Hàng loạt di sản châu Âu bị đe dọa

21/04/2013 06:14 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - 14 di chỉ khảo cổ, công trình tôn giáo, thành phố lịch sử và pháo đài quân sự vừa bị tổ chức di sản châu Âu Europa Nostra đưa vào danh sách những di sản đang gặp nguy hiểm nhất châu Âu.

14 di sản này được các chuyên gia lựa chọn từ 40 đề cử do các tổ chức ở 21 nước đệ trình. Tiếp sau đây người ta sẽ tiến hành nghiên cứu để chọn ra 7 di sản đang gặp hiểm nguy nhất và tìm cách cứu chúng. Danh sách cuối cùng sẽ được công bố tại cuộc họp nhân dịp Europa Nostra tròn 50 tuổi tại thủ đô Athens (Hy Lạp) vào ngày 16/6.

1. Khán đài La Mã ở Albania: Khán đài này có niên đại từ đầu thế kỷ thứ 2, với sức chứa 15.000 khán giả. Tuy nhiên nó không hề được biết đến cho đến những năm 1960, khi một người bản địa thấy một cái cây trong vườn của mình bị lún xuống. Việc tu bổ khán đài này đang gặp phải thách thức lớn: các nhà khảo cổ mới chỉ khai quật được một phần, trong khi người dân đã xây dựng nhà cửa trên các phần còn lại.


Khán đài La Mã ở Durres, Albania.

2. Nhà thờ St Peter & St Paul ở Armenia: Nhà nguyện nhỏ,tách biệt và cũ nát này là một trong những công trình Công giáo lâu đời nhất thế giới, có niên đại từ thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên. Công trình liên tục bị đe dọa do nạn lũ lụt.

3. Vùng đệm ở trung tâm lịch sử của Nicosia, Síp: Các nhà bảo tồn ở Cộng hòa Síp đã phối hợp với Liên Hiệp Quốc để xúc tiến một kế hoạch tổng thể nhằm phục hồi hành lang dài 1,5km xuyên quan thành phố lịch sử Nicosia.

4. Pháo đài Vauban ở Briancon, Pháp: Được xây dựng từ thế kỷ 17 để bảo vệ thành phố, pháo đài này đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Tuy nhiên giờ đây nó đã bị đổ nát nghiêm trọng.

5. Đèn khí ở Berlin, Đức: Những cây đèn đường hoạt động bằng khí gasrất có giá trị lịch sử, đã là một phần của quang cảnh thành phố Berlin gần 200 năm qua. Hiện nay, không có thành phố nào khác trên thế giới có thể bảo tồn được những cây đèn khí với quy mô như ở Berlin. Kế hoạch thay những cây đèn khí bằng đèn điện đang bị người dân địa phương phản đối dữ dội. Nhiều du khách hết sức gắn bó với những cây đèn khí này.


Đèn thắp sáng bằng khí gas ở đường phố Berlin.

6. Dinh thự hoàng gia cũ ở gần Athens, Hy Lạp: Dinh thự này được gia đình Hoàng gia Hy Lạp dùng làm cung điện mùa Hè từ năm 1871. Sau đó, nó liên tục thuộc sự sở hữu của Chính phủ và gia đình Hoàng gia. Do vậy, lâu đài này chiếm một vị trí đặc biệt trong lịch sử Hy Lạp. Khu nghĩa trang gần đó chôn cất nhiều nhân vật hoàng gia. Tháng 9/2012, Chính phủ Hy Lạp thông báo họ sẽ bán lâu đài trong kế hoạch bán các công trình có giá trị, để cứu nguy nền kinh tế đang kiệt quệ của nước này.

7. Thành lũy Alessandria ở Italia: Được coi là một trong những pháo đài quân sự thế kỷ thứ 18 lớn nhất vẫn còn tồn tại ở châu Âu, thành lũy Alessandria có một lịch sử phong phú gắn kết với thời Napoleon và sự hợp nhất của Italia. Thành lũy này đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

8. Tu viện thời Phục hưng San Benedetto Po ở Itialia: Tu viện này (có niên đại vào khoảng thế kỷ 15-16) đã bị hư hại nặng sau trận động đất xảy ra hồi tháng 5/2012.

9. Tu viện và nhà thờ Chúa Jesus ở Bồ Đào Nha: Được coi là địa điểm biểu tượng trong lịch sử châu Âu, nơi diễn ra lễ ký kết Hiệp ước Tordesillas giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha từ năm 1494. Đây là sự kiện mở đường cho bước tiến của người châu Âu tới châu Mỹ và Viễn Đông. Công trình này hiện đang bị xuống cấp nặng nề.


Dinh thự Hoàng gia cũ ở Tatoi, gần Athens, Hy Lạp.

10. Cảnh khu mỏ Rosia Montana ở Rumani: Cảnh quan khu mỏ Rosia Montana và các ngôi làng xung quanh là nơi ghi dấu ấn các hoạt động khai mỏ từ hơn 3 thiên niên kỷ trước. Tuy nhiên, dự án khai thác mỏ vàng lộ thiên hiện nay ở đây đang đe dọa nghiêm trọng tới di sản và làm ô nhiễm môi trường của vùng này.

11. Di chỉ đồ đá Vinca-Belo Brdo ở Serbia: Di chỉ thời tiền sử này không chỉ bị đe dọa vì thiếu ngân sách, mà còn bị ảnh hưởng bởi dòng chảy của sông Danube.

12. Khu làng chài ở Valencia, Tây Ban Nha: Các ngư dân vùng El Cabanyal-Canyamelar (gần cảng Valencia) đang phải lập chiến dịch nhằm cứu nguy những ngôi nhà của họ. Nhiều ngôi nhà trong số đó được trang trí rất đẹp, tuy nhiên chúng đang có nguy cơ bị phá hủy do một kế hoạch làm đường mới.

13. Nhà thờ St George ở Thổ Nhĩ Kỳ: Nhà thờ này tọa lạc ở thành phố cổ Mardin, với nền móng có niên đại từ thế kỷ thứ 5, nhưng hiện đang bị bỏ hoang.

14. Thành phố lịch sử Hasankeyf, Thổ Nhĩ Kỳ: Nếu công trình xây dựng đập thủy điện Ilısu vẫn tiếp tục như dự kiến thì trong thập kỷ tới, 80% các công trình lịch sử của thành phố Hasankeyf sẽ chìm trong nước. Tuy nhiên, hiện thành phố này vẫn chưa nhận được bất cứ kế hoạch bảo tồn hoặc di dời nào.

    Việt Lâm (theo Guardian)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm