Kiệt tác từ người quay lưng lại với nền văn minh

26/02/2017 07:13 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Henry David Thoreau (1817-1862) là một trong những văn hào đại diện cho văn chương Hoa Kỳ, nhưng sinh thời thì không hẳn: vì tác phẩm Walden Or, Life In The Woods (Walden) - Một mình sống trong rừng mà ông được coi là kẻ lập dị, ít ai tin các luận chứng của ông đến hôm nay còn mang tính thời sự.

Sống đơn giản và tự do như có thể, qua đó thoát khỏi gông cùm của cuộc sống thế tục, hay nói cách khác là hướng tới tự do nội tâm bằng cách chối bỏ thỏa mãn các nhu cầu phiến diện - đó là khát vọng thường trực của loài người, trước và sau Thoreau, có thể tìm thấy trong mọi tín ngưỡng và trong sách của các hiền triết từ thời Trung cổ.

Xa lánh bụi trần

Triết gia Hy Lạp Diogenes, con người khắc kỷ cực đoan ở thế kỷ 4 trước Công lịch, đã lấy một cái thùng gỗ làm nhà và chỉ sống bằng đồ ăn xin được. Thậm chí ông còn từ chối quà tặng của Alexandros Đại đế, và khi được hoàng đế xin được thỏa mãn một nguyện vọng bất kỳ, Diogenes chỉ lặng lẽ đáp: “Vâng, xin Đức vua tránh qua một bên để tôi khỏi bị chắn nắng”.

Ta nên tin rằng nhà văn Mỹ Henry David Thoreau, cựu sinh viên môn ngôn ngữ cổ ở Đại học Harvard, không chỉ biết rõ giai thoại trên về Diogenes, mà còn là tín đồ trung thành của lý thuyết sống ấy. Trong tác phẩm Walden ông nói về phương châm sống và viết của mình: “Ta có nhất thiết phải ngày càng sở hữu nhiều hơn những thứ mà lẽ ra có ít hơn thì ta vẫn hài lòng? Tôi thà có trái bí ngô cho một mình tôi, hơn là chen lấn kiếm chỗ ngồi trên nệm nhung. Càng có nhiều những thứ đó, người ta càng nghèo đi”.


 Henry David Thoreau

Lịch sử văn học ghi nhận Henry David Thoreau như một văn hào vĩ đại của Mỹ, và đó là một hiện tượng khá hy hữu, vì sinh thời ông là một nhà phê phán chủ nghĩa tiêu thụ và chủ trương quay về với thiên nhiên - một ý tưởng khá kỳ quái trong xã hội Mỹ giữa thế kỷ 19. Thoreau là con một nhà sản xuất bút chì ở Concord, một thị tứ nhỏ ở bờ Tây Hoa Kỳ.

Vì từ chối đánh một học sinh bằng roi mây, ông bỏ nghề giáo, làm những công việc lặt vặt khác trước khi nhận chân thư ký cho công dân nổi tiếng nhất của Concord ngày ấy, linh mục Ralph Waldo Emerson, tác giả cuốn Nature được coi là tuyên ngôn của Thuyết tiên nghiệm. Nói đơn giản, đó là một dạng triết lý sống - để tìm đến với Chúa và chính mình, người ta cần thường xuyên thâm nhập thiên nhiên hoang dã để giác ngộ.

Lại gần cuộc sống thực thụ

Thoreau tìm thấy ở Emerson một sư phụ tinh thần và ở tuổi 27, ông quyết định thực thi một dự án đã có sẵn từ lâu trong đời. Thoreau xin Emerson cho phép dựng một chòi bằng gỗ rộng 15 mét vuông trên một mảnh vườn của Emerson cạnh hồ Walden, cách Concord 3 cây số. “Tôi ở ẩn để tiếp cận cuộc sống thực thụ, để lúc hấp hối không vỡ nhẽ là tôi đã không từng sống. Tôi không muốn sống cái mà không thể coi là cuộc sống, tôi muốn hút xương tủy của cuộc sống và vứt hết những gì không thuộc về cuộc sống”.   

Hơn hai năm, từ 4/7/1845 đến 6/9/1847, Thoreau sống trong rừng, sau đó ông đi thuyết trình dạo về các nhận thức của mình, trước khi viết thành cuốn Walden Or, Life In The Woods năm 1854. Lý do cuộc thai nghén dằng dặc này nằm trong bản chất cực kỳ phức hợp và đa tầng của tác phẩm. Ông viết đi viết lại không dưới 7 lần, liên tục bổ sung nhiều đoạn và đảo các chương. Kết quả là một hỗn hợp ma trận từ bài giảng đạo, hướng dẫn kỹ năng sống sót trong rừng, phân tích xã hội và ngụ ngôn mang tính mở để người đọc tự suy luận.


Ngôi nhà gỗ tự dựng của Thoreau trong rừng

Hơn 160 năm sau, ai lần giở 500 trang trong cuốn kinh điển ấy, sẽ hiểu vì sao một người tiên phong như Marcel Proust lấy nó làm cuốn sách gối đầu giường.

Thoreau: “Các phát minh của chúng ta thường là đồ chơi xinh đẹp, khiến ta bị lạc hướng khỏi những chuyện nghiêm túc. Chúng ta vội vã dựng tuyến dây thép điện tín giữa Maine và Texas, trong khi hai nơi đó có lẽ chẳng có gì quan trọng để bàn bạc với nhau. Chúng ta khẩn trương thảo cáp viễn thông xuyên Đại Tây Dương để nối liền hai thế giới, nhưng có thể tin đầu tiên đưa qua Mỹ là: Công chúa Adelaide bị ho gà. Vậy thì, quan trọng không phải nói nhanh, mà là nói có chất”.  

Khỏi phải nói thêm là triết lý của Thoreau hôm nay sẽ bị đa số tín đồ của kỷ IPhone coi là “âm lịch”. Vấn đề ở đây không là hiểu câu chữ theo nghĩa đen, mà biết sống chậm và gần gũi thiên nhiên, hơn là chỉ tiêu thụ trên lưng thiên nhiên. Quả thật, nếu nhờ Internet mà ta biết thật nhanh tin chìm phà ở Bangladesh chết 200 người thì cũng chẳng vì thế mà cuộc sống của ta có chất lượng hơn.

Cái giá của cuộc sống ẩn dật

Tư tưởng của Thoreau ắt sẽ chướng tai một số người. Song tác giả của Walden cũng không có ý định viết cẩm nang cho mọi hoàn cảnh sống. Bản thân ông cũng coi cuộc sống ẩn dật tạm thời của mình là một thử nghiệm, và nhất định ca tụng sự lười biếng của ông có giá trị với những ai muốn sống khác cái máy: “Có những ngày Hè, tôi ngồi từ khi mặt trời mọc đến quá trưa để mơ mộng và suy tưởng, đó không phải thời gian mất đi, mà là thời gian lãi của cuộc sống. Sẽ có người cho đó là lười biếng, nhưng nếu chim chóc và hoa lá đo tôi bằng thước đo của chúng thì tôi đâu có kém cỏi”.

Hôm nay, khi việc kiếm tiền được nâng lên hàng “tín ngưỡng”, khi có người chết gục vì kiệt sức ở Nam Hàn hay Nhật Bản đã thành chuyện thường nhật, ta sẽ hiểu vì sao một số luật lao động, ví dụ ở Đức, cấm chủ lao động gọi di động cho nhân viên sau giờ làm việc.      

Quả thật, nếu nhờ Internet mà ta biết thật nhanh tin chìm phà ở Bangladesh chết 200 người thì cũng chẳng vì thế mà cuộc sống của ta có chất lượng hơn.

Chẳng lẽ cuộc sống ẩn dật, dù chỉ tạm thời, không làm ông bất hạnh? “Không, tôi thấy vô cùng lành mạnh khi đa số thời gian một mình. Ở mãi bên cạnh những người khác, kể cả người thân yêu nhất, cũng làm ta mệt mỏi và phân tâm” - quả là một mệnh đề dũng cảm ở một thời đại mà vị thế và thành công của mỗi người (cũng) được đo bởi danh sách bạn bè trên Facebook và Twitter.

Vậy thì tính thời sự trong triết lý của Thoreau không nằm trong lựa chọn một mô hình sống khác, mà trong câu hỏi chứa tiềm năng gây hấn: Ta tự do đến chừng nào, khi thời gian của ta chủ yếu để kiếm tiền và phục vụ cuộc săn đuổi các giá trị do người khác vẽ ra, như cái túi xách Hermes (cũng chỉ để đựng cái ví và gói khăn giấy xì mũi) và đồng hồ Rolex nạm hạt xoàn (với độ chính xác còn kém cái đồng hồ điện tử giá 100 ngàn đồng)? Sẽ không có ai vào lúc hấp hối lại lấy làm tiếc vì đã không làm việc nhiều hơn.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm