Mãi mãi là người đến sau...

08/03/2012 07:00 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH Cuối tuần) - Ai cũng biết người đầu tiên lên vũ trụ là Gagarin, mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân loại, và ai cũng biết đó là một thành tựu khoa học vĩ đại. Vậy mà, thật trớ trêu khi hầu như chẳng ai biết người thứ hai theo bước Gagarin tên là gì. Trước đây đúng 50 năm, trung tá không lực Hoa Kỳ John Glenn bay vòng quanh Trái đất ở độ cao 200km để Mỹ “san bằng tỷ số“ trong cuộc chạy đua sĩ diện với Liên Xô. Glenn thành người hùng, nhưng ông phải trả giá vì điều đó.

Chuột bạch trong phòng thí nghiệm

Hôm đó là ngày 20/2/1962. Học sinh đồng loạt được nghỉ để tập trung tại hội trường lớn, đường phố sạch nhẵn bóng xe cộ, ở nhà ga Grand Central của Manhattan, New York, hàng nghìn người chen lấn để nhìn vào mấy cái màn hình ti vi bé xíu hoặc căng tai đợi tiếng loa loẹt xoẹt. Rồi câu thông báo trọng đại ấy cũng diễn ra, cho dù chẳng ai cảm thấy thực sự được giải tỏa: “Hãy cầu nguyện cho John Herschel Glenn, tên lửa của ông vừa rời bệ phóng để bay lên quỹ đạo Trái đất“. Tổng thống John F.Kennedy chực sẵn từ 7h trước màn ảnh nhỏ, nhưng cũng không thể thở phào, vì trước đó cuộc phóng tên lửa đã bị hoãn tới 10 lần. Và còn bi thảm hơn cho vị nguyên thủ đầy tham vọng: người đầu tiên lên vũ trụ, sớm hơn hẳn 8 tháng, lại là một công dân Xô Viết.

John Herschel Glenn trong chuyến bay đầu tiên vào năm 1962

Trong mấy giờ tiếp theo, sứ mệnh cao cả của John Glenn chỉ là cứu vớt danh dự cho thế giới phương Tây. Bó chặt trong bộ đồ ổn áp lấp lánh ánh bạc, ông ngồi trong một hộp hình nón cụt, giữa vô vàn đèn hiệu và nút bấm. Thực ra trung tá Glenn không phải làm gì nhiều, vì tên lửa được điều khiển từ mặt đất, song ít nhất thì ông cũng được chiêm ngưỡng hành tinh xanh ngắt như kim cương từ độ cao 200km và truyền cảm xúc ấy qua điện đài xuống sở chỉ huy. Một điều chắc chắn là trong thời điểm trọng đại ấy Glenn không hề biết mình chỉ là một con chuột bạch trong phòng thí nghiệm của Chiến tranh lạnh - như chính ông sau này cay đắng tổng kết cuộc đời.

Trung tá Glenn, cao to, mắt xanh lá cây, tín đồ Cơ đốc, một người ái quốc chính hiệu với bề dày kinh nghiệm của phi công chiến đấu với 150 chuyến bay trong Thế chiến 2 và ở Triều Tiên - tuy là người lớn tuổi nhất ở vòng tuyển chọn, song ông đã qua mặt 508 ứng viên sáng láng. Sau những giờ phút ngâm người trong nước đá và khí nóng, bị giam trong phòng tối, choáng váng bởi máy ly tâm và máy rung, ông hội tụ đủ tố chất để thực thi dự án “Mercury-Atlas 6“.

Chệch tọa độ

Tạm bỏ qua chất lượng cơ bắp, Glenn phải chứng tỏ sức mạnh tinh thần từ ngày đầu tiên vào NASA. Trong ba năm huấn luyện, người Mỹ vẫn chưa nhất trí được mô hình tên lửa nào để đưa hộp chở phi công lên vũ trụ. Ngay cả khi NASA quyết định được phương án tối ưu thì Glenn còn phải run rẩy tiếp: vì lý do kỹ thuật hoặc thời tiết mà sở chỉ huy phải 10 lần hủy lệnh xuất phát (khác với ở Liên Xô, hầu hết các cuộc phóng tên lửa ở Mỹ được công khai báo trước). May mắn cho chương trình Mercury là thần kinh thép của Glenn không hề dao động. Nó sẽ cứu mạng ông sau này.

Trong cái hộp chật cứng mà ông đặt tên là Friendship (Hữu nghị) 7, thoạt tiên Glenn có một hành trình khá bình an. Vừa nhìn qua cửa sổ, ông vừa bóp thức ăn đặc sệt từ ống nhựa ra để điểm tâm và nhai sữa bột đóng viên. Lúc bay qua Perth (phía Tây Australia), người dân ở đó biết trước thời điểm nên đã bật đèn sáng rực, và nhà du hành vũ trụ xúc động đánh điện xuống: “Cảm ơn tất cả mọi người đã bật đèn!“.

Khi Friendship 7 chuẩn bị hạ độ cao sau ba vòng bay quanh đất mẹ thì đột nhiên đèn cảnh báo nguy cơ nháy lia lịa. Lớp gốm đặc hiệu nhằm chắn nhiệt khi đi vào vùng không khí đặc có vẻ như muốn bong ra - nói một cách chính xác, đó là bản án tử hình cho phi công. Nhóm kỹ thuật viên NASA giải quyết vấn đề từ dưới đất bằng một cú thử ngẫu hứng, họ không tách các tên lửa phanh khỏi con tàu, mà để chúng nguyên vị để thử ổn định lớp chắn. Qua cửa sổ, Glenn chứng kiến những mảnh vỡ của tên lửa phanh cháy hừng hực rồi vỡ tung như pháo hoa. Chưa hết, hai trong số tên lửa định hướng bị hết nhiên liệu, khiến tàu bị tròng trành. Đây là giờ phút của phi công chiến đấu Glenn - ông chuyển sang chế độ lái thủ công, chỉ báo về nhà “một trục trặc nhỏ“ trước khi hạ cánh chệch đích 60 km!


Và lần cuối vào năm 1988 sau gần 4 thập kỷ chờ đợi

Gần 4 thập kỷ nằm chờ trên bệ phóng

Nước Mỹ tưng bừng hai tuần liền với người hùng mới của mình. Glenn được chở xe mui trần qua đường phố New York trong một cuộc tuần hành hoành tráng với hàng vạn người tung hô, trong đó có Kennedy, người quyết tâm khai thác hình tượng sáng chói ấy cho sự nghiệp chính trị của mình. Cứ có cuộc gặp mặt nào trọng đại là hai vợ chồng Glenn được mời đến Nhà Trắng hoặc nhà nghỉ cuối tuần của tổng thống. Niềm vui tràn ngập ấy khiến Glenn không nhận ra sự nghiệp của ông đã tắt ngấm tại NASA ngay sau khi hạ cánh: quá lo ngại bị mất tấm biển quảng cáo rực rỡ trong chuyến bay tiếp theo, Kennedy ra mật lệnh từ nay chỉ được sử dụng Glenn... dưới mặt đất.

Ngày ấy, mỗi chuyến lên vũ trụ là một rủi ro khôn lường, đã đành, nhưng người ta đã im ỉm giấu kín ý đồ đó, khiến Glenn bao năm trời nuôi hy vọng hão huyền vào một chuyến bay thứ hai. Biết là NASA đã bắt đầu dự án đổ bộ lên mặt trăng, tháng nào Glenn cũng lên hỏi chỉ huy dự án Bob Gilruth, chỉ để được vỗ về và tiếp tục đợi. Mãi sau khi Kennedy bị ám sát ở Dallas, chỉ thị của tổng thống mới được tiết lộ.

Một ngày xấu trời, tự Glenn cũng nhận ra vai trò làm tấm biển quảng cáo di động của mình. Ông vứt quân hàm, cắt hợp đồng với NASA và... mở một công ty đồ uống. Doanh nhân Glenn, nhờ có tên tuổi nặng ký nên được bầu vào nghị viện Ohio, thậm chí năm 1984 ông còn toan leo ghế tổng thống. Đến tận hôm nay, 90 tuổi, ông vẫn xót xa vì không thực hiện nổi mơ ước lớn nhất của mình để đặt chân lên mặt trăng.

Rồi cũng có một niềm an ủi, dù chậm mất mấy chục năm và cũng chỉ nhờ “móc ngoặc“ chính trị với Daniel Goldin, giám đốc đương nhiệm của NASA. Một lần nữa Glenn lại được với tay lên gần các vì sao, khi chuyến bay STS-95 (năm 1988) nghiên cứu tác động của tình trạng vô trọng vào người lớn tuổi.

9 ngày liền, cụ già Glenn “bám càng“ phi thuyền Discovery bay vòng quanh Trái đất hàng trăm vòng với vận tốc 28.000 km/h. Ở tuổi 77, ông đủ thông thái để biết mình chỉ thêm một lần nữa đóng vai trò... chuột thí nghiệm giữa 6 phi hành gia khác. Nhưng có hề gì. Sau chức quán quân tốc độ hồi trẻ (bay từ Los Angeles đến New York chỉ mất 3 giờ 23 phút), Glenn tổng cộng chiếm thêm bốn kỷ lục nữa: người Mỹ đầu tiên lên vũ trụ, phi công vũ trụ già nhất, phi hành gia lớn tuổi nhất còn sống, và... thời gian chờ đợi dài nhất giữa hai chuyến bay!

Lê Quang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm