Hàng triệu người nghèo ở chốn “thiên đường"

05/08/2010 14:23 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ăn tiêu xả láng, giá nhà cao ngất ngưởng, công việc làm suốt đời từng là chuyện hết sức bình thường ở Nhật Bản. Nhưng ngày nay đất nước mặt trời mọc còn phải đối diện với một thực tế mới mà họ không muốn chấp nhận: hàng triệu người nghèo phải chật vật để kiếm sống qua ngày.

Sự nghèo đói bị che giấu

Satomi Sato là một phụ nữ góa chồng 51 tuổi, đang vất vả nuôi một đứa con gái tuổi teen, với khoản thu nhập ít hơn 17.000 USD một năm bà kiếm được từ hai công việc khác nhau. Tuy nhiên Sato vẫn tỏ ra hết sức ngạc nhiên khi Chính phủ lần đầu tuyên bố chuẩn nghèo tương đối hồi năm ngoái và bà đã ở dưới ngưỡng đó.

“Tôi không muốn dùng từ 'nghèo' dù thực tế tôi là người nghèo" - Sato, người làm nghề bán cơm hộp vào buổi sáng và đưa báo vào buổi chiều, tâm sự với phóng viên tờ New York Times - "Nghèo vẫn là từ chưa phổ biến ở Nhật Bản".


Người vô gia cư ngủ lang trên phố đã không còn là hình ảnh lạ lẫm tại Nhật Bản
Hai thập kỷ sau khi bong bóng về sự giàu có của Nhật Bản tan vỡ, các công dân của nước này bắt đầu làm quen với tình trạng thất nghiệp cao và hình ảnh những người vô gia cư ngủ dạt trên phố. Các số liệu thống kê lần đầu công bố hồi năm ngoái còn cho thấy những thông tin gây bất ngờ hơn. Theo đó, gần 1/6 dân số Nhật, tức khoảng 20 triệu người, đang sống dưới ngưỡng nghèo khổ tương đối (22.000 USD một năm/gia đình 4 người). Nhiều người Nhật vẫn tự huyễn hoặc mình rằng đất nước gồm toàn những người trung lưu, càng sốc hơn khi thấy tỉ lệ 15,7% người nghèo ở Nhật Bản đã cao hơn cả tỉ lệ 17,1% người nghèo ở Mỹ và đứng thứ 4 trong danh sách 30 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Nhưng điều gây sốc nhất là việc Chính phủ thừa nhận đã che giấu các số liệu về người nghèo kể từ năm 1998. Chính phủ liên tục bác bỏ nghèo đói là một vấn đề, bất chấp việc thỉnh thoảng lại có những chứng cứ xã hội nói lên điều ngược lại. Sự che giấu này đã chấm dứt khi chính phủ của cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama lên nắm quyền, với lời cam kết sẽ thay đổi để bộ máy hành chính nổi tiếng bí mật và quan liêu của Nhật trở nên cởi mở hơn, nhất là trong các vấn đề xã hội.

"Chính phủ hiểu rõ về vấn đề nghèo khổ nhưng đã che giấu nó" - Makoto Yuasa, lãnh đạo tổ chức phi lợi nhuận Link Association  nói - "Chính phủ sợ hãi khi phải đối mặt với thực tế".

Theo sau các quy chuẩn quốc tế về nghèo, Nhật Bản đã công bố chuẩn nghèo tương đối, theo đó các gia đình 4 người có thu nhập dưới 22.000 USD một năm (bằng nửa mức thu nhập trung bình toàn quốc của một hộ gia đình) sẽ được xem là nghèo. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng tỉ lệ nghèo ở Nhật Bản đã tăng gấp đôi kể từ khi thị trường địa ốc và chứng khoán sụp đổ vào đầu những năm 1990, dẫn tới việc Nhật có hai thập kỷ trì trệ và suy thoái trong hoạt động phát triển kinh tế.

Những phản ứng chậm chạp

Các nhà phân tích đánh giá những người nghèo gặp khó khăn nhất là các bà mẹ nuôi con một mình, người già và cả những người mới mất việc trong các đợt suy thoái mới nhất. Liệt vào hàng ngũ những người nghèo còn có cả một thế hệ các lao động trẻ, những cá nhân thiếu một việc làm lâu dài ổn định, điều cha mẹ họ từng được hưởng trong những năm Nhật Bản tăng trưởng thần kỳ giai đoạn 1960 - đầu 1990. Hơn nửa số người lao động dưới 39 tuổi ở Nhật Bản phải chấp nhận các bản hợp đồng ngắn hạn và việc làm tạm thời.

Những người lao động được ký hợp đồng ngắn hạn thường chỉ được nhận thu nhập thấp và so với lao động dài hạn, họ rất dễ mất việc nếu thị trường có biến động. Hàng trăm ngàn lao động tạm thời như thế đã bị sa thải trong cuộc suy thoái 2008-2009.

"Tôi làm việc suốt 20 năm trong vai trò một lao động tạm thời ở một chi nhánh của một công ty lớn trước khi mất việc hồi tháng 3 năm ngoái" - một người lao động đứng tuổi giấu tên nói với hãng tin AFP - "Tôi sống ở chung cư của công ty và bị đuổi cổ ra ngoài chỉ một tháng sau khi bị nghỉ việc". Ông này cho biết sau thời điểm đó đã nhiều lần phải ngủ vạ vật nơi công cộng và rất khó kiếm lại việc làm.

Aya Abe, một nhà nghiên cứu ở Viện nghiên cứu Quốc gia về Dân số và An sinh Xã hội đánh giá nhiều người mới mấp mé bên bờ nghèo khó đã "rơi tự do" xuống khỏi ranh giới của cái nghèo. Nguyên nhân do cấu trúc gia đình quy mô lớn, từng được xem là lưới an toàn của xã hội Nhật, đã không còn tồn tại. Trong quá khứ, không hiếm các gia đình ba thế hệ sống chung một mái nhà. Họ sẽ cùng kiếm tiền và việc này giúp giảm bớt cú sốc nếu một người mất việc. Ngày nay, nhiều gia đình chỉ gồm những bà mẹ nuôi con một mình như Sato, phải vất vả làm tới hai công việc một lúc để kiếm tiền mà vẫn không đủ để thoát nghèo.

Các chuyên gia đánh giá xã hội Nhật Bản đã thay đổi nhanh nhưng chính phủ đã chậm trễ trong việc thích ứng.  Trong 20 năm qua, thuế và các nghĩa vụ đóng góp cho an sinh xã hội đã tăng cao, gây thêm nhiều áp lực cho những người nghèo, vốn thấy họ nhận được ít lợi ích. Số liệu của tổ chức OECD cho thấy chính sách thuế của Nhật còn lấy đi nhiều tiền từ các gia đình thu nhập thấp, hơn là mang tiền tới cho họ. Đây là chuyện "có một không hai" trong nhóm các nước phát triển.

“Có thể đe dọa sự tồn tại của đất nước"

Sự nghèo đói tăng lên đã thu hút sự quan tâm của báo giới. "Có thể thấy bóng tối của sự nghèo đói từ nhiều vấn đề xã hội như sự gia tăng số vụ tự sát, những cái chết cô đơn, tình trạng lạm dụng trẻ em và tỉ lệ sinh sụt giảm" - tờ Asashi Shimbun viết trong bài xã luận gần đây - "Đây là tình trạng bất ổn có thể đe dọa sự tồn tại của đất nước chúng ta".

Tân Thủ tướng Naoto Kan, trong bài phát biểu nhậm chức đầu tiên đã thề sẽ làm hết sức để "giảm các yếu tố khiến người dân không hạnh phúc". Theo sau đó, chính phủ Nhật đã đưa ra các dự luật cho phép trợ cấp tối thiểu 70.000 yen (gần 1.000 USD) một tháng cho những người già không nhận được sự hỗ trợ tài chính nào. Chính phủ cũng lên kế hoạch hành động để tăng quyền lợi cho các lao động ngắn hạn và tạm thời.

Tuy nhiên do đảng Dân chủ Nhật Bản của ông Kan mới chịu tổn thất lớn trong cuộc bầu cử thượng viện hồi giữa tháng 7 nên các dự luật này đã bị đình trệ và có thể sẽ chẳng bao giờ được thông qua.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm