Hốt bạc nhờ kèn vuvuzela

16/06/2010 11:32 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Người hâm mộ World Cup có thể hình thành các xúc cảm yêu ghét khác nhau với chiếc kèn vuvuzela của Nam Phi. Nhưng với hai doanh nhân người Đức đã giành được quyền bán lại vuvuzela ở châu Âu, họ chẳng có lý do gì để cáu giận hoặc ghét bỏ chiếc kèn bởi nó đã giúp mang lại bộn tiền cho họ.

Từng bị cấm vì nguy hiểm

Với những người thờ ơ với World Cup, cần phải nhắc rằng vuvuzela là một chiếc kèn nhựa dài chừng 1 mét. Nguồn gốc sự ra đời của chiếc kèn này còn gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên có tin fan cuồng Freddie "Saddam" Maake  của CLB Kaizer Chiefs ở Nam Phi là người đã "phát minh" ra chiếc kèn từ một cái còi xe đạp hồi năm 1965. Ông này sau đó thấy rằng chiếc còi vẫn còn ngắn và kêu không đủ to nên đã nối với một đoạn ống để nó dài hơn.  

Năm 1998, khi World Cup diễn ra tại Pháp, Maake đã mang chiếc kèn đi theo nhưng bị cấm đưa vào sân vận động do nhà chức trách sợ nó sẽ bị dùng làm vũ khí nguy hiểm. Sự cấm đoán này khiến Maake đã nghĩ ra việc sản xuất phiên bản nhựa của chiếc kèn. Năm 2001, công ty Masincedane Sport có trụ sở tại Nam Phi bắt đầu sản xuất hàng loạt chiếc kèn vuvuzela nhựa.

 Chiếc kèn vuvuzela có thể khiến người ta yêu,
ghét hoặc giúp mang lại tiền bạc cho ai đó

Kèn vuvuzela thu hút sự chú ý lần đầu hồi năm 2009 trong khuôn khổ giải Confederations Cup của FIFA tổ chức tại Nam Phi. FIFA muốn cấm loại kèn này trong World Cup 2010 vì lo ngại các thành phần hooligan có thể dùng kèn làm vũ khí và các doanh nghiệp địa phương có thể dán hình ảnh quảng cáo lên kèn. Tuy nhiên Liên đoàn Bóng đá Nam Phi đã kiến nghị rằng kèn vuvuzela là "cần thiết" để tạo nên một "trải nghiệm bóng đá Nam Phi đích thực" và kết quả là FIFA đã phải chấp nhận cho những chiếc kèn này xuất hiện tại World Cup.

"Một tổ ong lớn”

Kèn vuvuzela trong thổ ngữ Zulu của người Nam Phi có nghĩa "phát ra tiếng kêu vu vu". Với vai trò một chiếc kèn sân vận động, nó không có nhiệm vụ nào khác ngoài việc gây ra tiếng ồn "đinh tai nhức óc". Các bình luận viên thường phàn nàn rằng loại kèn này gây "phiền toái" và so sánh nó với việc bị "một đàn voi ồn ào dày xéo", "một đàn châu chấu đinh tai nhức óc", "một con dê trên đường tới nhà mổ" hoặc "một tổ ong lớn đầy những con ong giận dữ". Mức độ âm thanh của chiếc kèn được đo ở mức 131 dB khi đứng sát kèn và 113dB khi đứng cách kèn 2m. Cả hai mức này đều gây hại cho những đôi tai không được đeo thiết bị bảo vệ.

Ngoài việc gây ồn khủng khiếp, vuvuzela còn được cho là thủ phạm gây ra chứng lãng tai mãn tính. Chúng thậm chí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do những người đứng chung quanh chiếc kèn này không thể nghe thấy những tín hiệu, tiếng hô báo nguy trong trường hợp xảy ra tai nạn ở sân vận động. Chúng cũng giúp phát tán virus cảm và cúm ở quy mô lớn hơn nhiều sự ho hoặc hò hét thông thường. Việc "lạm dụng" kèn vuvuzela ở World Cup năm nay đã khiến giới truyền thông, người hâm mộ và cả các cầu thủ bóng đá phản ứng.

Nhưng Frank Urbas và Gerd Kehrberg, những doanh nhân giành được quyền bán lại kèn vuvuzela ở Liên minh châu Âu từ công ty Masincedane Sport hồi tháng 3 năm ngoái đang đánh cược với chiếc kèn, bất chấp những chỉ trích từ dư luận. Và quyết định của họ đã được chứng minh là khôn ngoan, sau khi vài triệu chiếc kèn được sản xuất ở Đức, chiếm tới 90% tổng lượng bán kèn vuvuzela ở châu Âu. Urbas cho biết phần lớn số kèn được bán tại các trạm bơm xăng, siêu thị hoặc cho những doanh nhân muốn phát không chiếc kèn này như một dạng quà tặng. Khi được hỏi hoạt động kinh doanh ra sao, Urbas thốt lên đầy mãn nguyện: "Chúng tôi chẳng có gì phải phàn nàn cả".

Phải “vặn nhỏ volume” lại

Tại Đức, độ lớn của vuvuzela đã khiến chiếc kèn bị cấm bán tại nhiều điểm đặt màn hình tường thuật bóng đá ngoài trời ở Berlin, Dortmund hoặc Gelsenkirchen. Báo chí cũng cảnh báo nguy cơ loại kèn này phá hỏng tai người nghe. Tuy nhiên điều đó không cấm người hâm mộ Đức đổ xô đi mua kèn để ăn mừng chiến thắng đậm của đội nhà trước tuyển Australia.

Tuy nhiên trước sức ép của dư luận, nhà sản xuất kèn Masincedane Sport đã tuyên bố việc họ đang sản xuất ra một phiên bản vuvuzela “bé mồm” hơn, với mức ồn nhỏ hơn khoảng 20 dB so với các loại kèn hiện nay. Urbas cũng cho biết loại vuvuzela sản xuất ở Đức, vốn có thể được chia làm 3 phần để người ta không đem nó ra "nện" nhau được, cũng có âm thanh nhỏ hơn 20 dB so với phiên bản Nam Phi.

Kehrberg cho hay ông phát hiện cơ hội kinh doanh vuvuzela từ năm 2007 khi nhận ra chiếc kèn gắn chặt với World Cup. Mặc dù mục đích ban đầu là kinh doanh chiếc kèn trong mùa World Cup, ông không phủ nhận cơ hội chiếc kèn gây nhiều tranh cãi này sẽ kéo dài sự sống ở châu Âu. "Có thể chiếc kèn sẽ hữu dụng trong các môn thể thao vốn đã rất ồn nào khác, như giải đua xe công thức một chẳng hạn" - ông nói.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm