Italia chống mafia cổ vật

28/05/2012 14:03 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Với 90.000 nhà thờ, 20.000 danh thắng lịch sử, 40.000 lâu đài và công trình, Italia nằm trong tầm ngắm của các tổ chức buôn lậu nghệ thuật trên toàn thế giới. Chúng có tổ chức giống như mafia.

Cũng vì thế, Italia là nước đầu tiên trên thế giới thành lập một đơn vị đặc biệt chuyên bảo vệ di sản văn hoá với các thành viên là các viên sĩ quan đam mê nghệ thuật.

Nạn buôn lậu cổ vật hoành hành

Những năm 1970-1990 là khoảng thời gian khủng hoảng tài sản văn hoá quốc gia của Italia với hơn 700.000 tác phẩm các loại bị đánh cắp.

Hoạt động buôn lậu các tác phẩm nghệ thuật chỉ đứng sau buôn lậu vũ khí và ma tuý. Giới buôn lậu và buôn bán nghệ thuật quốc tế hẳn đã quá quen với những cái tên như Gianfranco Becchina, Giacomo Medici hay Robert Hecht.

Phiên toà xét xử Gianfranco Becchina hiện đang diễn ra tại Italia. Ông này cùng vợ Ursula Jurascheck từng sở hữu một phòng trưng bày nghệ thuật ở Thuỵ Sĩ  mang tên Palladion Antike Kunst. Gianfranco đã thành công lớn khi bán cho Bảo tàng Getty Museum một chiếc liễn pha rượu của Hy Lạp bị đánh cắp từ một vụ đào bới bất hợp pháp ở Campania, phía Nam Italia. Người nông dân đào được chiếc liễn bán cho thương lái đối lấy một con lợn. Khi rơi vào tay Becchina, ông ta đã chứng nhận chiếc liễn thuộc bộ sưu tập tư nhân để bán với giá 275.000 USD.

Tướng Raffaele Mancino, chỉ huy TPC, cùng tuyển tập các bức thư của các văn nghệ sĩ bị đánh cắp và tìm thấy tháng 07/2011

Năm 1999, Italia yêu cầu trả lại chiếc liễn, nhưng chỉ nhận lại vật cổ này hồi năm 2005.

Bảo tàng Getty và Bảo tàng Fine Arts (Boston, Mỹ) còn dính dáng đến một số tay buôn lậu cổ vật người Thuỵ Sĩ. Khi khám xét văn phòng của đầu nậu Giacomo Medici  ở Genève (Thuỵ Sĩ), các điều tra viên đã tìm thấy nhiều tài liệu có giá trị như danh sách các cổ vật đánh cắp, tên những người mua, giấy tờ giao dịch. Giacomo Medici bị kết án 8 năm tù.

Gần đây, Robert Hechtm, một tay buôn lậu người Mỹ đã được toà án Italia trả tự do hồi tháng 01/2012, sau 7 năm thụ án. Hecht được giới buôn cổ vật quốc tế biết đến là người cầm đầu một mạng lưới buôn lậu khét tiếng. Chính những tài liệu thu thập trong quá trình điều tra về Hecht là bằng chứng giúp Italia thu về được hàng trăm cổ vật.

Lực lượng  “đặc nhiệm bảo vệ văn hóa”

Trước tình trạng buôn lậu hoành hành, Italia đã phản ứng bằng cách thành lập Cục bảo vệ di sản văn hóa (Tutela Patrimonio Culturale – TPC) có đại bản doanh đóng tại Trastevere (Roma), nằm dưới sự chỉ huy của Raffaele Mancino.

Trụ sở của đơn vị này giống như bảo tàng với rất nhiều tác phẩm trưng bày ở hành lang, như bức tượng Hercule bằng đá cẩm thạch có niên đại thế kỷ 1 hoặc 2 sau Công nguyên, được thu hồi năm 1999 ở Milan. Trong phòng làm việc của Mancino còn treo một bức tranh nguyên bản của Ghirlandaio, rất khác xa với một số sản phẩm sao chép hoặc bị làm giả được treo ở hành lang, được phát hiện bởi bộ phận chuyên xứ lý hoạt động buôn lậu các tác phẩm nghệ thuật giả.

TPC được thành lập năm 1969. Thập niên 60, Bộ trưởng Bộ Học chính Italia lo ngại trước hiện tượng đánh cắp các tác phẩm nghệ thuật cũng như tình trạng di sản quốc gia đang này càng trở nên nghèo đi, nên đã đề nghị với lãnh đạo cơ quan Cảnh sát quân sự thành lập một đơn vị chuyên trách bảo vệ di sản cổ vi sinh học, khảo cổ học, nghệ thuật và lịch sử của Italia.

TPC gồm 12 trung tâm tác chiến được lập tại các thành phố lớn như Palermo, Florence, Sassari. Họ có trách nhiệm theo dõi và giám sát các điểm khảo cổ học, bảo tàng cũng như các công trình lịch sử, đài phun nước.

TPC còn có nhiệm vụ thu hồi các vật bị đánh cắp ở Italia và được trưng bày thuộc các nhà sưu tầm cá nhân, trong bảo tàng hoặc được đem bán đấu giá. Đối với họ, việc đưa các tài sản văn hoá trở lại Italia là phần thưởng cao quý nhất. Bên cạnh đó, TPC hỗ trợ các nước trong việc thành lập những đơn vị có chức năng tương tự.

Một mạng lưới mafia khó chống

Trong lúc này, các băng đảng buôn lậu cổ vật vẫn hoành hành chủ yếu tại 5 vùng của  Italia là Campanie, Latium, Pouilles, Sicile và Calabre, do đây là những nơi chứa nhiều di chỉ khảo cổ.

Các mạng lưới buôn lậu được tổ chức theo kiểu kim tự tháp, phân thành 4 cấp. Cấp thấp nhất là những tay tombarolo chuyên đào bới bất hợp pháp để tìm những ngôi mộ còn vùi trong lòng đất và lấy cắp các đồ vật thờ cúng sau khi đã tàn phá nghiêm trọng những ngôi mộ đó.

Tombarolo hành động theo lệnh của trung gian, đối tượng tập hợp các tác phẩm nghệ thuật và đem bán trên thị trường ở Italia hay ở nước ngoài. Khi ra bên ngoài biên giới Italia, chúng có một mạng lưới xuất khẩu bất hợp pháp, trong đó có sự tham gia của không ít người thuộc giới cổ cồn trắng. Giới cổ cồn trắng có mối quan hệ trực tiếp với các bảo tàng hoặc các quỹ bảo trợ văn hoá- những mối khách hàng cho các tác phẩm bị đánh cắp.

Các thiệt hại do tombarolo gây ra đối với di sản văn hóa Italia là không thể tính được và thường không thể sửa chữa. Những đối tượng này có một vốn văn hoá nhất định, biết rõ về các đồ vật mà họ tìm thấy. Đây là nghề “cha truyền con nối”, người ta không thể trở thành tombarolo chỉ trong 5 phút, mà phải trải qua thời gian học các kỹ thuật để lấy được những kho báu có giá trị lịch sử và khoa học trong lòng đất. Các tombarolo được tuyển trong số các đối tượng phạm pháp đơn lẻ, nhưng tại một số vùng của Italia, chúng nằm trong mạng lưới tội phạm có tổ chức kiểu mafia.

Các trung gian nằm ở cấp thứ hai của tổ chức, thường là người Italia, có kiến thức tốt về khảo cổ học và lịch sử. Điều này giúp chúng có thể chuyển các tác phẩm lấy được lên cấp thứ ba, tức là những tay đầu nậu trên toàn lãnh thổ Italia. Các đối tượng này là mắt xích liên kết với giới buôn lậu quốc tế, nằm ở cấp cao nhất, biết cách tẩu tán các tài sản khảo cổ trên thị trường đen, biết phân biệt đồ thật đồ giả, niên đại cũng như giá trị thương mại và lịch sử. Chống lại một hệ thống tội phạm tinh vi như vậy là một thách thức vô cùng khó khăn với TPC cũng như các cơ quan bảo vệ văn hóa Italia.

Đào Ngọc (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm