Lộ diện ứng viên số 1 cho ghế lãnh đạo WB

25/03/2012 11:08 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Bỏ qua các ứng cử viên nổi tiếng, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 23/3 đã đề cử chuyên gia y tế kiêm Chủ tịch Đại học Dartmouth, ông Jim Yong Kim, vào ghế lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (World Bank). Sự lựa chọn này khiến không ít người "há hốc mồm”  ngạc nhiên bởi ông Jim rõ là kẻ "tay ngang", nhưng lại được giao chiếc ghế cao nhất, tại định chế tài chính quan trọng như WB.

Khi Obama tuyên bố đề cử Jim Yong Kim từ Vườn Hồng tại Nhà Trắng vào sớm ngày 23/3, ông đã nói rõ rằng có một người Mỹ "với nền tảng độc nhất vô nhị và kinh nghiệm quốc tế rộng lớn sẽ là người tiếp theo lãnh đạo WB xử lý các mối quan tâm của những nước đang phát triển".

"Tay ngang" trong ngành tài chính

"Jim có kinh nghiệm toàn cầu. Ông đã làm việc từ châu Á tới châu Phi và tại Mỹ, từ các thủ đô cho tới những ngôi làng nhỏ. Câu chuyện cá nhân ông cũng minh họa cho sự đa dạng tuyệt vời của đất nước chúng ta" - Obama nói.

Đứng bên cạnh Jim còn có Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner và Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton. Cả hai người đều đã có thể nắm ghế lãnh đạo WB, nhưng họ không hứng thú với công việc này. Giới chức lãnh đạo cao cấp trong chính quyền nói rằng bà Hillary là người đầu tiên giới thiệu ông Jim với Obama.

Obama đã chọn Jim sau khi xem xét qua vài ứng cử viên nổi tiếng, gồm Đại sứ Mỹ ở LHQ Susan Rice, Thượng nghị sĩ John Kerry và Lawrence Summers, cựu giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia. Các đề cử khác cho ghế lãnh đạo WB gồm có Indra Nooyi, lãnh đạo tập đoàn PepsiCo và Laura D'Andrea Tyson, người từng là cố vấn kinh tế dưới thời Clinton.

Jose Antonio Ocampo,  một giáo sư ở Đại học Columbia, cũng đã được cho là ứng cử viên tiềm năng. Tương tự là Jeffrey Sachs, một nhà kinh tế ở Đại học Columbia và bản thân ông đã vận động để được lựa chọn vào ghế lãnh đạo WB. Nhưng sau đó chính Sachs lại tuyên bố rút lui, với lý do ủng hộ Jim. "Jim là ứng viên tuyệt vời cho WB. Tôi ủng hộ ông ấy 100%" - Sachs nói trên mạng xã hội Twiter- "Lần đầu tiên trong lịch sử WB, tổ chức sẽ có một vị chủ tịch với ưu tiên của cả đời ông cũng là mục tiêu ngân hàng hướng tới: tiêu diệt đói nghèo".

Theo kế hoạch, hội đồng 25 thành viên ban điều hành WB sẽ chỉ lựa chọn chủ tịch mới vào tháng tới. Nhưng dựa trên thực tế Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang nắm số phiếu bầu lớn nhất, Jim gần như đã chắc chắn chiến thắng trước các đối thủ.

Ông Jim Yong Kim, người vừa được đề cử vào ghế Chủ tịch WB

Những "gã điên" chuyên chăm sóc người nghèo

Jim sinh ra tại Seoul vào năm 1959, trước khi chuyển tới sống ở Mỹ 5 năm sau đó. Ông tốt nghiệp hai đại học là Brown và Harvard, đồng thời là sáng lập viên tổ chức y tế toàn cầu Partners in Health, thành lập cùng bạn học  Paul Farmer ở Harvard. Cùng nhau, họ đã chống lại bệnh tật ở Haiti và những nước nghèo khác.

Jim đã có những thắng lợi lớn nhất đời ông ở Lima, Peru, trong những năm 1990. Khi đó, người dân sống ở khu ổ chuột tại đây đang bị bệnh lao hoành hành. Vi khuẩn lao phổi ở đây không bị các loại kháng sinh có ở thời đó khuất phục và loại thuốc chế ngự được chúng thì rất đắt. Các chuyên gia ở Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) còn lo ngại nếu điều trị và phân phối thuốc không đúng cách, vi khuẩn sẽ kháng thuốc mạnh hơn.

Nhưng Jim đã cố gắng thuyết phục các nhà sản xuất thuốc giá rẻ tăng sản lượng thuốc chống lao phổi đời mới, khiến giá thuốc hạ xuống tới 95%. Ông cũng cho thấy thuốc có thể được phân phối tới tay bệnh nhân một cách cẩn thận, qua đó không gây ra hiện tượng nhờn thuốc.

Jim còn được biết tới với tư cách nhân vật "không biết nói không" khi phải giải quyết các vấn đề. Có lần, ông và Farmer định vay vốn cho một chương trình y tế từ quỹ Gates, Farmer chỉ muốn tìm kiếm số tiền khoảng 4 triệu USD. Nhưng Jim nói rằng họ nên vay 45 triệu USD. Cả hai đã làm theo hướng này và họ thành công. "Mọi người thường nghĩ rằng chúng tôi không thực tế lắm" - Jim từng nói - "Họ không biết rằng thực ra chúng tôi rất điên rồ".

Năm 2004, Jim nắm ghế lãnh đạo chương trình HIV/AIDS của WHO. Vào thời điểm đó, các bệnh nhân ở những nước giàu có tiền mua thuốc, còn tại nước nghèo, người bệnh chỉ còn biết... cầu nguyện. Jim bèn đưa ra một giải pháp chưa từng có:tăng cường việc sản xuất thuốc kiềm chế hoạt động của virus HIV để giá hạ xuống. Ông muốn điều trị 3 triệu người châu Phi vào năm 2005. Chương trình đã hoạt động theo đúng ý ông. Giờ đã có 7 triệu người châu Phi được hưởng lợi từ đề xuất của ông. "Jim có sự can đảm và tầm nhìn đủ xa để dám nói rằng 'chuyện này có thể xử lý được'" - Julio Frenk, hiệu trưởng Trường Y tế công của Đại học Harvard nhận xét - "Ông không phải dạng quan chức bình thường ở WHO đâu".

Sau khi rời WHO, Jim có thời gian trở lại Harvard và từng được đưa vào danh sách "100 nhân vật có nhiều ảnh hưởng nhất" năm 2006 của tạp chí Times. 3 năm sau ông làm chủ tịch trường Đại học Dartmouth, cương vị ông nắm giữ tới nay.

Một sự lựa chọn sáng suốt

Mặc dù có gốc Hàn Quốc, Jim sẽ tiếp nối truyền thống người Mỹ nắm ghế lãnh đạo WB, kể từ khi tổ chức này thành lập hồi năm 1944. Vài quốc gia từng tìm cách phá bỏ vị thế độc tôn của Mỹ, khi chủ tịch hiện nay, ông Robert Zoellick, sẽ về hưu vào cuối tháng 6. Họ chỉ ra rằng sự thay đổi là cần thiết, bởi chính bản thân Obama đã rất mạnh miệng nói rằng các nước phát triển phải đóng vai trò lớn hơn trên trường quốc tế.

Lời kêu gọi thay đổi nhận được sự ủng hộ từ những người tin rằng đã tới lúc để thế giới đang phát triển cầm cương WB, nhằm giúp giải quyết các vấn đề của họ tốt hơn. Cơ quan viện trợ quốc tế Oxfam đã lên tiếng kêu gọi WB cần có cuộc thảo luận chân thành về chiếc ghế lãnh đạo, thay vì việc "bầu bán vờ vịt" và sau mỗi nhiệm kỳ lại đón một người Mỹ mới. "Đã tới lúc để có sự đột phá mang tính biểu tượng so với quá khứ và cần có một lãnh đạo mới để lèo lái ngân hàng vào thế kỷ 21" - phát ngôn viên Oxfam Elizabeth Stuart nói.

Điều đó khiến Obama buộc phải có những điều chỉnh nhất định trong việc chọn người kế nhiệm. Việc ông chọn Jim, người gốc Á và có nhiều năm chống dịch bệnh ở thế giới đang phát triển, sẽ dập tắt những sự phản đối. Thực tế Tổng thống Rwanda Paul Kagame đã nhanh chóng ca ngợi sự đề cử Jim, gọi ông là "người bạn thực thụ của châu Phi" và "một nhà lãnh đạo biết rõ phải làm gì để chống đói nghèo.

Còn với những người như Sachs, thế giới đang nắm trong tay sự lựa chọn tốt nhất hiện nay cho ghế Chủ tịch WB. "Ông ấy đã từng đi qua các ngôi làng, các khu ổ chuột, các nhà tù. Các chính phủ trên thế giới nên cảm thấy biết ơn từ sự lựa chọn này. Tôi không nghĩ họ sẽ muốn một chính trị gia vào ghế lãnh đạo WB. Họ muốn có một nhà lãnh đạo biết phát triển, và giờ mong ước của họ được toại nguyện"  - ông nói.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm