"Kinh đô giết người" của châu Âu

20/02/2013 07:09 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Đảo Corsica của Pháp lâu nay vẫn nổi tiếng vì hoạt động du lịch. Nhưng giờ hòn đảo này còn có thêm một danh tiếng nữa mà chẳng mấy người mong muốn: nơi có tỉ lệ giết người trên số dân cao nhất châu Âu.

Những vụ giết người và bạo lực máu lạnh đang làm vấy bẩn hình ảnh đẹp như tranh của Corsica. 

Vụ giết người trắng trợn

Các vụ ám sát đã diễn ra thường xuyên ở đây, tại các bãi biển hoặc các khu mua sắm sang trọng, giữa thanh thiên bạch nhật. Các quán cà phê đầy chặt du khách cũng là điểm người ta hay được chứng kiến các màn giết người trắng trợn, khi một người đàn ông hoặc một người phụ nữ có thể bất ngờ bị bắn hạ. Và trên hòn đảo này của Pháp, nhà chức trách dường như không thể ngăn cản tội ác.

Tháng 10 năm ngoái, luật sư nổi tiếng nhất của Corsica là Antoine Sollacaro, đã bị ám sát khi ông lái xe tới nơi làm. Hai tay súng đi trên xe máy đã bám theo người đàn ông 63 tuổi tới một trạm xăng và bắn ông vài phát.

Luật sư Antoine Sollacaro, người mới bị ám sát giữa ban ngày hồi tháng 12 năm ngoái.

Cho tới nay các sát thủ vẫn chưa được tìm thấy và nhiều khả năng sẽ chẳng bao giờ được tìm thấy. Số liệu thống kê cho thấy từ năm 2007 đã có 105 vụ ám sát, trong đó chưa đầy 10% số vụ này có kết cục là những kẻ phạm tội bị kết án.

Anna-Maria Sollacaro lo sợ trường hợp của cha cô sẽ nhanh chóng bị lãng quên. Cô lo rằng việc chính quyền không thể khởi tố những kẻ phạm tội đã dẫn tới thái độ khinh nhờn pháp luật ở hòn đảo này.

"Để một sát thủ có thể giết ai đó vào 9 giờ sáng tại một trạm xăng, trước các camera giám sát, hắn ta phải thực sự có thần kinh thép. Nhưng hành động của chúng còn khiến bạn băn khoăn tự hỏi rằng có phải chúng đã nhận được sự giúp đỡ nào đó" - cô nói.

Không khí bạo lực ngự trị

Các vụ ám sát ở Corsica đã xảy ra với tỷ lệ 20-25 vụ mỗi năm trong suốt cả thập kỷ qua. Nếu biết rằng dân số của đảo chỉ có hơn 300.000 người, con số những người chết bỗng trở nên vô cùng lớn. Thực tế Corsica đã có tỷ lệ giết người cao nhất châu Âu.

Tính trắng trợn của các vụ giết người đã làm người ta khó có thể chấp nhận được chúng. "Đột nhiên một gã đàn ông xuất hiện và quyết định giết người, giống như anh ta đang ở miền Viễn Tây thời cao bồi vậy" - một người phụ nữ làm việc tại một cửa hàng bán đồ nam giới, nơi một doanh nhân bị sát hại hồi tháng 11 năm ngoái cho biết - "Sát thủ đã phá hủy một gia đình, gây tổn thương cho nhiều người... Chúng tôi đã chịu đựng quá đủ rồi. Chúng tôi không phải đang sống ở miền Viễn Tây".

Giết người và bạo lực không phải là chuyện gì mới mẻ ở đây. Corsica, nơi sinh của hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte, đã nổi tiếng vì hoạt động bạo lực của các chiến binh chủ trương đòi ly khai kể từ giai đoạn những năm 1970.

Nhóm ly khai chính là FLNC, đã thường xuyên thực hiện các vụ đánh bom khách sạn, khu nghỉ dưỡng ven biển, trước khi bước vào thoái trào trong những năm 1990. Đó cũng là thời điểm bạo lực bắt đầu giảm dần ở hòn đảo.

Corsica có khung cảnh thơ mộng, nhưng lại là nơi có tỷ lệ giết người cao nhất châu Âu
Bạo lực lắng xuống đã khiến nhiều người Pháp giàu có tìm tới xây nhà dọc theo bờ biển Corsica. Năm ngoái, 6.000 ngôi nhà đã được xây dựng, tới một nửa là nhà nghỉ. Nhưng cơn sốt bất động sản đã thu hút sự chú ý của một thế lực ngầm khác ở Corsica: tội phạm có tổ chức.

Dominique Bucchini, một cựu thị trưởng và giờ là Chủ tịch Hội đồng lập pháp Corsica cho biết, giá nhà đất tăng lên đã khiến các tay tội phạm thèm khát đất.

Bucchini nói rằng rất ít người Corsica có đủ tiền xây nhà nghỉ. Vì thế những tay tội phạm đã đổ tiền về đầu cơ nhà đất bằng tiền bẩn. Ông cho biết các chính trị gia địa phương tỏ ra bất lực trong việc ngăn chặn các hoạt động đầu tư bẩn kiểu này.

"Các quan chức, những người thông qua các lá đơn xin xây dựng, luôn là những người “đứng mũi chịu sào”, bởi họ có thể nhận một lá thư đe dọa nặc danh, hoặc bị cho nổ tung chiếc xe hơi, hoặc nhà của họ. Những người này cũng có thể phải lãnh một viên đạn vào đầu bất kỳ lúc nào và nguyên nhân chỉ bởi cơn khát tiền của bọn tội phạm" - Bucchini nói.

Bucchini biết rất rõ về những lời đe dọa ấy. Khi làm thị trưởng trong giai đoạn từ 1977-2001, ông đã nhận vô số những lời đe dọa lấy mạng vì đã lên tiếng bênh vực các nhà phát triển bất động sản chân chính.

Chính quyền bất lực

Giết người và bạo lực không phải là chuyện gì mới mẻ ở đây. Corsica, nơi sinh của hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte, đã nổi tiếng vì hoạt động bạo lực của các chiến binh chủ trương đòi ly khai kể từ giai đoạn những năm 1970.

Và bạo lực không chỉ giới hạn ở các bờ biển của Corsica. Đi sâu vào trong đất liền, người ta có thể dễ dàng tìm được các thị trấn nơi các ân oán cũ vẫn còn được giải quyết, các mối thù giữa nhiều gia đình vẫn còn tồn tại dai dẳng.

Làng Ponte Leccia với dân số chừng 1.000 người, là một điển hình cho các màn trả đũa. Tại đây, một cựu thành viên băng đảng là Maurice Costa, đã vừa bị giết tại cửa hàng thịt mang tên anh ta.

Chỉ vài ngày trước khi phóng viên BBC tìm tới Corsica, một người đàn ông cũng đã bị thương trong một âm mưu ám sát hụt bên ngoài quán cà phê. Nạn nhân may mắn trốn thoát. Nhưng sẽ không có ai trong làng hé lộ một lời nào về thứ gì đã đứng sau màn ám sát. “Luật im lặng” ở đây cũng khủng khiếp không thua “Luật im lặng” của mafia Italia.

Đại diện của chính quyền Pháp tại thủ phủ Ajaccio là Patrick Strzoda nói rằng trong nhiều năm, cảnh sát và lực lượng an ninh Pháp đã tập trung vào các vấn đề khác nhau. Ông nói rằng chính quyền Pháp đã bận bịu với các vấn đề bạo lực đòi ly khai trong quá lâu, tới mức không nhận ra vấn đề tội phạm có tổ chức ở đảo cũng nghiêm trọng không kém. "Đây là lỗi hình thành từ sự điều phối" - ông nói.

Với con gái của Antoine Sollacaro, tình hình bạo lực lan tràn ở hòn đảo là do chính quyền Pháp sợ làm rõ trách nhiệm và bắt giữ những kẻ có liên quan. "Tôi biết có những người khác cũng đang chia sẻ cảm xúc giống mình" - cô nói - "Rằng người mà bạn yêu dấu đã không chỉ chết về mặt thể xác, mà còn chết cả trên phương diện pháp lý nữa". 

Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm