra viên có thể tới hiện trường vụ tai nạn một cách an toàn. Đổi lại, người của Borodai muốn có một văn bản với chữ ký của lãnh đạo cấp cao, xác nhận các hộp đen còn nguyên vẹn và chưa bị can thiệp gì. Họ cũng chỉ muốn chuyển các hộp đen cho phía Malaysia thay vì chính quyền Ukraine.

Khi hoạt động thương thảo tiến triển, Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia Liow Tiong Lai và các đại diện khác đã bay tới Kiev vào cuối tuần. Thỏa thuận chung định hình trong ngày 21/7 và khi đó ông Najib mới phá vỡ im lặng, khi loan tin với một nhóm nhỏ quan chức.

Một cuộc họp báo mà ông Najib dự định tổ chức vào lúc 17 giờ 30 ngày hôm đó đã đột ngột bị hủy bỏ. Lúc 22 giờ, ông mới tổ chức một cuộc họp báo ngắn khác. Thông báo chính thức được đưa ra sau nửa đêm. Tới sáng ngày hôm sau, các hộp đen đã thuộc sở hữu của giới chức Malaysia và một đoàn tàu chở theo các thi thể đã ra khỏi vùng đất do quân ly khai kiểm soát.


Các toa tàu đông lạnh chở thi thể nạn nhân đã tới Kharkov, Ukraine

Làm việc trong im lặng để có kết cục tốt đẹp hơn

Tính cả 14 thành viên phi hành đoàn, Malaysia có tổng cộng 43 công dân thiệt mạng trong vụ rơi máy bay. Nhiều ngày trước khi công bố thỏa thuận trên, các cố vấn của Najib đã kêu gọi ông đưa ra tuyên bố lên án mạnh mẽ về vụ tai nạn. Họ nói rằng các lãnh đạo Mỹ, Australia, Anh đều đã thể hiện sự phẫn nộ.

Tại Malaysia, sự tức giận đã tăng lên mạnh trước tin thi thể các nạn nhân bị đối xử tồi tệ. Nhân dân phẫn nộ còn bởi theo niềm tin Hồi giáo, người đã khuất phải được mai táng trong vòng 48 giờ. "Đã có những sức ép lên Thủ tướng (Najib), buộc ông phải phản ánh lại sự tức giận ở trong nước" - một nguồn tin nói với AP - "Họ cảm thấy rằng Thủ tướng phải đưa ra ra tuyên bố mạnh mẽ trước đất nước, trước mối quan tâm của người dân và vài trợ lý đã bắt đầu thảo ra một bài phát biểu trong buổi chiều ngày 20/7".

Tuy nhiên ông Najib vẫn chờ đợi. Giới chức Malaysia sau này thừa nhận việc giữ quan điểm trung lập là yếu tố rất quan trọng giúp Malaysia đạt được thỏa thuận với phe ly khai.

"Trong những ngày gần đây, đã có lúc tôi muốn cất tiếng nói mạnh hơn để đáp lại sự giận dữ và đau khổ mà người dân Malaysia đang cảm thấy, mà tôi đang cảm thấy" - ông Najib nói trong ngày 22/7 - "Nhưng đôi lúc chúng ta phải làm việc trong im lặng để có kết cục tốt đẹp hơn".

Và không chỉ ông Najib mà nhiều người khác trong chính quyền Malaysia cũng đã giữ thái độ ôn hòa, trung dung trong vụ tai nạn của MH17. Bộ trưởng Liow mất 2 ngày để thừa nhận việc MH17 có thể bị tên lửa bắn hạ, nhưng không đổ lỗi cho ai cả. Các quan chức khác của Malaysia cũng làm điều tương tự.

"Đó là quan điểm của chính quyền Malaysia. Ưu tiên của chúng tôi là không dính líu vào chính trị. Chúng tôi chỉ muốn có các thi thể và đưa được điều tra viên tới hiện trường" - một nguồn tin cho AP biết.

Giới phân tích nói rằng việc Malaysia đóng vai trò trung tâm đã khiến các tay súng ly khai không phải chịu nhiều sức ép như từ phương Tây. "Rõ ràng việc Malaysia được xem là bên trung lập trong cuộc xung đột dưới mặt đất đã rất hữu ích" - Alan Chong, chuyên gia ở Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam, Singapore cho biết - "Trong khi đó, NATO, Mỹ, Anh đều ngả về phía chính quyền Ukraine và trở thành những bên khó nói chuyện với phía ly khai".

Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm