Iraq kết án tử hình cựu Phó Thủ tướng

27/10/2010 11:01 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 26/10, tòa án hình sự Iraq đã tuyên án tử hình đối với cựu Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Tariq Aziz, người từng có thời gian dài đại diện cho Iraq trên trường quốc tế, vì tội tham gia tiêu diệt các đảng phái Hồi giáo ở nước này. Bản án dành cho Ariz ngay lập tức đã gây nên phản ứng phẫn nộ từ những người bênh vực ông.

Theo Đài truyền hình Iraq, Aziz bị tử hình vì đóng vai trò lớn trong việc tiêu diệt các đảng phái Hồi giáo trong nước, đặc biệt là đảng Dawa của người Shiite. Trước đó, ông đã từng bị buộc tội đồng lõa trong việc giết hại 42 thương nhân Iraq vào năm 1992 và đồng lõa trong việc trục xuất và giết hại 2.000 người Kurd. Tuy nhiên, với cáo buộc giết các thương nhân, Aziz chỉ bị án tù kéo dài 15 năm và cáo buộc sau mang tới mức án 7 năm tù.

Một nạn nhân chính trị?

Tuyên bố trước báo giới, phát ngôn viên Tòa Thượng thẩm Iraq Mohammed Abdul Sahib cho biết, tòa đã tuyên phạt tử hình “chống lại Tariq Aziz” và hai người khác là Sadoun Shakir và Abed Hamoud. Shakir từng là Bộ trưởng Nội vụ kiêm Giám đốc tình báo dưới thời Saddam. Người còn lại là Abed Hamoud, một cựu thư ký riêng của nhà độc tài. Cả ba người bị cáo buộc tham gia săn lùng và giết hại các thành viên Dawa.


Cựu Phó Thủ tướng Iraq Tariq Aziz
Phía tòa án khẳng định các chứng cứ thu thập được, bên cạnh lời khai của nhiều nhân chứng là những cơ sở chắc chắn đủ để kết tội Aziz cùng hai người kia.

Luật sư của Aziz, Badee Izzat Aref, hiện chưa tiết lộ nhiều về kế hoạch kháng án. “Chúng tôi sẽ thảo luận về vấn đề này và bước tiếp theo phải làm gì” - Aref nói với hãng tin AP khi đang ở Jordani. Tuy nhiên, ông đã lên án mạnh mẽ quyết định của tòa án và đặt dấu hỏi về việc tại sao nhà chức trách lại phạt tử hình ông vào đúng thời điểm nhạy cảm như hiện nay.

“Bản án này không công bằng và mang động cơ chính trị” - Aref tuyên bố. Ông nói rằng quyết định của tòa mang tính chính trị và chỉ là một chiêu đánh lạc hướng, để dư luận bớt chú ý tới những thông tin do trang web WikiLeaks mới công bố về hoạt động tra tấn, lạm dụng tù nhân của binh lính Iraq.

Con trai của Aziz là Ziad cũng tuyên bố bản án dành cho cha ông là không công bằng và phi logic. Theo Ziad, Aziz là nạn nhân chứ không phải tội phạm do các thành viên đảng Dawa từng tìm cách ám sát cha ông hồi năm 1980.

Gương mặt nổi bật về ngoại giao

Tariq Aziz sinh năm 1936, trong một gia đình lao động bình thường ở làng Tal Keif, gần Mosul, phía Bắc Iraq. Ông theo học khoa ngữ văn tại Đại học Baghdad trước khi tham gia nghề làm báo. Những năm 1950, Aziz và Saddam Hussein tham gia vào đảng Baath, khi đó đang hoạt động để lật đổ chính quyền được Anh ủng hộ. Aziz nói rằng ông tồn tại lâu dài trong chính quyền Iraq vì bản thân là người Thiên Chúa giáo nên ông không tạo nên mối đe dọa nào với Saddam.

Những năm 1970, Aziz được chỉ định làm Bộ trưởng Thông tin Iraq. Năm 1977, ông tham gia Hội đồng Chỉ huy Cách mạng, Ủy ban lãnh đạo cao cấp nhất của đảng Baath khi đó. Năm 1979, ông được bộ nhiệm làm Phó Thủ tướng Iraq.

Aziz là nhân vật để lại nhiều dấu ấn ở cả ba cuộc chiến lớn trong thời gian gần đây của Iraq. Giai đoạn 1980 – 1988, ông giúp Iraq giành sự ủng hộ của Mỹ trong cuộc chiến tranh với Iran. Chính ông cũng là người tạo lập mối quan hệ ngoại giao vững mạnh với Liên Xô cũ.

Aziz nổi bật lên trên trường quốc tế sau cuộc xâm lược Kuwait của Iraq vào năm 1990 và những khủng hoảng bùng nổ sau đó. Ông đóng vai trò ngoại giao hàng đầu trong thời gian chuẩn bị diễn ra cuộc chiến tranh vùng Vịnh. Trong những lần tiếp xúc với giới ngoại giao quốc tế, ông đã tự mình sử dụng tiếng Anh trơn tru không cần phiên dịch và thể hiện một kỹ năng thương thảo tuyệt vời bên cạnh ý chí mạnh mẽ.  

Khi Mỹ chuẩn bị tấn công Iraq hồi năm 2003, Aziz đã thường xuyên họp báo và dùng lý lẽ để bảo vệ đất nước, chế độ. Ông cũng có chuyến công du cuối cùng tới Vatican nhằm ngăn chặn nguy cơ chiến tranh nổ ra song không thành công.

Aziz bị đưa vào con số 43 trong danh sách những quan chức Iraq bị quân đội Mỹ truy nã gắt gao nhất. Tuy nhiên, tháng 4/2003, ông đã đầu hàng quân Mỹ, chỉ 2 tuần sau khi chính quyền Saddam bị lật đổ.

30 ngày để kháng án tử hình

Aziz từng xuất hiện trong vai trò nhân chứng ở một số phiên xử các cựu thành viên chính quyền cũ, bao gồm cả Saddam. Khi xuất hiện trong phiên xử lần đầu dành cho bản thân hồi tháng 4/2008, trông Aziz khá mệt mỏi và yếu. Người ta thấy ông còn phải dùng một cái gậy chống tới tòa.

Tháng 3/2009, ông bị tuyên phạt 15 năm tù giam vì đã xử tử hàng chục thương nhân phạm tội vượt rào kiểm soát giá cả của Chính phủ hồi năm 1992. Aziz tiếp tục bị tuyên phạt 7 năm tù hồi tháng 8/2009 vì tội trục xuất hàng ngàn người Kurds ra khỏi vùng đất phía Bắc nhiều dầu lửa của Iraq.

Tháng 1 năm ngoái, ông phải nhập viện vì bị đột quỵ, thường xuyên phải uống thuốc điều trị bệnh tim. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với hãng tin Associated Press, Aziz dự đoán rằng bản thân sẽ chết trong tù do tuổi đã cao và thời gian thi hành án vẫn còn dài. Song dự đoán này có thể không thành hiện thực vì bản án bất ngờ. Hiện chưa rõ khi nào Aziz sẽ phải bước lên giá treo cổ. Theo quy định của luật Iraq, ông có 30 ngày để kháng án lên cơ quan xét xử cấp cao hơn.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm