Indonesia sôi sục vì vụ bạo hành ô-sin

24/11/2010 14:24 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Cô gái 23 tuổi tới Arab Saudi với một tinh thần hăng hái, sẵn sàng làm việc trong vai trò một người hầu cho các gia đình Arab giàu có để kiếm tiền đỡ đần gia đình nghèo khó ở quê. Nhưng số phận không mỉm cười với cô, 4 tháng sau khi tới đất người, cô đã phải nhập viện với một thân hình bầm dập tả tơi và khuôn mặt rách nát vì bị bạo hành.

Cô gái mang tên Sumiati đã trở thành biểu tượng bị ngược đãi của các lao động nhập cư gốc Indonesia. Những sự tra tấn mà chủ lao động dành cho Sumiati khủng khiếp tới mức người ta khó có thể nghĩ chúng vẫn còn tồn tại trong xã hội ngày nay.

Cắt môi, dí bàn là vào lưng…

Sau khi tốt nghiệp trung học ở đảo Sumbawa, Sumiati đã tới Saudi vào ngày 18/7/2010 dưới sự giúp đỡ của một cơ quan tuyển dụng địa phương. Sumiati coi đây là cơ hội kiếm tiền, đủ để giúp đỡ ba đứa em có kinh phí học lên cao. Nhưng cô gái trẻ có gương mặt bầu bĩnh dễ thương đã được “chào đón” bằng những cơn mưa tra tấn đánh đập. Cụ thể, Sumiati bị chủ nhà dùng kéo cắt lìa một phần môi, dùng bàn là dí vào lưng khiến cả mảng da lớn bị hỏng. Chủ nhà cũng đánh gãy một ngón tay cùng nhiều xương sườn của cô gái. Đôi chân cô bị đánh nhiều tới mức khó có thể đi lại.


Sumiati trước khi tới Saudi và khi thân tàn ma dại, phải điều trị trong bệnh viện

Khi gia đình Sumiati lần đầu nhìn thấy dung nhan khủng khiếp của cô được chụp qua điện thoại di động, họ đã gần như “hóa điên”. “Mẹ Sumiati đã khóc như điên dại và bất tỉnh tại chỗ” - chú của Sumiati, ông Zulkarnain, kể trên tờ Jakarta Globe. Các bức hình chụp Sumiati, hiện đang được chăm sóc trong một bệnh viện ở thành phố Medina của Saudi, đã nhanh chóng xuất hiện trên trang nhất của hàng loạt tờ báo và kênh truyền hình địa phương Indonesia trong cả tuần lễ, gây phẫn nộ dư luận.

Không phải là hi hữu

Tuy nhiên theo Wahyu Susilo, một nhà hoạt động thuộc tổ chức Migrant Care ủng hộ các lao động nhập cư như Sumiati, trường hợp của cô không phải là duy nhất. “Chúng thôi thường xuyên phải nghe về tình trạng lao động phải làm việc như nô lệ, bị tra tấn, bị lạm dụng tình dục và thậm chí là mất mạng. Nhưng Chính phủ vẫn lờ đi. Tại sao vậy? Vì lao động nhập cư mang về lượng kiều hối lên tới 7,5 tỉ USD mỗi năm” - ông tuyên bố.

Lao động từ nhiều nước châu Á chiếm đa số trong ngành công nghiệp dịch vụ ở Trung Đông. Nhưng đây cũng là nơi xuất hiện rất nhiều vụ lạm dụng lao động. Một trong những vụ nổi tiếng thời gian gần đây là một chủ nhà người Kuwait đã đâm 24 cây đinh ghim vào người giúp việc tới từ Sri Lanka.

Ngoài Sumiati, chị Selvia 27 tuổi, từng làm người hầu ở thành phố Nabuk của Arab Saudi cũng đã phải về nước vì bị bóc lột sức lực tàn tệ, tới mức gãy lưng, giờ phải đi lại hết sức khó khăn. Chị Yanti Yusepa 25 tuổi, tới Saudi Arabia vào ngày 29/8 và trở về vào ngày 6/10/2010 trong tình trạng bị liệt từ thắt lưng trở xuống vì nhảy từ tầng 2 xuống đất để trốn thoát các chủ lao động bạo hành, tra tấn và bỏ đói chị.

Phẫn nộ cùng cực

Trường hợp của Sumiati đã trở nên đặc biệt, tới mức Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono phải triệu tập cuộc họp nội các vào cuối tuần trước để thảo luận cách thức chống lại vấn nạn ngược đãi người lao động Indonesia ở nước ngoài. Nhưng trong cuộc họp, người ta lại hay tin một người hầu khác của Indonesia, chị Kikim Komalasari, 36 tuổi, đã bị chủ lao động người Saudi tra tấn tới chết rồi vứt xác vào một thùng rác trong ngày 11/11 tại thị trấn Abha. “Thật sốc khi nghe chuyện này... thật vô lương tâm” - ông Yudhoyono đã phải thốt lên và yêu cầu cử một đội điều tra sang Saudi làm rõ tình hình.

Trong cơn phẫn nộ, nhiều người Indonesia đã tổ chức biểu tình trước sứ quán Arab Saudi, đòi công lý phải được thực thi và kẻ ác phải bị trừng phạt.

Lỗi từ phía nào?

Nhưng một số tổ chức nhân quyền chỉ ra rằng chính phủ Indonesia cũng có một phần lỗi. Họ nói rằng dù Indonesia gửi hơn 6,5 triệu lao động ra nước ngoài mỗi năm, nước này lại chưa phê chuẩn công ước LHQ 1990 về bảo vệ lao động nhập cư. Nước này cũng không ký một thỏa ước song phương với Arab Saudi, trong đó cho phép các lao động một cơ sở pháp lý để chống lại sự ngược đãi từ chủ lao động.

Tuy nhiên theo Oon Kurniaputra, một cố vấn của Bộ Nhân lực và Di trú Indonesia, vấn đề lạm dụng lao động không phải lỗi của chính phủ. Ông tuyên bố rằng chính các cơ quan tuyển dụng lao động, vốn thèm khát thu lời nhanh, đã lừa các lao động trẻ ra nước ngoài mà không hề quan tâm tới sự sống chết của họ.

Một số nhà làm luật đã đề nghị việc tạm ngưng đưa lao động sang Arab Saudi. Song đây là điều khó có thể xảy ra nếu xét tới mối quan hệ kinh tế và chính trị gần gũi giữa các quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số như Indonesia và Saudi. Ngoài ra hiện nay đang là thời điểm khá nhạy cảm khi hàng trăm ngàn người Indonesia đang ở Saudi để thực hiện lễ hành hương thường niên.

Theo các chuyên gia, tình trạng bạo hành lao động Indonesia ở nước ngoài sẽ ít có sự thay đổi, cho tới khi các cô gái ở đây được giáo dục tốt và được cung cấp cơ hội việc làm tốt hơn hiện nay.

Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm