John Willard Marriott: Doanh nhân thành công bậc nhất trong lịch sử Mỹ

15/10/2013 15:28 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Với một phong cách làm việc chăm chỉ và luôn hướng đến sự hoàn hảo, John Willard Marriott đã không ngừng vươn lên tới những thành công để sở hữu một chuỗi các nhà hàng và khách sạn cho tới cuối đời.

Khởi đầu từ công việc kinh doanh cửa hàng nước giải khát cho đến sở hữu một chuỗi những nhà hàng và khách sạn đạt được được lợi nhuận, John Willard Marriott luôn được coi là một trong những doanh nhân thành công nhất trong lịch sử nước Mỹ.

"Một người đàn ông cần tiếp tục nỗ lực cố gắng trong sự nghiệp, cố gắng ngay cả khi đã gặt hái những thành công", Marriott đã từng nói. "Người đàn ông cần phấn đấu tập trung vào những công việc mà thế giới tươi đẹp này đem lại. Anh ta phải sống để làm việc mỗi ngày có thể, dù cho những có khó xảy đến. Đó là những gì mà tôi luôn quan niệm mình phải làm", Marriott chia sẻ.

Đó chính là những gì mà Marriott đã theo đuổi cho tới cuối đời. Bắt đầu từ chuỗi cửa hàng bán nước giải khát có gas vào năm 1927 và sau đó là chuỗi các cửa hàng đồ ăn vào năm 1932, Marriot đã phát triển chuỗi cửa hàng kinh doanh và khách sạn lớn nhất nước Mỹ.

Cho đến khi Marriott mất vào năm 1985, công ty do ông thành lập sau này là tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới đã sở hữu hơn 1.400 nhà hàng, 143 khách sạn và các khu nghỉ dưỡng trên toàn thế giới, doanh lớn nhất mà Marriott từng gây dựng được đạt mức 4,5 tỷ USD.

Lao động từ năm lên 8

Marriott sinh ngày 17/9/1900 trong một gia đình nghèo tại Utah. Ông đã phải lao động từ khi lên 8 tuổi. Đến năm 14 tuổi, Marriot đã được giao phó công việc đưa đàn cừu từ Utah tới các thành phố như San Francisco. "Cha tôi đã hướng dẫn tôi bước vào công việc từ rất sớm. Ông không nói nhiều về cách làm mà để tôi tự tìm ra phương hướng cho bản thân".

Gia đình Marriott bị phá sản khi ông mới 21 tuổi, mặc dù không được học trường trung học nhưng Marriott vẫn nỗ lực cố gắng theo học một trường cao đẳng cộng đồng. Ông đã tự chi trả học phí bằng cách mở các lớp dạy về thần học.

Những nỗ lực cố gắng cuối cùng giúp Marriott được theo học tại Đại học Utah. Những năm cuối học đại học, Marriott đã tận dụng thời gian để mở một cửa hàng bán nước giải khát và bia ở Salt Lake City. Những thành công bước đầu đã tạo điều kiện để Marriott quyết định theo đuổi sự nghiệp kinh doanh của ông.

Với 1.500 USD tiền tiết kiệm cùng 1.500 USD vay mượn, Marriott mở cửa hàng bán bia nhỏ ở Washington. Mùa Hè là thời điểm cửa hàng của Marriott làm ăn phát đạt. Tuy nhiên, khi mùa Đông về, chẳng mấy ai còn nhu cầu uống bia. Đó là lúc mà Marriott từng nói rằng thay đổi là một điều kiện sống còn trong nghệ thuật kinh doanh. Ông từng bán rất chạy loại bia lạnh vào mùa Hè nhưng đến mùa Đông, thời tiết lạnh giá đã khiến ông phải thay đổi.


John Willard Marriott

Tiếp tục phục vụ loại bia hơi lạnh nhưng cửa hàng của Marriot đưa ra một thực đơn mới với các món ăn sử dụng ớt cay từ người Mexico. "Mẹ tôi biết tiếng Mexico và tôi đã được học một ít kinh nghiệm từ các đầu bếp ở Đại sứ quán Mexico", ông Marriot cho biết. Đó là những bài học ban đầu quý giá để Marriott tiếp tục thống trị lĩnh vực kinh doanh cửa hàng ăn và nước giải khát ở khu vực phía Đông nước Mỹ.

Không ngủ quên trên những thành công ban đầu, John Willard Marriott đã sớm nghĩ với những phương hướng kinh doanh mới mẻ hơn. Cho tới năm 1932, ông đã sở hữu chuỗi 7 cửa hàng phục vụ đồ ăn và nước giải khát với những thực đơn hoàn toàn đặc biệt giúp Marriott thu về gần một triệu USD.

Năm 1935, Marriott từng được chẩn đoán bị ung thư và chỉ có thể sống được khoảng 6 tháng cho tới một năm. Tuy nhiên dường như những khao khát, những nỗ lực được cống hiến cho cuộc sống đã giúp ông vượt qua và sống thêm được tròn 50 năm nữa.

Thành công của Marriott một phần đến từ chiến lược kinh doanh tài tình. Trong suốt hai cuộc chiến tranh thế giới, ông đã biết cung cấp những cửa hàng đồ ăn và nước giải khát cho cả chính phủ Mỹ và các trường học trong khu vực. Năm 1957 ông mở chuỗi khách sạn đầu tiên sau khi công ty được thành lập 4 năm trước đó. Kể từ đó tập đoàn khách sạn của Marriott không ngừng vươn xa tới mọi nơi trên thế giới đưa ông trở thành doanh nhân thành đạt nhất nước Mỹ cho đến khi Marriott mất vào năm 1985.

Những quan niệm làm nên thành công

Thành công của Marriott xuất phát từ những nỗ lực, những cố gắng không ngừng ngay từ nhỏ. Tuy nhiên để duy trì và phát triển chuỗi cửa hàng và khách sạn hàng đầu thế giới, Marriott đã tuân thủ nghiêm nghặt những quan niệm mà ông cho rằng đó là sống còn để tạo nên thành công.

John Willard Marriott luôn quan niệm rằng "Nếu bạn không lựa chọn những người đúng với vị trí của họ, bạn sẽ không bao giờ gặt hái những thành công". Mặt khác, Marriott hiểu rằng sự trao đổi và tôn trọng lẫn nhau là chìa khóa để các nhân viên dưới quyền có thể làm việc một cách tốt nhất. "Bạn sẽ không thể duy trì công việc kinh doanh nếu không thực sự tận mắt chứng kiến những công việc đang diễn ra".

Với 80% những phản hồi tích cực của khách hàng, John Willard Marriott vẫn tin rằng ông có thể đưa con số này lên mức 90%. Để làm được điều đó, Marriott nói với các nhân viên rằng 100% là những gì ông hướng đến.

Ngay cả khi đã có được một chuỗi cửa hàng và khách sạn hàng đầu nước Mỹ, John Willard Marriott vẫn thường xuyên tới thăm những khu vực kinh doanh, thăm hỏi các nhân viên, tham khảo sự hài lòng của khách hàng. "Nếu như công việc đang tiến triển tốt, đừng ngại ngần đưa ra lời khen cho các nhân viên. Hoặc nếu công việc có những khó khăn, giải thích và đưa ra lời động viên để họ có thể làm tốt hơn là điều mà tôi sẽ làm", Marriott từng chia sẻ.

Thành công bước đầu thời trẻ cùng với những kinh nghiệm tìm kiếm những cái mới để duy trình kinh doanh luôn là điều mà Marriott khắc sâu trong trái tim. Marriott thường xuyên giành trọn gần cả tuần lễ cho công việc. Marriott từng khẳng định rằng ông đặt trái tim của mình cho sự nghiệp kinh doanh.

Dù là nhà kinh doanh thành công nhất nước Mỹ lúc bấy giờ nhưng Marriot vẫn luôn theo dõi nghiêm ngặt những quy trình làm ra sản phẩm và phục vụ khách hàng. Ông để ý tới cả những chi tiết nhỏ nhất về mẫu bánh hamburger hay bánh mì kẹp thịt của cửa hàng cho dù ông đã có những nhà quản lý dưới quyền cho những công việc này.

Tìm kiếm sự hoàn hảo

Marriott luôn luôn tìm kiếm sự hoàn hảo trong kinh doanh. Ngay cả khi khách hàng tỏ ra hài lòng ông vẫn luôn nghĩ về những khả năng để có thể phục vụ khách hàng tốt hơn. Với 80% những phản hồi tích cực của khách hàng, Marriott vẫn tin rằng ông có thể đưa con số này lên mức 90%. Để làm được điều đó, Marriott nói với các nhân viên rằng 100% là những gì ông hướng đến, dù con số này sẽ rất khó đạt được nhưng chắc chắn số lượng khách hàng tỏ ra hài lòng sẽ đạt mức cao hơn.


Một khách sạn mang thương hiệu Marriott

"Tôi không bao giờ chấp nhận những sản phẩm từ cửa hàng ở mức số 2 hoặc 3. Chuỗi cửa hàng và khách sạn mà tôi gây dựng chỉ chấp nhận những chất lượng tốt nhất. Đó là lý do mà các bạn có thể thấy chất lượng phục vụ và sản phẩm của Tập đoàn Marriot gần như chỉ có một mức độ hoàn hảo", ông Marriott từng chia sẻ. Ông Marriott hiểu rằng nếu dễ dàng chấp nhận những sản phẩm kém chất lượng sẽ tạo điều kiện để các nhân viên không thực sự cố gắng.

Hết lòng vì gia đình và cộng đồng

Dù bỏ ra một khối lượng tương đối lớn cho công việc nhưng Marriott vẫn không hề quên đi gia đình vốn là điểm tựa để ông gặt hái thành công. "Nếu bạn cảm thấy thoải mái ở nhà, sẽ có nhiều khả năng bạn cảm thấy vui vẻ trong công việc hơn". Hãy đến nhà thờ mỗi khi có thể. Cân bằng giữa gia đình và áp lực công việc cũng là cơ sở để Marriott vượt qua được căn bệnh ung thư và mất ở tuổi 85.

Thành công trong công việc là cơ sở để John Willard Mariott quan tâm đến cộng đồng nhiều hơn. Không chỉ quan tâm đến đời sống, tâm tư của các nhân viên mà Marriott còn rất tích cực tham gia các hoạt động từ thiện với cộng đồng bởi hoạt động cộng đồng là yếu tố thiết yếu đối với cuộc sống của con người.

John Willard Mariott đã để lại di sản là một tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới với hơn 3.800 khách sạn trên 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, doanh thu theo báo cáo tài chính năm 2012 đạt 12 tỷ USD. Tập đoàn này điều hành, nhượng quyền, sở hữu các khách sạn thuộc 18 thương hiệu bao gồm Marriott, The Ritz-Carlton, JW Marriott, Bulgari, Renaissance, Gaylord, Autograph Collection...

JW Marriott Hanoi hướng đến phân khúc MICE

Ông Arne M. Sorenson - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Marriott International

Chuẩn bị đưa vào hoạt động JW Marriott Hanoi, khách sạn mang thương hiệu JW Marriott đầu tiên tại Việt Nam, ông

Arne M. Sorenson - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Marriott International đã có chuyến công tác đến Việt Nam. Chia sẻ với báo chí trong cuộc gặp mặt, ông Sorensen nhấn mạnh rằng, hiện mảng khách sạn phục vụ du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo (MICE) tại Hà Nội vẫn chưa xứng tầm, và JW Marriott Hanoi sẽ tập trung theo đuổi phân khúc này.

“Các khách sạn trong khu vực trung tâm do hạn chế về diện tích nên số lượng phòng không lớn. Vì thế, rất nhiều đoàn quy mô lớn đến Việt Nam mà cần khoảng trên 300 phòng thường phải chia ra 2 nơi để ở, trong khi họp hành thì vẫn chỉ diễn ra ở 1 nơi, việc di chuyển rất bất tiện. Trong khi đó, khách sạn của chúng tôi lại có thể đáp ứng được quy mô lớn hơn”, ông Sorensen phân tích.

JW Marriott Hanoi có quy mô 450 phòng và cung cấp không gian phục vụ hội thảo lên đến 2.400 m2 trên cùng một mặt bằng, trong đó có 2 phòng Ballroom chiều cao 7m không cột, khu vực Studio dành cho các sự kiện lãnh đạo cấp cao, các diễn đàn kinh tế...

H.Đ
Tổng hợp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm