Lịch sử 'buôn súng' đầy phức tạp của nước Pháp

27/11/2014 07:05 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 25/11, Pháp đã chính thức tuyên bố tạm ngưng việc chuyển giao chiến hạm lớp Mistral cho Nga, sau nhiều tháng xuất hiện các phỏng đoán quanh số phận con tàu. Đây có thể xem là "sự cố" mới nhất liên quan tới hoạt động bán vũ khí của nước này.

Văn phòng Tổng thống Pháp Francois Hollande đã thông báo việc tạm ngưng "cho tới khi có thông báo thêm" về việc bàn giao tàu Mistral.

Đổi ý vì sức ép

Giới quan sát đánh giá quyết định cho thấy Pháp đã chịu áp lực rất mạnh từ phía các nước đồng minh trong việc phải tạm ngưng hợp đồng, để phản đối thái độ của Nga về vấn đề Ukraine. Tuy nhiên khi đưa ra quyết định trên, Pháp có nguy cơ trở thành bên chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Tàu Mistral Pháp bán cho Nga có tên Vladivostok. Theo kế hoạch, con tàu sẽ được chuyển giao cho phía Nga trong tháng 11 này. Con tàu hiện đang neo đậu tại thành phố cảng Saint Nazaire, nơi 400 thủy thủ của Nga đã có nhiều tháng huấn luyện trên nó. Một con tàu Mistral thứ 2 mang tên Sevastopol cũng có kế hoạch được bàn giao vào năm tới. Con tàu gần đây đã tới cảng Saint Nazaire để lắp đặt các thiết bị cuối cùng.


Pháp đã tạm hoãn việc chuyển giao các tàu Mistral cho Nga

Hồi tháng 9 năm nay, ông Hollande nói rằng tàu Vladivostok chưa đủ tiêu chuẩn để bàn giao cho Nga. Tuyên bố được đưa ra hôm 25/11 không nói Pháp đã hủy bỏ hợp đồng, cho thấy chính phủ nước này cũng không hề muốn từ bỏ thương vụ trị giá tới 1 tỷ euro (1 euro = 1,2 USD) và hàng ngàn việc làm trong bối cảnh suy thoái kinh tế.

Đại sứ Nga ở Pháp là Alexander Orlov cho hãng tin AP biết rằng hợp đồng có 1 điều khoản cho phép chậm bàn giao Vladivostok so với kế hoạch ban đầu. Ông cũng nói rằng Nga chưa đòi bồi thường vì chậm hợp đồng. Tuy nhiên sau khoảng thời gian này, Pháp hoặc sẽ phải giao con tàu, hoặc phải trả lại Nga số tiền ứng trước, chưa tính tới tiền phạt do chậm hoặc hủy hợp đồng, có thể lên tới hàng tỷ euro. Rõ ràng, đó là thiệt hại nặng nề cho một nước Pháp vẫn đang phải triển khai chính sắt thắt lưng buộc bụng để chống suy thoái kinh tế.

Về phía Nga, giới phân tích đánh giá 2 tàu Mistral - với khả năng mang theo 700 lính, 16 trực thăng vũ trang và hàng chục xe bọc thép mỗi tàu - sẽ mang tới cho quân đội nước này khả năng di chuyển một lực lượng lớn binh lính và thiết bị. Tuy nhiên đây không phải vũ khí chứa yếu tố thay đổi cuộc chơi và không có 2 tàu này, sức mạnh của quân đội Nga cũng chẳng bị ảnh hưởng gì nhiều.

Các thương vụ gây tranh cãi

Đây không phải lần đầu tiên Pháp thể hiện việc thiếu tôn trọng hợp đồng buôn bán vũ khí cho nước ngoài. Trước Nga, Argentina đã từng nếm mùi thay đổi của người Pháp.

Cụ thể, trong những năm 1980, tên lửa đối hạm Exocet do Pháp chế tạo, với khả năng bay là là cách mặt nước chỉ chừng 1-2 mét khiến nó khó bị ra-đa phát hiện, trở thành mặt hàng được nhiều nước thèm muốn.

25 nước đã đặt mua tên lửa này từ Pháp gồm chính quyền quân sự Argentina mới lên nắm quyền sau cuộc đảo chính 1976. Năm 1982, Pháp đã chuyển 5 quả tên lửa Exocet cho Argentina. Tuy nhiên tới ngày 2/4/1982, quân đội Argentine bất ngờ đánh chiếm quần đảo Falkland, đã thuộc quyền kiểm soát của Anh trong vòng 150 năm, qua đó châm ngòi cho cuộc chiến Falkland.

Tổng thống Pháp khi ấy, ông Francois Mitterrand, đã phản ứng với hành động của Argentina bằng tuyên bố cấm vận vũ khí và hỗ trợ cho Argentina. Lô tên lửa Exocet mà Argentina đặt mua không được bàn giao hết. Tuy nhiên với chỉ 5 quả tên lửa được đưa vào trang bị, Argentina vẫn bắn chìm khu trục hạm HMS Sheffield của Anh, khiến 20 thủy thủ thiệt mạng.

Sau Argentina, Pháp còn có một số thương vụ bán vũ khí gây tranh cãi khác. Trong những năm 1980, giới chức lãnh đạo Iraq coi những chiếc Mirage F-1 của Pháp là hệ thống vũ khí lý tưởng để tổ chức một cuộc tấn công hiệu quả vào các mục tiêu ở Iran.

Công ty Dassault của Pháp sau đó đã chào bán cho Iraq 24 chiếc Mirage F-1 đã được nâng cấp để có thể mang theo và bắn 2 quả tên lửa Exocet. Chưa hết, chính quyền Pháp còn đồng ý cho Iraq "mượn" 5 chiếc máy bay chiến đấu Super Etendard có trong kho vũ khí của hải quân nước này.

Phía Iran đã nhanh chóng đánh hơi thấy thương vụ này và giới lãnh đạo Iran cảnh báo rằng việc chuyển giao những chiếc máy bay sẽ dẫn tới chiến tranh. Không hề e sợ, chính quyền Pháp vẫn triển khai "Chiến dịch đường ngọt", trong đó 5 phi công máy bay chiến đấu Pháp được công ty Dassault lựa chọn, sẽ mang theo hộ chiếu giả và đưa 5 chiếc Super Etendard tới căn cứ Tây Qayarah ở Bắc Iraq.

Trong hành trình, các máy bay sẽ tạm dừng để tiếp nhiên liệu trên một tàu sân bay Pháp đóng ngoài khơi CH Síp. Chúng cũng sẽ dừng chân ngắn ở Thổ Nhĩ Kỳ, trước khi bay dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria ở độ cao thấp nhằm tránh rađa và vào Iraq an toàn.

Không rõ Iran có nắm được thông tin về chiến dịch này hay không, chỉ biết rằng 2 tuần sau khi 5 chiếc máy bay được bàn giao, một xe bom đã phát nổ gần một tòa nhà ở thủ đô Beirut của Lebanon, nơi có một lực lượng lính dù Pháp đóng quân. Chính quyền Pháp tin rằng vụ tấn công do Iran thực hiện.

Tháng 10/2004, Liên minh châu Âu (EU) chấm dứt lệnh cấm vận chống Libya kéo dài 11 năm. Việc này bao gồm xóa bỏ cấm vận vũ khí để đổi lấy cam kết từ chính quyền Muammar Gaddafi trong việc từ bỏ hoạt động phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Thỏa thuận đã mở đường cho các nhà buôn vũ khí châu Âu trở lại Libya. Từ năm 2004 tới năm 2009, EU đã cấp giấy phép xuất khẩu vũ khí trị giá 834 triệu euro và Pháp đứng thứ 2 trong danh sách các nước chuyển nhiều vũ khí vào Libya nhất. Tổng cộng Pháp đã bán cho Libya số máy bay, bom, đạn, tên lửa các loại trị giá 210 triệu euro. Tuy nhiên chỉ vài năm sau thời điểm 2009, phương Tây, với Pháp là một trong những nhân vật chính, đã mạnh tay can thiệp vào Libya, lật đổ chính quyền Gaddafi.

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm