Hổ gần tuyệt chủng trước cửa năm Dần

25/01/2010 15:19 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Sắp bước vào năm Dần theo lịch âm, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) một lần nữa lại gióng tiếng chuông báo động về số phận của loài hổ. Theo các nhà sinh thái học, trên toàn thế giới chỉ còn sót lại 3.200 - 3.500 cá thể ở ngoài thiên nhiên hoang dã. Trong top 10 loài thú có nguy cơ tuyệt diệt nghiêm trọng nhất theo đánh giá hàng năm của WWF thì những con thú lớn họ mèo đứng đầu tiên. Trong thế kỷ 20 “Ông Ba Mươi” bị tàn sát tới 95% tổng số cá thể. Nguyên nhân không có gì mới - nạn săn bắn trộm và sự lấn chiếm của con người vào lãnh thổ truyền thống của hổ.


 Hổ Amur
Nhằm chống lại nạn săm trộm hổ, WWF đã phát động một chiến dịch toàn cầu. Các chuyên gia của WWF sẽ tiến hành các cuộc giám sát đối với loài cọp trong suốt 12 tháng của năm 2010 - Năm Quốc tế vì sự đa dạng sinh học theo tuyến bố của Liên hợp quốc.


Ngay tại Trung Quốc, nơi loài hùm beo được coi là những con vật thiêng thì chúng cũng không có nhiều cơ hội trong năm Canh Dần. Theo số liệu của cơ quan lâm nghiệp Trung Quốc, ở nước này hiện chỉ còn… 50 con hổ ở trong các cánh rừng: 20 cá thể thuộc phân loài Amur ở phía Đông - Bắc, 20 cá thể thuộc phân loài Bengal ở Tây Tạng và 10 cá thể phân loài Đông Dương ở phía Đông - Nam. Mặc dù Trung Quốc đã cấm buôn bán xương, da và nội tạng hổ nhưng vấn đề bảo tồn loài thú quý hiếm này vẫn không được giải quyết, bất chấp chính quyền xử rất nặng những người vi phạm. Chẳng hạn, cuối năm ngoái tòa án đã xử một nông dân 12 năm tù và phạt tiền 580.000 tệ (85.000 USD) vì tội đã giết và ăn thịt một “Ông Ba Mươi” thuộc phân loài Đông Dương. Lời thanh minh rằng anh ta giết hổ để tự vệ không có tác dụng tại tòa. Bốn người cùng làng được anh ta mời nhậu thịt hùm và họ đã bị tòa khép tội không tố giác tội phạm với mức án tù 3 - 4 năm.

Tuy nhiên, những vụ án “điểm” kiểu này không có nhiều tác dụng. Tại thủ phủ khu tự trị Tây Tạng - thành phố Lhasa, có rất nhiều những cửa hàng, quầy hàng nhỏ bán tấm da hổ với giá 20.000 USD. Người giàu đua nhau mua để trang trí trong nhà riêng và văn phòng. Ngoài ra y học cổ truyền Trung Quốc vẫn có truyền thống sử dụng xương tán nhỏ, râu và một số bộ phận nội tạng của hổ để làm thuốc. Người dân tin rằng cao hùm làm tăng dương khí của đàn ông và chữa bệnh khớp rất hiệu quả. Những người du mục Tây Tạng thì sử dụng da hổ trong các dịp lễ hội tôn giáo. Một lần các tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế đã phản ứng gay gắt với chính quyền địa phương khi thấy một ngôi lều tại Lhasa được dựng lên bằng 108 bộ da cọp. Theo WWF, trên thị trường chợ đen thế giới một bộ da hổ có giá 40.000 USD, một cân xương - 5.000 USD.


Hổ Đông Dương
Ở quốc gia láng giềng Ấn Độ tình hình khá hơn một chút. Nước này là nơi sinh sống của một nửa số cá thể cọp trên thế giới - gần 1.800 con. Nếu như trước đây số lượng đàn hổ tại Ấn Độ giảm là do con người khai phá rừng và do các cuộc xung đột vũ trang thì hiện nay nạn săn trộm là nguy cơ chính. Theo đánh giá của các chuyên gia, hằng năm không dưới 100 con hổ bị thợ săn bắn chết. Năm 1947 ở Ấn Độ có hơn 40.000 con, sau 40 năm số lượng của “Chúa sơn lâm” giảm gần 20 lần. Nếu chính quyền không ngăn chặn được tình trạng săn trộm thì chẳng bao lâu nữa ở đất nước này sẽ chẳng còn một con cọp nào nữa. Để chặn nạn săn bắn trộm thì việc buôn bán da, thịt và xương hổ cũng phải bị cấm triệt để.


Hổ trắng
Nga là quê hương của phân loài hổ có thân hình đồ sộ nhất - hổ Amur phân bố ở vùng Viễn Đông. Chúng có khoảng 400 - 500 cá thể và cũng đang bị săn đuổi ráo riết. Nguyên nhân của việc giảm số lượng đàn hổ ở đây cũng lại là nạn phá rừng và săn trộm. Nói thêm là tại Nga không hề có chuyện xử tù 12 năm với phạt tiền 85.000 USD vì tội giết hùm. Một kẻ săn trộm bị bắt quả tang ở Nga cùng lắm là bị phạt vài nghìn rúp (30 rúp đổi 1 USD).
Hiện nay trên thế giới đã có ba phân loài (nòi) hổ đã hoàn toàn tuyệt chủng:

1- Hổ Bali (Panthera tigris balica) đã có trên đảo Bali. Nòi hổ này bị săn bắn đến tuyệt chủng; con hổ Bali cuối cùng bị giết ở Sumbar Kima, Tây Bali vào ngày 27 tháng 9, năm 1937; đó là một con hổ cái trưởng thành. Không có một con hổ Bali nào còn sống trong tình trạng nuôi nhốt. Hổ vẫn đóng một vai trò quan trọng trong tôn giáo của đạo Hindu ở Bali.

2- Hổ Java (Panthera tigris sondaica) đã tồn tại trên đảo Java của Indonesia. Nòi này có lẽ đã tuyệt chủng từ thập niên 80 do bị săn bắn và bị phá hủy môi trường sống, nhưng sự tuyệt chủng của chúng có thể diễn ra từ những năm 50 trở đi (khi đó chỉ còn dưới 25 cá thể trong tự nhiên). Con hổ cuối cùng được nhìn thấy vào năm 1979.

3- Hổ Caspi hay hổ Ba Tư (Panthera tigris virgata) đã tuyệt chủng từ cuối thập niên 60 - con cuối cùng được nhìn thấy vào năm 1968. Trước kia, chúng phân bố ở Afghanistan, Iran, Iraq, Pakistan, Liên Xô cũ và Thổ Nhĩ Kỳ.

(Nguồn Wikipedia)

Trần Quang Vinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm